Người dân thôn Tân Lâm, xã Phú Thành (Lạc Thuỷ) thu hoạch chè.
Hộ chị Lê Thị Hằng, thôn Tân Phú, xã Phú Thành thuộc đội sản xuất 6 của Công ty TNHH hai thành viên Sông Bôi Thăng Long nhận khoán trồng chè với diện tích 4.200 m2 từ năm 2004. Chị Hằng cho biết: Một năm cây chè cho thu ổn định 9 - 10 tháng, sản lượng 10 tấn chè búp tươi, nộp khoán cho công ty 4 tấn chè búp tươi. 1 tấn chè búp tươi cho 1,6 tạ chè khô, thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Nhận thức của các hộ thành viên trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm ngày càng được nâng lên, từ đó chấp hành nghiêm quy định về sản xuất an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng, củng cố chỗ đứng vững chắc cho sản phẩm trên thị trường. Nhờ vậy, giá bán đã cao hơn trước, đầu ra và thu nhập ổn định hơn.
Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, một trong những nhiệm vụ ưu tiên của huyện Lạc Thủy là phát triển vùng nguyên liệu chè. Từ chủ trương của Huyện ủy, hiện tại, huyện đang khôi phục lại vùng chè, nâng cao chất lượng cây chè với mong muốn đây là sản phẩm chủ lực của huyện. Toàn huyện hiện có trên 226,5 ha chè, sản lượng trên 22 tấn/ha/năm, với khoảng 500 hộ tham gia trồng chè, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Chè được trồng tập trung ở các xã: Phú Thành, Phú Nghĩa, Đồng Tâm... Phương thức canh tác nhiều năm trở lại đây có bước chuyển biến đáng kể. Người dân chú trọng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, đầu tư thâm canh, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng tăng. Sản phẩm chè của huyện được đánh giá có chất lượng tốt, được người tiêu dùng ưa chuộng và đảm bảo an toàn thực phẩm do áp dụng khá tốt nguyên tắc "4 đúng" trong sử dụng thuốc BVTV (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ và liều lượng, đúng cách).
Mặc dù đã có những đánh giá tốt về chất lượng cho cây chè của huyện, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế như: Sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng chưa tương xứng với tiềm năng của giống, sản phẩm chưa có đầu ra bền vững dẫn đến thu nhập của người sản xuất chưa cao. Mặt khác, chè Lạc Thuỷ chưa tạo lập, xây dựng được nhãn hiệu chứng nhận nên giá trị sản xuất thấp, khó khăn trong việc quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước cũng như ngoài nước thấp hơn so với sản phẩm cùng loại. Để nâng cao giá trị sản phẩm, phát triển thương hiệu, mở rộng diện tích trồng chè góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân, huyện tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận "Chè Sông Bôi”. Theo đó, huyện xây dựng hệ thống văn bản quản lý, quy định sử dụng và kiểm soát chất lượng sản phẩm chè mang nhãn hiệu "Chè Sông Bôi” từ khâu trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản sản phẩm…
Đồng chí Hoàng Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Việc xây dựng thành công nhãn hiệu chứng nhận đối với các sản phẩm nông nghiệp là tiền đề nâng cao uy tín của sản phẩm trên thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông, lâm nghiệp; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của huyện cũng như của tỉnh. Tính đến nay, huyện có 5 sản phẩm nông nghiệp được cấp nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận là cam, gà, dê, na, chè. Để bảo vệ và phát huy giá trị của thương hiệu "Chè Sông Bôi", trong thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo việc chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đồng thời tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá sản phẩm để khẳng định được vị thế của sản phẩm "Chè Sông Bôi" đối với người tiêu dùng trong nước và quốc tế.
Đinh Thắng