Công ty CP vận tải và thương mại Hải An Hoà Bình (TP Hòa Bình) có 40 tuyến vận tải hành khách từ Hoà Bình đi các tỉnh, thành phố phía Bắc.
Theo một số chủ DN vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh, từ trước Tết Nguyên đán đến nay, giá xăng dầu tăng liên tục gây ra nhiều khó khăn cho hoạt động vận tải. Chi phí xăng, dầu chiếm 30 - 40% trong cơ cấu hoạt động của mỗi chuyến xe. Chính vì vậy, trong bối cảnh dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu giảm khiến việc đi lại của người dân hạn chế, cộng với chi phí hoạt động tăng cao kéo theo hàng loạt DN cứ vận hành là xác định lỗ nặng.
Mới đây nhất, từ 15h ngày 1/3, giá xăng dầu trên toàn quốc được điều chỉnh theo chu kỳ. Trong kỳ điều chỉnh lần này, mỗi lít xăng E5 RON 92 tăng 540 đồng, RON 95 tăng 550 đồng. Theo đó, giá xăng RON 95 tăng lên 26.830 đồng/lít; xăng E5 RON 92 tăng lên 26.070 đồng/lít. Đây là lần thứ 6 giá xăng tăng liên tiếp và lên mức cao nhất từ năm 2005 đến nay. Giá dầu DO tăng 510 đồng/lít, lên mức 21.310 đồng/lít; dầu hoả tăng từ 19.500 đồng/lít lên 19.970 đồng/lít (tăng 470 đồng/lít).
Theo ông Dương Văn Hải, Phó Giám đốc Công ty CP vận tải và thương mại Hải An Hoà Bình (TP Hòa Bình), chưa kịp hồi phục trong bối cảnh "lao đao” do ảnh hưởng dịch Covid-19 thời gian qua, các DN vận tải lại phải đối mặt với thách thức lớn khi giá xăng dầu tăng liên tục.
Công ty CP vận tải và thương mại Hải An Hoà Bình hiện có khoảng 50 đầu xe với trên 40 tuyến cố định chạy từ Hoà Bình đi các tỉnh thuộc miền Bắc và ngược lại. Hiện mỗi ngày một xe xuất bến trong tình hình dịch bệnh vừa không có khách, cộng với giá xăng dầu tăng cao khiến DN luôn phải bù lỗ tiền dầu cho cả chuyến. Như tuyến Hoà Bình đi Tiền Hải (Thái Bình), Hải Phòng, Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ (Nam Định), Ninh Bình… hầu như 100% là lỗ. Cụ thể, giá vé từ TP Hoà Bình đi Hải Phòng và ngược lại là 90.000 đồng, trong khi đó, chi phí cho nhiên liệu dầu hết khoảng 70 lít. Trước đây giá 14.000 - 15.000 đồng/lít, mỗi chuyến tầm hơn 1 triệu đồng cho xăng dầu, nhưng hiện nay chi phí trên 1,4 triệu đồng cho mỗi chuyến, chưa tính chi phí tiền bến bãi, khấu hao xe, vé đường… trong khi khách đi xe rất ít. Để giảm thiểu tình hình cứ chạy là lỗ, công ty phải giảm tần suất chạy xe các tuyến trước đây 1 ngày 1 chuyến thì nay 2 ngày 1 chuyến, cắt giảm phụ xe để tiết giảm chi phí.
Thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 9 DN vận tải hành khách. Nhiều DN ít tuyến nhưng đầu xe rất lớn, như hãng xe khách Bình An Hoà Bình có 2 - 3 tuyến nhưng có đến 60 - 70 đầu xe. Ngoài ra, các hãng taxi có từ chục đến trăm đầu xe mỗi DN. Ngoài ra, các DN vận tải khách không chỉ gặp khó khăn do xăng dầu tăng giá mà còn phải đóng đủ các loại thuế, phí khác, nhiều loại thuế, phí, lãi ngân hàng, phí bảo hiểm không được giảm.
Dưới góc nhìn DN, ông Dương Văn Hải cho rằng, đã tới lúc Nhà nước cần có các động thái cần thiết trong việc điều hành, bình ổn giá xăng dầu, nhất là trong bối cảnh cả nước đang hồi phục kinh tế. Đồng thời, xem xét cơ cấu về thuế, phí và các công cụ linh hoạt hơn để điều hành giá xăng dầu, giảm bớt khó khăn cho người dân, DN.
Thực tế hiện nay, tình hình dịch Covid-19 mặc dù không còn nguy hiểm như trước đây bởi người dân đã được tiêm phòng vắc xin cơ bản, nhưng lượng hành khách đi xe vẫn chưa nhiều. Chi phí xăng dầu tăng cao, nhiều DN vận tải lâm vào cảnh phải "chịu trận” nặng nề nhất mỗi khi xe xuất bến và nếu giá vé tăng theo giá xăng dầu thì DN sẽ mất khách.
"Nếu tình hình này cứ tiếp diễn chúng tôi buộc phải tăng giá vé hoặc phải dừng hoạt động. Mong rằng cơ quan chức năng sẽ có sự hỗ trợ kịp thời để DN giảm bớt khó khăn trong kinh doanh” - ông Dương Văn Hải cho hay.
Hồng Trung