(HBĐT) - Những năm qua, tỉnh quan tâm thực hiện công tác quản lý Nhà nước (QLNN) đối với doanh nghiệp (DN) sau đăng ký thành lập, tạo thuận lợi cho DN kinh doanh có hiệu quả, nâng cao công tác QLNN bằng pháp luật đối với DN, tạo cơ sở pháp lý giúp DN tiếp cận với các chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần thúc đẩy DN phát triển.


Công ty CP Lạc Thuỷ (Lạc Thủy) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có khoảng gần 4.200 DN với tổng số vốn đăng ký gần 60.000 tỷ đồng. Năm 2021, có 461 DN thành lập mới và 199 đơn vị trực thuộc. UBND tỉnh đã xây dựng, ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng đối với các DN sau đăng ký thành lập; triển khai chương trình hỗ trợ DN nhỏ và vừa, trong đó chú trọng việc tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn về chuyển đổi số cho DN; ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật về hoạt động kinh doanh của DN; thành lập tổ công tác hỗ trợ DN thực hiện thủ tục hành chính; tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân, DN…

Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN, hàng năm, UBND tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại DN với sự tham gia của các DN, HTX, nhà đầu tư đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. 

Các cấp, ngành tăng cường hoạt động hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường cho DN; quảng bá, xúc tiến đầu tư, vận động đầu tư vào tỉnh theo cách chuyên nghiệp và hiệu quả hơn; tư vấn cho các tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh về thành lập DN, hỗ trợ và ưu đãi đầu tư, xây dựng chiến lược kinh doanh, sản phẩm, ứng dụng KHCN, áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quy định.

Là cơ quan đầu mối, Sở KH&ĐT thường xuyên trao đổi, cung cấp, công khai thông tin đăng ký DN và thông tin về tình trạng hoạt động của DN như đăng ký thành lập, thay đổi nội dung đăng ký DN và danh sách các DN giải thể, DN vi phạm, DN bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký DN đến các cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho các sở, ngành và các đơn vị có liên quan chủ động phối hợp trong công tác quản lý DN trên địa bàn tỉnh, đồng thời hướng dẫn DN hoạt động đúng quy định. 

Các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã chủ động xây dựng, thống kê dữ liệu về các DN do ngành quản lý. Trong năm 2021, ngành thuế đã cung cấp thông tin khoảng gần 800 DN bỏ địa chỉ kinh doanh, trốn thuế, các DN tạm ngừng hoạt động, đơn vị bị cưỡng chế về thuế cho Sở KH&ĐT để xử lý theo quy định của pháp luật; cơ quan công an thường xuyên phối hợp các sở, ngành, huyện, thành phố đấu tranh, phòng ngừa các loại tội phạm về kinh tế liên quan đến hoạt động của DN. Có 790 DN bị đề nghị thu hồi đăng ký DN; Sở KH&ĐT đã ra quyết định thu hồi 402 DN và cảnh báo vi phạm trên hệ thống đăng ký DN quốc gia 233 DN, thông báo xóa tên 155 DN giải thể do vi phạm.

Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra đối với DN được chú trọng. Năm 2021, các cơ quan chức năng đã phối hợp kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật về môi trường tại 3 DN tại huyện Kim Bôi, Lạc Thủy; kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với 21/51 DN có liên quan đến dịch vụ cầm đồ, hỗ trợ kinh doanh tài chính; qua kiểm tra phát hiện 4 đơn vị vi phạm, yêu cầu 6 đơn vị dừng hoạt động. 

Tuy nhiên, nguồn nhân lực cho công tác hậu kiểm DN sau đăng ký thành lập còn hạn chế, công tác hậu kiểm hàng năm chưa thực hiện được nhiều; sự phối hợp giữa cơ quan QLNN cấp tỉnh với cơ quan QLNN cấp huyện chưa đồng bộ, nhịp nhàng; việc xử lý các DN vi phạm đối với cơ quan cấp huyện trách nhiệm chưa cao; công tác QLNN đối với DN trong thời gian qua còn hạn chế; các DN khi thực hiện đăng ký thường đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, nhưng khi hoạt động chỉ một số ngành nghề gây khó khăn trong công tác quản lý về ngành nghề kinh doanh có điều kiện… 

 Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác QLNN đối với DN sau đăng ký thành lập, trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác phối hợp trong quản lý DN. Thường xuyên trao đổi, phối hợp cung cấp, công khai thông tin, tạo thuận lợi cho DN trong tiếp cận thông tin, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Ðồng thời, tăng cường đối thoại giữa các cơ quan QLNN với DN, hộ kinh doanh để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành quy định pháp luật trong hoạt động của DN. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra DN sau đăng ký kinh doanh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thông tin về đăng ký DN, tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng, trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác QLNN đối với DN.

 Đinh Thắng

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục