Lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn gia tăng từ đầu năm đến nay đẩy tiền lãi cho vay tại một số ngân hàng đi lên khiến doanh nghiệp lo lắng.


Lãi suất tiền gửi tăng, đầu ra cũng nhúc nhích

Lãi suất (LS) huy động tiết kiệm hiện nay của các ngân hàng (NH) đều đã tăng so với đầu năm nay từ 0,2 - 0,5 điểm %. Chẳng hạn, tại VPBank, LS kỳ hạn 6 tháng đã tăng thêm 0,5 điểm %, lên 6,1%/năm; đối với kỳ hạn dài 36 tháng thì tăng từ 6,1% lên 6,7%/năm. Tương tự, Ngân hàng Quân đội (MB) cũng đã tăng 0,2 điểm % LS tiền gửi tại kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng lên lần lượt 2,9% và 3%/năm kể từ đầu tháng 4; LS tại SCB gửi online kỳ hạn 9 tháng là 6,85% và lên đến 7,35%/năm cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên…


Lãi suất cho vay ở một số ngân hàng rục rịch tăng NGỌC THẮNG

Đầu vào tăng nên dù không thông báo rộng rãi lãi vay ở một số nhà băng cũng có dấu hiệu đi lên. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty vận tải Kim Phát, cho biết các hợp đồng vay của công ty hiện nay đều có LS trên 9%/năm, có hợp đồng đang gánh LS cao nhất là 9,7%/năm, trong khi trước đó chỉ xoay quanh mức 8%/năm. Thậm chí trước đại dịch Covid-19, công ty được vay có khi chỉ khoảng 7,5%/năm.

Hiện nay chưa đến kỳ điều chỉnh LS theo hợp đồng nhưng ông Thanh cũng lo ngại về dấu hiệu gia tăng LS đầu vào. Bởi thông thường, các nhà băng đều đưa ra quy định LS vay đối với công ty là được điều chỉnh theo công thức gồm LS tiền gửi kỳ hạn 12 tháng cộng thêm biên độ từ 3 - 3,5%. Như vậy nếu LS kỳ hạn 12 tháng của các nhà băng lên trên 7%/năm thì công ty sẽ phải trả lãi lên khoảng 10 - 10,5%/năm. "Hiện nay doanh nghiệp mới chỉ vừa phục hồi sau đại dịch và đối diện với nhiều khó khăn như chi phí xăng dầu, hàng hóa đều tăng cao. Tôi vẫn lo lắng vì thị trường vẫn còn nhiều ẩn số và biến động, chưa có nhiều dấu hiệu tăng trưởng trở lại như kỳ vọng. Nếu LS gia tăng thì chi phí hoạt động sẽ càng tăng cao nên công ty không dám nghĩ đến chuyện vay thêm để đầu tư, mở rộng sản xuất mà chỉ cố gắng duy trì hoạt động ở mức hiện tại”, ông Nguyễn Ngọc Thanh chia sẻ.

Ông Lê Việt, chủ một hộ kinh doanh tại Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết đầu tuần, nhân viên NH nơi ông đang vay tiền cũng "rỉ tai” rằng ông nên gia hạn hợp đồng sớm vào đầu tháng 5 thay vì đầu tháng 6 như quy định. Dù nhân viên NH không nói lý do nhưng ông đoán có thể sau đó NH này sẽ tăng LS. Hiện hợp đồng đang vay của hộ kinh doanh này có LS 8,4%/năm, cao hơn mức LS áp dụng trong 3 tháng đầu khi ký hợp đồng vay 7,9%/năm (hợp đồng vay được ký từ tháng 10.2021). Hiện ông đang tính toán để có thể giảm bớt số tiền vay trong kỳ đáo hạn tới để giảm chi phí trong điều kiện việc kinh doanh, bán buôn hàng may mặc vẫn chưa tăng lại như trước đại dịch Covid-19. Đó là chưa kể, tham khảo LS cho vay đối với các cá nhân tại một số NH ở TP.HCM trong đầu tháng 4 cũng vẫn đứng ở mức cao từ 12 - 15%/năm và nhân viên tín dụng một số nơi cũng cho hay đang có dấu hiệu nhích dần.

