Những sáng kiến của các anh Nguyễn Long và Nguyễn Đình Quang, Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam giúp sản phẩm của công ty ngày một chất lượng, tiết kiệm hàng tỷ đồng mỗi năm và giảm thiểu tác động môi trường.
Một trong những sáng kiến điển hình tại chương trình "75.000 sáng kiến vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động đầu năm nay của 1 công nhân lao động tại khu công nghiệp (KCN) bờ trái sông Đà (TP Hoà Bình) - anh Nguyễn Đình Quang, Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam với sáng kiến "Cải tiến ống dẫn làm mát cho máy rửa thấu kính”, được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng khen.
Sáng kiến cải tiến của anh Quang gồm 2 phần: thay thế hệ thống ống dẫn nước làm mát + thay đổi phương pháp đấu nối từ đấu nối nối tiếp sang đấu nối song song và bổ sung van điện điều tiết nước làm mát thông qua kiểm soát nhiệt độ máy làm mát. Với sáng kiến trên không làm thay đổi các điều kiện thiết định tại các thùng rửa, nhưng thành công trong việc nâng cao hiệu quả vận hành máy làm mát.
Số lượng tiền tiết kiệm được từ sáng kiến cải tiến của anh Quang tuy không lớn, nhưng giá trị cải tiến được thể hiện ở khía cạnh môi trường, khi trong 1 giờ có thể tiết kiệm được lượng nước lên đến 2,1 m3. Ngoài ra, khi nhiệt độ làm mát ổn định, lượng tiêu hao nguyên phụ liệu chắc chắn sẽ giảm do hóa chất tẩy rửa được sử dụng là IPA và Methanol đều rất dễ bay hơi dưới nhiệt độ cao. Tính ra, mỗi năm sáng kiến của anh Quang làm lợi cho công ty hàng trăm triệu đồng tiền sử dụng nước. Quan trọng hơn giúp quá trình sản xuất, gia công các sản phẩm thấu kính của công ty giảm thiểu tác động đến môi trường trong quá trình sản xuất.
Không chỉ có sáng kiến của anh Quang, tại Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam còn có sáng kiến "Cải tiến hệ thống cung cấp dung dịch đánh bóng cho máy gia công thấu kính” của anh Nguyễn Long, Quản đốc Công ty. Sáng kiến với nội dung thay thế hệ thống dẫn dung dịch đánh bóng từ đường ống nhựa cứng cố định sang dạng dây hơi kết hợp giắc cắm nhanh, bổ sung hệ thống sục khí kết hợp vào đường ống dẫn nhằm giảm tình trạng tích tụ bột đánh bóng gây tắc đường ống dẫn. Với sáng kiến này giúp giảm thời gian dọn vệ sinh từ 40 phút còn 25 phút, giảm lượng bột đánh bóng không đọng lại trong hệ thống đường ống và giảm tỷ lệ sản phẩm bị lỗi, bị hỏng. Thống kê trong 2 năm qua, sáng kiến của anh Nguyễn Long tiết kiệm cho công ty trên 1,5 tỷ đồng. Nhờ đó chất lượng sản phẩm được nâng cao hơn, đáp ứng yêu cầu ngày một khắt khe của đối tác nước ngoài cũng như đòi hỏi ngày càng cao của người dùng máy ảnh, điện thoại... trên thế giới. Anh Nguyễn Long đã được UBND tỉnh bặng bằng khen, sáng kiến được lựa chọn gửi về công ty mẹ tại Nhật Bản để tiến hành xem xét cải tiến máy gia công hiện có.
Thực tế, tại nhiều doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh hàng năm có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật của lực lượng lao động người Việt trong quá trình sản xuất, giúp các nhà đầu tư nước ngoài tin tưởng hơn vào lực lượng lao động của tỉnh.
Theo Ban Quản lý các KCN tỉnh, trong năm qua, những đóng góp cải tiến kỹ thuật của công nhân lao động trong các công ty trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp FDI trong các KCN giúp cho doanh nghiệp ngày một nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Nhóm doanh nghiệp tiêu biểu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, có mức tăng trưởng tốt, giữ vững truyền thống thi đua trong nhiều năm qua như: Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, Công ty TNHH Sankoh Việt Nam. Đây đều là các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Hòa Bình. Mặc dù do ảnh hưởng dịch Covid-19 nhưng các công ty vẫn duy trì việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động. Năm 2021, Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam là đơn vị dẫn đầu trong khối thi đua các doanh nghiệp FDI.
Ngoài ra còn có các doanh nghiệp như: Công ty COASIA CM VINA thuộc lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử luôn áp dụng cải tiến kỹ thuật, công nghệ tiên tiến tăng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, cho doanh thu năm sau cao hơn năm trước. Năm 2021, doanh thu và xuất khẩu của công ty đạt 270 triệu USD; Công ty THHH DoosungTech Việt Nam doanh thu đạt khoảng 130 triệu USD; Công ty TNHH sản xuất hàng may mặc Esquel Việt Nam Hòa Bình với doanh thu và xuất khẩu đạt 60 triệu USD…
Theo bà Dương Thị Chính, Phó Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam, trong thời gian qua, đại dịch Covid-19 kéo dài, diễn biến phức tạp đã tác động tới mọi mặt đời sống, KT-XH, cộng đồng doanh nghiệp bị ảnh hưởng lớn, trong đó có cả những doanh nghiệp FĐI trên địa bàn. Tuy vậy, những kết quả đạt được nhờ một phần từ những nỗ lực của lao động người Việt Nam, các doanh nghiệp FDI trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo trong công nhân lao động, tăng cường cải tiến kỹ thuật, đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ để tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu, đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.