Thanh niên Lò Văn Hiền, chi đoàn xóm Nhuối, xã Tòng Đậu (Mai Châu) xây dựng mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại thu nhập ổn định.
Đoàn xã có gần 380 ĐV-TN, trong đó có gần 150 đoàn viên, sinh hoạt ở 9 chi đoàn trực thuộc; có 30 đoàn viên là đảng viên. Để đẩy mạnh hoạt động phong trào, Đoàn xã hướng tới đoàn viên ở các chi đoàn khu dân cư. Hiện nay, thanh niên trên địa bàn chủ yếu phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi gia súc, gia cầm, dịch vụ cơ khí, sửa chữa ô tô và trồng rau sạch. Từ nhiều năm trở lại đây, có khoảng 30 thanh niên xây dựng các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả nhất định.
Đoàn xã cũng thực hiện hỗ trợ thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi giải quyết việc làm, dành cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn. Điều này giúp thanh niên có điều kiện thuận lợi để thực hiện ý tưởng khởi nghiệp. Tính đến nay, tổng dư nợ hơn 4,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Vì Văn Tiến, chi đoàn xóm Cha Long và Lò Văn Hiền, chi đoàn xóm Nhuối với mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm; Hà Văn Sơn, chi đoàn Đậu 1 với mô hình dịch vụ cơ khí. Bên cạnh việc tạo điều kiện cho thanh niên vay vốn, Đoàn xã chủ động trong việc quản lý sử dụng nguồn vốn hiệu quả. Hiện, Đoàn xã quản lý 3 tổ vay vốn, hàng năm xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất và kiểm tra sau vay.
Bên cạnh đó, phong trào gây quỹ cũng bắt đầu đem lại hiệu quả. Điển hình như ở chi đoàn xóm Nhuối, với hình thức gây quỹ bằng trồng ngô, lạc, năm 2021, chi đoàn giúp được 2 thanh niên vay 30 triệu đồng để phát triển kinh tế. Hàng năm, Đoàn xã tổ chức cho thanh niên địa phương đi thăm quan, học hỏi mô hình kinh tế hiệu quả ở các địa bàn lân cận, qua đó, trao đổi, nắm bắt cách thức thực hiện mô hình để áp dụng tại địa bàn sinh sống.
Chia sẻ về những khó khăn của thanh niên địa phương trong phát triển kinh tế, đồng chí Ngần Văn Chiến, Bí thư Đoàn xã cho biết: "Nguồn vốn vay cho ĐV-TN còn nhỏ giọt, trong khi nhiều ĐV-TN có nhu cầu vay vốn. Chính sách ưu đãi hạn chế, thủ tục cho vay vốn phức tạp. Đa số thanh niên sống phụ thuộc, chưa có tài sản thế chấp, diện tích đất sản xuất để thực hiện mô hình kinh tế ít do địa hình phức tạp. Quá trình thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, mở rộng và phát triển sản xuất còn lúng túng. Thanh niên thiếu kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và kiến thức về thị trường. Do đó, các mô hình kinh tế của thanh niên chủ yếu manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát triển quy mô rộng”.
Cùng với những khó khăn, đồng chí Bí thư Đoàn xã đưa ra những giải phải Ban Chấp hành Đoàn xã đề ra như tiếp tục tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện tốt nhất về nguồn vốn, quỹ đất, kỹ thuật để thanh niên có cơ hội khởi nghiệp. Bên cạnh đó, chọn sản phẩm thế mạnh của vùng để khuyến khích thanh niên nhân rộng. Tiến hành xúc tiến, quảng bá rộng rãi hơn và tìm đầu ra cho các sản phẩm có sự ổn định về thị trường, giá cả. Đề xuất tăng cường phối hợp các ngành, đoàn thể xã, huyện tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, kết hợp thăm quan những mô hình hay, hiệu quả kinh tế cao cho ĐV-TN tham khảo, học tập.
Thanh Sơn