(HBĐT) - Hiện nay, nhiều sản phẩm nông nghiệp như chuối, chè, măng, mía... không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn vươn xa ra các tỉnh, thành phố và thị trường thế giới. Đó là kết quả của việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp theo quy trình VietGAP, hữu cơ.
Sản phẩm chuối đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao của HTX sản xuất, chế biến nông sản Phú Cường - Sông Đà (TP Hòa Bình) chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao, vừa góp phần bảo vệ môi trường sống. Toàn tỉnh đã chứng nhận khoảng 4.086 ha cây trồng đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Trong đó, cây ăn quả có múi 3.373 ha, rau an toàn các loại 561 ha và 152 ha cây trồng khác. Một số mô hình tiêu biểu như: Công ty TNHH Skyfarm chuyên sản xuất cà chua tại huyện Lương Sơn; Công ty CP đầu tư nông nghiệp công nghệ cao Trường Thịnh trồng dưa lưới quy mô 1,1 ha, Công ty CP nông trại hữu cơ Việt Nam quy mô 1 ha, thu nhập trên 500 triệu đồng/ha/vụ tại huyện Lạc Thủy; mô hình liên kết sản xuất rau an toàn của HTX dịch vụ nông nghiệp Hiếu Thịnh (Lạc Sơn), quy mô 8 ha, giá trị thu nhập trên 200 triệu đồng/ ha/vụ…
Năm 2021, dịch Covid-19 ảnh hưởng tới mọi mặt của đời sống, song các thành viên của HTX sản xuất, chế biến nông sản Phú Cường - Sông Đà (TP Hòa Bình) phấn khởi vì sản phẩm chuối Phú Cường Sông Đà được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và được UBND tỉnh công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Anh Trần Văn Tú, Phó Giám đốc HTX chia sẻ: Để sản phẩm chuối đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc là cả hành trình vượt khó của các thành viên. HTX lựa chọn nông nghiệp sạch, hướng tới bảo vệ sức khỏe của người trực tiếp sản xuất, người tiêu dùng và môi trường sinh thái. Toàn bộ 25 ha chuối của HTX được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, trung bình sản lượng đạt khoảng 900 tấn quả.
Rau hữu cơ là thương hiệu nổi tiếng của tỉnh, là niềm tự hào của huyện Lương Sơn. Nhờ trồng rau hữu cơ mà đời sống của nông dân không ngừng cải thiện. Đồng chí Nguyễn Thị Minh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lương Sơn cho biết: Tổng diện tích trồng rau hữu cơ của huyện là 22,3 ha, trong đó 12,323 ha rau được cấp chứng nhận hữu cơ với sản lượng đạt khoảng 80 - 100 tấn/năm; giá bán theo hợp đồng ký kết với các đơn vị tiêu thụ khoảng 20.000 đồng/kg. Ngoài ra, toàn huyện có 119,4 ha cây ăn quả có múi, chuối, nhãn, ổi được chứng nhận VietGAP và một số sản phẩm chăn nuôi như thịt gà, ong mật, dê. Các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, VietGAP của huyện chủ yếu tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị tại TP Hà Nội. Từ năm 2022 - 2023, huyện dự kiến sản xuất nông nghiệp hữu cơ với quy mô 22 ha tại các xã: Cao Sơn (8 ha), Nhuận Trạch (3 ha), Cư Yên (4,5 ha), Liên Sơn (6,5 ha); sản xuất rau an toàn, VietGAP quy mô 15,5 ha tại các xã: Cư Yên (3 ha), Tân Vinh (4,5 ha), Liên Sơn (6 ha) và Thanh Sơn (2 ha).
Cùng với trồng trọt, số lượng các trang trại, HTX, cơ sở chăn nuôi, thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, ATTP ngày càng tăng. Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, toàn tỉnh đã chứng nhận ATTP, VietGAP cho trên 1.940 lồng cá, 22 cơ sở chăn nuôi. Có 3 cơ sở chăn nuôi liên kết với các hộ để chăn nuôi lợn khép kín và cung cấp cho thị trường, sản lượng khoảng 19.500 tấn thịt/năm.
Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh, ngành nông nghiệp của tỉnh đang tập trung xây dựng vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao để phục vụ xuất khẩu. Hết năm 2021, tỉnh đã cấp được 14 mã số vùng trồng cho trên 200 ha chuối, thanh long, nhãn, bưởi Diễn và 7 mã số cơ sở đóng gói. Mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói giúp chứng minh cho sự quản lý chặt chẽ từ tổ chức sản xuất, chứng nhận ATTP đến khâu thu hoạch, sơ chế và đóng gói sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Năm 2021, toàn tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch 1.326 tấn sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu (Hà Lan, Séc, Đức...). Một số đơn vị tiêu biểu trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản như: Công ty TNHH Pacific xuất khẩu sản phẩm gừng, ớt, rau, củ, quả muối sang thị trường Nhật, HTX sản xuất, chế biến nông sản Phú Cường - Sông Đà, Công ty TNHH MTV Cao Phong xuất khẩu chuối sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc; Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi - Thăng Long, Công ty TNHH 2/9, Công ty TNHH giống cây trồng Phương Huyền xuất khẩu chè sang Trung Quốc, Công ty CP Kim Bôi xuất khẩu măng, miến, phở khô sang 6 thị trường, gồm: Anh, Pháp, Hà Lan, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, ứng dụng công nghệ cao không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản của tỉnh mà còn bảo vệ môi trường sống. Qua đó, thu hút được nhiều nhà đầu tư đến với Hòa Bình, mở rộng cơ hội phát triển cho tỉnh. Ngành nông nghiệp tỉnh đang huy động mọi nguồn lực nỗ lực thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là phát triển nông nghiệp là nền tảng theo hướng an toàn, hiệu quả, sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ, gắn kết chặt chẽ với công nghiệp chế biến, du lịch, bảo vệ môi trường, sinh thái, thích ứng biến đổi khí hậu.
Thu Thủy
Theo đánh giá của các chuyên gia, nền kinh tế đang dần trở lại quỹ đạo tăng trưởng, cộng đồng doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Cùng với chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ và các bộ, ngành, chức năng, điều doanh nghiệp mong mỏi lúc này là hệ thống tổ chức tín dụng xem xét, tiếp tục giảm lãi suất cho vay 2-3%/năm đối với tất cả các khoản đang phát sinh và các khoản vay mới.
(HBĐT) - Chiều 28/4, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Cao Phong tổ chức phiên giao dịch tại UBND xã Bắc Phong, bắt đầu giải ngân những khoản vay đầu tiên nguồn vốn vay phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.
(HBĐT) - Trong thời gian qua, công tác quản lý về hóa đơn có rất nhiều vụ việc gian lận thuế đã được ngành Thuế phát hiện. Luật Quản lý thuế đưa ra các quy định về hóa đơn điện tử (HĐĐT) là bước chuyển quan trọng trong công tác quản lý thuế và tăng trách nhiệm của cơ quan thuế trong việc quản lý, sử dụng dữ liệu HĐĐT.
(HBĐT) - Năm 2022, dự toán thu ngân sách Nhà nước của TP Hòa Bình được giao 855,169 tỷ đồng, bằng 85,51% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra đến năm 2025 đạt 1.000 tỷ đồng. Để đạt được mục tiêu, ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác thu từ việc giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất, thu phí, lệ phí, thuế nhà đất, đảm bảo hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất.
(HBĐT) - Sáng 28/4, Hợp phần Quản lý rừng bền vững thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do USAID tài trợ phối hợp với đơn vị thực hiện dự án (DAI) tổ chức hội thảo khởi động về phát triển chuỗi giá trị tre, luồng tại tỉnh Hòa Bình. Dự hội thảo có đại diện Ban quản lý Dự án VFBC Trung ương; các sở, ngành, địa phương cùng một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh.
(HBĐT) - Đã gần trưa, vợ chồng ông Xa Văn Cải ở xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng (Đà Bắc) vẫn còn ngoài vườn nhổ cỏ cho vườn dưa chuột. Ông Cải cho biết: Vụ năm nay, gia đình tôi trồng hơn 400 m2 dưa. Với diện tích này dự kiến thu hoạch được khoảng 3 tấn thương phẩm. Nhiều năm nay, gia đình tôi trồng dưa chuột với phương pháp canh tác không dùng thuốc diệt cỏ. Để làm ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, gia đình tôi vẫn sử dụng phương pháp làm cỏ bằng hình thức truyền thống, khi cỏ tốt dùng cuốc rẫy, gần gốc cây dưa thì nhổ. Phân bón cho dưa chủ yếu là phân chuồng ủ hoai mục.