Lực lượng chức năng tuyên truyền, tư vấn pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho hộ kinh doanh tại chợ Quán Trắng, xã Liên Sơn (Lương Sơn).
Đầu tháng 7/2022, chị H. P. A. trú tại phường Quỳnh Lâm (TP Hòa Bình) nhận được 1 cuộc gọi từ số điện thoại tự xưng là nhân viên của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank). Người này gọi tới để hỗ trợ đăng ký dịch vụ chuyển khoản được chiết khấu tiền, đề nghị chị A. giữ máy và thao tác trên ứng dụng điện thoại. Vì nghi ngờ nên chị A. không làm theo hướng dẫn và hỏi có thể gửi hướng dẫn qua zalo hay không?! Nhưng chị được giải thích rằng, đây là ứng dụng mới chưa có văn bản nào của ngân hàng hướng dẫn. Sau khi chị từ chối làm dịch vụ, liên tiếp có các số điện thoại lạ khác gọi tới. Một lúc sau, tin nhắn từ phía ngân hàng báo tài khoản Smart Banking của chị vừa đăng nhập không thành công. Biết mình vừa thoát khỏi 1 kiểu lừa đảo, chị nhanh chóng gọi đến tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD 1800.6838 để tố giác và phản ánh tới lực lượng chức năng.
Ý thức, nhận thức của NTD về quyền và lợi ích của mình cũng như sự cảnh giác trước các loại hình lừa đảo trong các giao dịch, mua bán ngày càng được nâng cao. Đó là nhờ các cấp, ngành thường xuyên phối hợp tuyên truyền, thông tin cho NTD cách nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng; tăng cường giám sát các cơ sở SX-KD, khuyến khích lên án, tẩy chay hàng hóa của doanh nghiệp vi phạm quyền lợi NTD. Công tác tuyên truyền thực hiện Luật Bảo vệ NTD cũng được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm, các sở, ngành đã tổ chức và phối hợp tổ chức 2 hội nghị tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi NTD cho 65 NTD; phát hành 7.100 tờ rơi tại các chợ vùng cao, vùng sâu, xa. Phối hợp với Cục QLTT tỉnh, các huyện tổ chức tư vấn, tuyên truyền pháp luật trực tiếp cho NTD tại 9 phiên chợ.
Mặt khác, UBND tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD; tiếp nhận tố cáo của NTD và giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan QLNN có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Có giải pháp hiệu quả phát hiện, ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi, sức khỏe, gây thiệt hại hoặc đe dọa đến tính mạng, an toàn của NTD.
Đặc biệt, công tác kiểm tra, kiểm soát vệ sinh ATTP, ngăn chặn các hành vi lợi dụng chính sách kích cầu, khuyến khích tiêu dùng hàng Việt để tiêu thụ hàng lậu, hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng được triển khai thực hiện thường xuyên. Các đơn vị liên quan chú trọng giám sát việc đăng ký, kê khai, niêm yết giá, bán hàng theo giá đăng ký, bảo đảm hàng có nguồn gốc, xuất xứ, tiêu chuẩn chất lượng; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các nhà hàng, khách sạn, hộ kinh doanh ăn uống, cơ sở SX-KD thực phẩm...
Ông Phạm Hữu Chiến, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh cho biết: Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng công tác bảo vệ quyền lợi NTD vẫn còn nhiều hạn chế. Một bộ phận NTD chưa quan tâm lấy hóa đơn, chứng từ, kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng. Bởi vậy, khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết, nhiều NTD bị xâm phạm quyền lợi nhưng chưa được hỗ trợ, xử lý...
Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của NTD. Đa dạng hóa phương thức truyền thông, đổi mới nội dung tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng tiêu dùng cho toàn xã hội. Công khai, minh bạch và thông tin rộng rãi, đầy đủ bằng nhiều hình thức phù hợp đến NTD về chất lượng hàng hóa, dịch vụ, cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn cho NTD. Duy trì trực tổng đài tư vấn, hỗ trợ NTD 1800.6838 tại trụ sở hội... Đưa công tác bảo vệ quyền lợi NTD trên địa bàn tỉnh trở thành hoạt động phổ biến nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất, liên tục, lâu dài từ cấp tỉnh đến cấp xã trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các nhà sản xuất có uy tín, tạo lập môi trường tiêu dùng an toàn cho người dân.
Thu Hằng