(HBĐT) - Sáu tháng đầu năm 2022, dịch Covid-19 dần được khống chế, mọi hoạt động của người dân trở lại bình thường, giao thông được thông thương, hoạt động sản xuất tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, tình trạng nhiên liệu xăng, dầu, vật tư đầu vào tăng cao khiến không ít doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Theo Cục Thống kê tỉnh, trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh có 255 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 7.350 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng doanh nghiệp cấp mới tăng 1,2%, số vốn đăng ký tăng 0,48%; 120 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh; 25 doanh nghiệp giải thể tự nguyện; 80 doanh nghiệp quay trở lại thị trường.
Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước 6 tháng đầu năm tăng 5,13%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,63%, đóng góp 0,68 điểm phần trăm; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,17%, đóng góp 2,77 điểm phần trăm; khu vực dịch vụ tăng 7,32%, đóng góp 2,27 điểm phần trăm; khu vực thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm giảm 11,45%, làm giảm 0,6 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của tỉnh.
Thống kê cũng cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2022 tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, tăng 2,32% so với tháng 12/2021, tăng 0,55% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có 10 nhóm hàng có chỉ số tăng cao là giao thông tăng 21,34%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 2,76%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,55%; đồ uống và thuốc lá tăng 2,15%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 1,91%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,51%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,25%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 1,16%; giáo dục tăng 0,35%; bưu chính viễn thông tăng 0,02%. Có 1 nhóm hàng giữ nguyên là thuốc và dịch vụ y tế.
Theo đồng chí Trần Văn Thạch, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh, nguyên nhân chủ yếu chỉ số CPI tăng cao trong 6 tháng đầu năm nay là do giá xăng dầu trong nước tăng 51,83% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung cả nước tăng 1,87 điểm phần trăm; giá gas tăng 25,92%, làm CPI chung tăng 0,38 điểm phần trăm. Ngoài ra, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giá xi măng, sắt, thép, cát tăng cũng góp phần làm CPI chung tăng cao trên phạm vi cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh.
Còn theo nhiều doanh nghiệp trên địa bàn, chi phí đầu vào tăng chóng mặt khiến giá hàng hóa tiêu dùng thiết yếu tăng nhanh, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và bào mòn thu nhập người dân. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng gây áp lực tăng lên giá hàng hóa, chỉ số CPI tăng theo tạo áp lực lên lạm phát, tác động xấu tới nền kinh tế.
Cụ thể, tác động của việc nhiên liệu tăng cao ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động lĩnh vực khai khoáng trên địa bàn. Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm tăng 11,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp khai khoáng giảm 18,39% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân giảm do hoạt động khai thác đá từ đầu năm đến nay luôn gặp khó khăn, các chi phí nguyên, nhiên vật liệu thiết yếu xăng, dầu, vật liệu nổ… liên quan đến khai thác đá tăng cao, làm tăng giá thành khai thác, hoạt động không hiệu quả.
Cũng theo Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Trần Văn Thạch, trong những tháng cuối năm, dự báo tình hình thế giới còn khá phức tạp, giá xăng dầu thế giới diễn biến khó lường. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cần có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình chung của biến động xăng, dầu và vật tư đầu vào thời gian tới.
Hồng Trung