Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực cũng như hoạt động kinh doanhonline phát triển khá phổ biến trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế số.
Bắt nhịp xu hướng, tỉnh xác định CĐS là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn với tình hình phát triển KT-XH của tỉnh; thực hiện CĐS với 3 trụ cột: Chính quyền số, KTS, xã hội số. Trong đó, KTS đã và từng bước triển khai có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực; nhiều ngành nghề mới được tạo ra như: Kinh doanh online, thương mại điện tử (TMĐT), kinh tế chia sẻ…
Những năm gần đây, tỉnh đã coi trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao; tập trung chủ yếu ở 3 lĩnh vực được ứng dụng các mô hình thông minh là trồng trọt, chăn nuôi và chế biến nông sản. Điển hình như phát triển nông nghiệp hữu cơ, công nghệ tưới nhỏ giọt, trồng trọt theo hướng VietGAP..., sản phẩm của nhiều HTX, doanh nghiệp (DN) đã được dán tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai, sử dụng các phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu chuyên ngành nông nghiệp, nông thôn như: Hệ thống cảnh báo phòng, chống thiên tai; các phần mềm về thống kê theo dõi dịch bệnh; quản lý cơ sở dữ liệu tài nguyên đất nông nghiệp; hệ thống truy xuất nguồn gốc xác thực chống giả và kết nối cung cầu tỉnh Hòa Bình tại địa chỉ: hb.check.net.vn; phần mềm trong lĩnh bảo vệ, phòng chống cháy rừng; quản lý dữ liệu bảo vệ thực vật PPDMS 2.0. Tỉnh cũng đang nghiên cứu, triển khai các phần mềm về quản lý Chương trình OCOP theo yêu cầu; thẩm định tiêu chí nông thôn mới...
Đối với lĩnh vực TMĐT, một số sở, ngành đã đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các sàn TMĐT Postmart.vn, Voso.vn để thúc đẩy phát triển KTS nông thôn, giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, HTX quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường trong, ngoài nước; tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số. Đồng thời tăng cường hỗ trợ DN ứng dụng TMĐT; xây dựng website TMĐT bán hàng trực tuyến phù hợp với mô hình, sản phẩm, dịch vụ. Tạo điều kiện cho DN tham gia các sàn giao dịch TMĐT nhằm trao đổi, quảng bá thương hiệu, sản phẩm. Hỗ trợ DN ứng dụng marketing trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường internet phù hợp với các DN Việt Nam nói chung và tỉnh nói riêng, đặc biệt là các DN nhỏ.
Song song với đó, các lĩnh vực giao thông vận tải; phát triển công nghiệp CNTT; thanh toán không dùng tiền mặt và lĩnh vực thuế, kho bạc, ngân hàng cũng có những chuyển động tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành, giảm thời gian giao dịch cho các tổ chức, cá nhân.
Nhằm đẩy mạnh CĐS trên địa bàn tỉnh, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 24/12/2021 về CĐS tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó có nội dung quan trọng về phát triển KTS, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Mục tiêu đến năm 2025, KTS chiếm 20% GRDP; tỷ trọng KTS trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 7%.
Để hiện thực hóa nghị quyết, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng đề án CĐS tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, nhiệm vụ được đặt ra là: Hoàn thiện, triển khai toàn diện sàn TMĐT của địa phương trên môi trường số theo chuỗi giá trị, kết nối đầy đủ các chủ thể trong chuỗi cung ứng; kết nối, chia sẻ thông tin với các sàn TMĐT uy tín trong nước và khu vực; quảng bá trực tuyến các hàng hóa, thương hiệu kinh doanh chủ lực của địa phương.
Hoàn thiện, triển khai ứng dụng hỗ trợ quản lý, đăng ký tập trung hoạt động cấp phép kinh doanh, chứng nhận đầu tư trên môi trường số; ứng dụng số để công khai thông tin các chương trình, dự án đầu tư, các kế hoạch, quy hoạch theo quy định pháp luật để thu hút đầu tư.
Phát triển, triển khai hệ thống phổ cập, hỗ trợ, trao đổi, hướng dẫn về các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số nhằm hỗ trợ các DN vừa và nhỏ (SMEs) CĐS; các tổ chức tín dụng để hỗ trợ, thúc đẩy các DN, hộ kinh doanh cá thể triển khai thanh toán điện tử, không dùng tiền mặt. Phối hợp với các DN số hỗ trợ, thúc đẩy triển khai các ứng dụng số cho các DN SMEs theo từng công đoạn của chu trình kinh doanh tùy theo đối tượng hỗ trợ.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các chính sách khuyến khích phát triển DN công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công về CNTT sang làm sản phẩm công nghệ số, công nghiệp 4.0, phát triển nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, TMĐT và sản xuất thông minh...
Với việc coi trọng phát triển KTS được kỳ vọng sẽ góp phần đắc lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhằm đưa Hòa Bình phát triển nhanh, bền vững.
Bình Giang