Theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), bảo vệ sức khỏe cây trồng có thể giúp xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế. Vì mục tiêu phát triển bền vững, ngành nông nghiệp nước ta phấn đấu đến năm 2030, sẽ có hơn 70% diện tích cây trồng được áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp.
Cây nhãn ở huyện Sông Mã, Sơn La (Ảnh minh họa: Quốc Tuấn).
Lạm dụng thâm canh, độc canh, sử dụng hóa chất quá mức, ô nhiễm đất, nước và biến đổi khí hậu, dịch hại thực vật đang là những rào cản tác động tới mục tiêu sản xuất và tiếp cận thị trường bền vững của ngành nông nghiệp.
Đứng trước thực tế này, ngành nông nghiệp cần một giải pháp tổng thể, mang tính toàn diện. Sức khỏe cây trồng được đánh giá là cách tiếp cận mới, phù hợp tình trạng biến đổi khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và được xem là một trong những trụ cột để tiếp cận chương trình Một sức khỏe (One Health-OH) mà FAO đề ra. Giải quyết được vấn đề sức khỏe cây trồng, ngành nông nghiệp sẽ quản lý được toàn diện các vấn đề từ dịch hại, an toàn thực phẩm đến chất lượng hệ sinh thái.
Nền tảng của quản lý sức khỏe cây trồng chính là quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Điểm khác biệt giữa hai chương trình chủ yếu nằm ở cách tiếp cận. IPM muốn kiểm soát dịch hại, lấy đó làm cơ sở để bảo vệ cây trồng. Trên cơ sở những gì IPM đã làm, ngành nông nghiệp sẽ lồng ghép thêm sức khỏe con người, những tác động lên hệ sinh thái, sức khỏe đất và nhiều yếu tố khác.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã nỗ lực phát triển chương trình liên quan sức khỏe cây trồng. Phó Cục trưởng Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, từ năm 1992, chương trình IPM được đưa vào Việt Nam và được ứng dụng rộng rãi trên cây lúa. Chương trình IPM đã góp phần to lớn cho công tác bảo vệ thực vật, quản lý sinh vật gây hại trên cây trồng, đặc biệt làm giảm đáng kể lượng thuốc bảo vệ thực vật hóa học sử dụng trên đồng ruộng, bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, việc áp dụng IPM vào sản xuất nhiều thời điểm bị chững lại. Trước những yêu cầu khắt khe của thị trường, thời gian qua, chương trình IPM đã được khởi động lại mạnh mẽ. Từ năm 2015-2020, cả nước đã tổ chức được 1.568 lớp huấn luyện nông dân về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM-FFS) tại 25 tỉnh, thành phố, thu hút hơn 54 nghìn lượt nông dân tham gia, diện tích áp dụng hơn 360 nghìn héc-ta. Năm 2015, cả nước chỉ tổ chức thực hiện được 35 mô hình với hơn 2.000 lượt nông dân tham gia thì đến nay đã có khoảng 900 mô hình IPM trên nhiều loại cây trồng khác nhau như cây lúa, rau và cây ăn quả, hồ tiêu, cà-phê… được triển khai tại 16 tỉnh, thu hút sự tham gia của hơn 38.600 nông dân. Diện tích áp dụng là hơn 2,7 triệu héc-ta và gần 7.000 ha trong mô hình. Một số địa phương đã triển khai rất tốt các mô hình IPM, điển hình tại Lâm Đồng, với 18 mô hình IPM (chè, dâu tây, ớt ngọt, cải bắp, khoai tây, đậu leo, điều, cà chua) trên quy mô diện tích 1.000-5.000 m2/mô hình. Áp dụng các biện pháp canh tác, biện pháp thủ công làm cỏ, nhổ bỏ tiêu hủy sớm cây nhiễm bệnh vi khuẩn, virus, kết hợp sử dụng bẫy dính côn trùng quản lý bọ phấn, ruồi đục lá, ưu tiên sử dụng các nhóm thuốc sinh học phòng trừ sâu hại,... kết quả vườn mô hình IPM giảm được 3-5 lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật so với vườn nông dân, tỷ lệ thuốc sinh học chiếm 25-35%, hiệu quả kinh tế tăng 1,2-2 triệu đồng/ha/vụ.