Lãi suất không thể tăng cao

Công bố từ NH Nhà nước cho thấy: LS tiền đồng bình quân liên NH trong tuần đầu tháng 4 (từ ngày 4 - 8.4) đã tăng nhẹ so với tuần liền kề trước đó. Chẳng hạn LS 1 tuần từ 2,14%/năm lên 2,3%/năm, kỳ hạn 1 tháng từ 2,51% lên 2,74%/năm. Còn báo cáo về thị trường trái phiếu tháng 3 của Hiệp hội Trái phiếu VN cũng cho thấy LS trúng thầu trung bình của kỳ hạn 10 năm tăng 6 điểm, kỳ hạn 15 năm tăng 5 điểm và kỳ hạn 30 năm tăng 1 điểm so với tháng 2. Song song đó là lợi suất trung bình trái phiếu chính phủ tăng từ 6,3 đến 70,5 điểm ở tất cả các kỳ hạn so với trung bình tháng 2…

Theo TS Lê Đạt Chí, Phó trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), LS trái phiếu chính phủ gia tăng sẽ ảnh hưởng kéo theo LS của hệ thống NH trên thị trường. Hay nói cách khác, có hiện tượng một số nhà băng đang bị thiếu thanh khoản nên phải tăng LS tiết kiệm để huy động tiền gửi, từ đó có ảnh hưởng dây chuyền để khả năng tăng LS cho vay. Hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang bị siết chặt, một số nhà băng đã đổ nhiều vốn đầu tư vào thị trường này sẽ phải chuẩn bị thanh khoản để phòng thủ cho những biến động và đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng tín dụng. TS Lê Đạt Chí nhấn mạnh: Việc tăng LS hiện nay chỉ là hiện tượng ngắn hạn và có thể từ một số nhà băng đã chạy đua tăng trưởng tín dụng trong năm vừa qua hoặc rót vốn nhiều vào trái phiếu doanh nghiệp. Còn nếu cho rằng tăng LS là do nguy cơ lạm phát cao thì tại VN là chưa có cơ sở. Phía NH Nhà nước cũng chưa có động thái nào can thiệp đến LS trên thị trường.

Chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực nhận định LS tiền gửi gia tăng một phần do yếu tố lạm phát có dấu hiệu nhích lên. Bên cạnh đó, có cả yếu tố thời vụ vì dịp đầu năm thường các nhà băng muốn hút tiền để đảm bảo đủ nguồn vốn cho hoạt động, trong khi lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống NH vẫn không tăng cao như các năm trước. Do đó buộc NH cũng phải tăng LS tiền gửi để thu hút dòng vốn. Điều này sẽ gây áp lực gia tăng LS cho vay. Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cho rằng LS cho vay vẫn sẽ duy trì ổn định trong cả năm nay vì Chính phủ và NH Nhà nước đã nhiều lần đưa ra thông điệp sẽ duy trì ổn định và thậm chí phấn đấu kéo giảm LS đi xuống để hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế của cả nước.

Theo Báo Thanh Niên

Các tin khác


Các nhà đầu tư Ấn Độ rất quan tâm và đặt nhiều kỳ vọng vào Việt Nam

Chiều 19/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla.

Ðể thị trường lao động phục hồi bền vững

Thêm một mảnh ghép nữa của bức tranh kinh tế-xã hội đang trở lại với gam màu sáng, đó là lĩnh vực lao động và việc làm. Số liệu của Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy thị trường lao động việc làm quý I/2022 đang dần phục hồi trở lại cùng với đà phục hồi của nền kinh tế.

Quý I, gần 11 nghìn hộ dân được vay vốn tín dụng chính sách

(HBĐT) - Sáng 19/4, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) tỉnh đã tổ chức phiên họp lần thứ II năm 2022. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ TT UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH chủ trì phiên họp.

Tăng cường quản lý đất đai, giải phóng mặt bằng tại các khu công nghiệp

(HBĐT) - Tỉnh Hòa Bình có 8 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam. 

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,95% so với cùng kỳ năm trước

(HBĐT) - Trong quý I/2022, ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh cơ bản sản xuất ổn định. Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước, nhất là sản phẩm điện tử tăng khoảng 7,63%... Tuy nhiên, sản lượng điện sản xuất và các ngành khai thác khoáng sản lại giảm so với cùng kỳ. Qua đó, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh ước đạt gần 10.380 tỷ đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 3,95% so với cùng kỳ năm trước.

Kiểm soát chặt tín dụng bất động sản nhằm hạn chế rủi ro

Theo các chuyên gia kinh tế, việc Ngân hàng Nhà nước kiểm soát chặt tín dụng bất động sản là giải pháp nhằm hạn chế các hoạt động đầu cơ, giúp thị trường trở nên minh bạch, tránh xảy ra bong bóng bất động sản.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục