Thời điểm này, sản phẩm măng được bày bán nhiều tại thị trấn Mai Châu (Mai Châu).
Giống măng đành hanh được trồng từ những năm 1990 trên đất nương, đồi bạc màu không còn khả năng canh tác, người dân trồng để giữ đất, chống xói mòn, có thêm nguồn thực phẩm phục vụ bữa ăn hàng ngày. Diện tích mở rộng theo từng năm, nhà trồng ít vài nghìn mét, nhà trồng nhiều 1 - 2 ha, 100% diện tích đành hanh đã cho thu hoạch măng. Theo thống kê, toàn huyện có trên 10.000 ha đất trồng tre lấy măng, tập trung ở các xã: Sơn Thủy, Thành Sơn, Tân Thành, Đồng Tân..., sản lượng đạt trên 10.000 tấn/năm, vụ măng bắt đầu từ cuối tháng 2 đến hết tháng 5 hàng năm.
Trải nghiệm công việc thu hoạch măng cùng người dân nơi đây, chúng tôi cùng anh Đinh Văn Khánh, xã Tân Thành lên khu rừng của gia đình. Khu rừng trồng tre xen đành hanh rộng hơn 3 ha. Vừa phát quang tìm và đào măng anh Khánh, chia sẻ: "Để thu hoạch được nhiều măng phải quan sát kỹ những chỗ đất xốp, nứt nhẹ, ngọn măng phát triển từ gốc sẽ đội đất nổi lên, lấy thuổng đào nhẹ xung quanh, khi đến gốc măng dùng dao sắc hoặc lưỡi thuổng chặt ngang gốc dứt khoát để tránh măng bị dập. Người biết đào măng, sức khỏe tốt có thể đào được 1 tạ măng/ ngày. Măng đầu mùa thường trắng, mềm, ngọt, giòn, khi có những cơn mưa rào kèm sấm, sét thì những cây măng mọc nhanh, vị đắng tăng dần. Măng đắng cho thu hoạch sau măng đành hanh khoảng 1 tháng. Mỗi năm, gia đình tôi thu hoạch từ 20 - 22 tấn măng tươi, bán cho các điểm thu mua măng gần nhà giá trung bình từ 15 - 20 nghìn đồng/kg, thu nhập từ 200 - 250 triệu đồng/vụ măng.
Cũng trồng măng như gia đình anh Khánh, anh Lý Văn Dần, xóm Nà Lụt, xã Thành Sơn cho biết: Nhà tôi trồng được hơn 2 ha giống đành hanh chuyên lấy măng. 3 vụ trước mỗi vụ thu trên 10 tấn măng tươi, thu nhập trên 150 triệu đồng/vụ. Từ đầu vụ măng đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch được hơn 1 tấn măng tươi, đầu mùa sản lượng ít nhưng được giá, trung bình từ 18 - 22 nghìn đồng/kg, ước cả vụ năm nay đạt khoảng 12 - 13 tấn măng tươi, hy vọng thu khoảng 200 triệu đồng.
Thời điểm này tuy mới đầu vụ nhưng tại thị trấn Mai Châu đã có hàng chục điểm bán lẻ măng và 5 - 6 điểm thu mua măng tươi cho bà con trên địa bàn huyện, măng được đóng vào bao tải dứa để xe tải chuyển về các chợ đầu mối ở TP Hòa Bình, Sơn La, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... tiêu thụ. Đầu mùa, trung bình mỗi điểm thu mua từ 1 - 2 tấn măng/ngày, vào giữa vụ có những điểm thu mua 10 - 20 tấn măng tươi/ ngày. Ngoài ra, những cây măng vầu 3 - 4 năm tuổi được người dân khai thác tỉa thưa bán cho các công trình xây dựng làm cốp pha hoặc người dân trong huyện, các huyện lân cận làm kho bãi, chuồng trại chăn nuôi, với giá từ 20 - 30 nghìn đồng/cây.
Đành hanh là loại cây có giá trị kinh tế cao nên huyện Mai Châu đã, đang tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng, góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn, sạt lở đất, nâng cao độ che phủ rừng và giúp người dân có thêm thu nhập.
Thu Hường
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Mai Châu)