Ngày 29/6/2021, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và FAO tại Việt Nam đồng tổ chức hội thảo khởi động dự án "Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp” kéo dài trong 2 năm (2021-2023).
Dự án được kỳ vọng sẽ giúp quản lý một cách toàn diện và có hệ thống dịch hại xuyên biên giới, ứng phó nguy cơ dịch hại trong bối cảnh biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế toàn cầu. Tháng 7/2021, dự án bắt đầu được triển khai.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, mục tiêu của dự án đã rõ ràng, tuy nhiên, việc triển khai dự án hiện còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, nguồn kinh phí hỗ trợ và công tác phân bổ thực hiện chương trình đôi khi còn chậm, chưa kịp thời với yếu tố thời vụ. Việc tích tụ ruộng đất, hình thành các tổ sản xuất, hợp tác xã... được quan tâm và có nhiều chính sách phù hợp nhưng kết quả còn nhiều hạn chế, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi, nhất là ở các tỉnh phía bắc còn nhỏ lẻ, manh mún, khó chuyển giao áp dụng kỹ thuật. Mô hình tổ chức, nội dung hoạt động và cơ chế hỗ trợ cho hoạt động IPM tại các địa phương còn thiếu. Chưa xây dựng được hệ thống quốc gia để kiểm tra đánh giá chất lượng các hoạt động IPM ở các địa phương. Năng lực của đội ngũ giảng viên IPM, nhất là giảng viên cơ sở còn hạn chế.
Dự kiến, ngành nông nghiệp phấn đấu đến năm 2030 có hơn 70% diện tích/cây trồng áp dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp ở mỗi tỉnh; có ít nhất 10% diện tích sử dụng tác nhân phòng trừ sinh học.
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Huỳnh Tấn Đạt cho biết, để triển khai dự án sức khỏe cây trồng đạt kết quả tốt và đạt mục tiêu đề ra, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng các chương trình công tác trọng tâm của Cục từ giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến 2030.
Theo đó, sẽ thúc đẩy ứng dụng quản lý IPM trên cây trồng chủ lực giai đoạn 2021-2025, phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, phân bón hữu cơ, quản lý mã số vùng trồng giai đoạn 2021-2025. Trong phạm vi dự án, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục phối hợp FAO xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trình Bộ ban hành, làm cơ sở cho các địa phương xây dựng kế hoạch chuyển đổi từ IPM sang quản lý sức khỏe cây trồng.
Theo Báo Nhân Dân
(HBĐT) - Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm, tổng thu NSNN trên địa bàn huyện Mai Châu ước thực hiện 29,304 tỷ đồng, đạt 44,11% dự toán, tăng 70,34% so cùng kỳ năm 2021. Tổng chi ngân sách cấp huyện ước thực hiện 213,065 tỷ đồng, đạt 44,77% dự toán, tăng 13,6% so cùng kỳ năm 2021. Tổng chi ngân sách cấp xã ước thực hiện 50,612 tỷ đồng, đạt 56,02% dự toán, tăng 4,04% so cùng kỳ năm 2021.
(HBĐT) - Ngày 26/7/2018, dự án Khu đô thị mới Trung Minh được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư với mục tiêu xây dựng một khu ở sinh thái đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, văn minh, hiện đại; góp phần chỉnh trang đô thị, phát triển du lịch; tạo quỹ đất ở để đáp ứng nhu cầu về nhà ở sinh thái ven sông Đà tại thành phố Hòa Bình.
Trong tháng 8/2022, hàng loạt chính sách kinh tế mới sẽ có hiệu lực như: hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản; thu phí không dừng hoàn toàn trên các tuyến cao tốc đường bộ; quy định mới về lãi suất rút trước hạn tiền gửi; Quy định mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính...
Dệt may, thủy sản, da giày, điện tử, gỗ và các sản phẩm từ gỗ… đang là các ngành có mức độ thiếu nguyên liệu lớn phục vụ cho sản xuất tại khu vực phía nam.
(HBĐT) - Sáng 26/7, đoàn công tác của tỉnh Hoà Bình đã tham dự Hội nghị xúc tiến hợp tác nhiều mặt Việt Nam với Fukuoka và Kyushu do Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản tổ chức. Cùng tham dự Chương trình còn có 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Tuyên Quang, Thừa Thiên-Huế, Quảng Ngãi; một số đơn vị, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản với trên 400 đại biểu tham dự.