Hiện nay, huyện Đà Bắc cho cắm hàng loạt biển cảnh báo tại các khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Ảnh chụp tại xã Nánh Nghê (Đà Bắc).
Nhiều năm, huyện thường xuyên chịu ảnh hưởng lớn do thiên tai gây ra. Điển hình như trận mưa kéo dài từ ngày 9 - 11/10/2017 khiến nước dâng cao ở các ngầm, tỉnh lộ 433 sạt lở ở nhiều nơi, 14 xã vùng cao của huyện bị chia cắt, cô lập. Gần đây, vào sáng 17/10/2021, tại địa bàn xóm Tát, xã Tân Minh xảy ra sạt lở đất, vùi lấp, làm sập hoàn toàn 1 ngôi nhà khiến 1 người chết, 3 người bị thương.
Theo thống kê của Phòng NN& PTNT huyện, trong 2 năm 2018 - 2019, có 18 tuyến giao thông xã, xóm bị ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ với tổng mức thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng. Năm 2021, ảnh hưởng cơn bão số 7, 8, các tuyến đường huyện, xã, trục thôn xóm, đường khu sản xuất bị ảnh hưởng như: Sạt lở taluy âm, dương; phá hủy ngầm, cống… Huyện đã nỗ lực sửa chữa, khắc phục các tuyến giao thông thiệt hại do thiên tai, tuy nhiên, với nguồn ngân sách eo hẹp, đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để.
Hiện nay, huyện có trên 1.300 km đường bộ, trong đó có 10 tuyến đường huyện, 32 tuyến đường trục xã, tỷ lệ cứng hóa đạt 83%. Toàn huyện có 24 cầu, 32 ngầm. Cùng cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện trong 1 chuyến khảo sát, chúng tôi thấy rõ những nguy hiểm tiềm ẩn trên các tuyến giao thông.
Đồng chí Đoàn Tiến Quyết, Trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Do địa hình phức tạp nên các trục đường ngang như các dải xương sườn đều bắt vào tuyến đường tỉnh 433. Hệ thống giao thông địa phương quanh co, đèo dốc, tỷ lệ cứng hoá mặt đường còn thấp, nhiều cống, ngầm và các công trình thoát nước, kè chống sụt lở, khi mưa lũ rất hay bị phá huỷ do địa hình đồi núi, địa chất không ổn định. Do đó, khi xảy ra sạt lở tại tuyến đường chính, nhiều xã vùng cao có nguy cơ bị cô lập hoàn toàn, việc giao lưu, đi lại của nhân dân trong huyện rất khó khăn, hạn chế.
Nhằm chủ động ứng phó, trước khi bước vào mùa mưa bão năm 2022, UBND huyện đã phê duyệt phương án phòng, chống thiên tai đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn huyện. Đồng thời, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo của T.Ư, của tỉnh, chỉ đạo các ngành liên quan và địa phương trong huyện thực hiện công tác phòng chống, khắc phục hậu quả bão, lũ trên các tuyến đường giao thông, nhất là tại các vị trí cầu, ngầm xung yếu. Huyện cũng yêu cầu các địa phương chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai, lấy phòng ngừa là chính. Khi mưa bão xảy ra, các địa phương phải kịp thời nắm bắt tình hình và số liệu thiệt hại, báo cáo về cơ quan thường trực của huyện để có phương án xử lý...
Đồng chí Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết thêm: Hiện nay, huyện tiếp tục tăng cường kiểm tra và có biện pháp sửa chữa, gia cố những vị trí xung yếu như những đoạn đường nền yếu, taluy dễ sạt lở; gia cố lòng cầu, cống, mặt - sân ngầm tràn; chuẩn bị vật liệu dự phòng như đá hộc, rọ thép, dầm I, ván mặt cầu... tập kết tại các vị trí trung tâm dễ lấy, dễ vận chuyển. Đồng thời, chuẩn bị nhân lực và thiết bị máy móc thường trực ở những vị trí xung yếu, khi cần thiết có thể ứng cứu được ngay. Tại các vị trí sạt lở, UBND huyện cùng các đơn vị liên quan tiếp tục huy động lực lượng tổ chức trực 24/24h. Tại khu vực cầu tràn, ngập sâu, có biện pháp rào chắn, cảnh báo không cho người, phương tiện lưu thông qua lại cho đến khi đảm bảo an toàn...
Minh Vũ