(HBĐT) - Những năm gần đây, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. DN đăng ký thành lập hàng năm gia tăng. Cụ thể, năm 2019, toàn tỉnh có 361 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 8.381 tỷ đồng. Năm 2020, có 365 DN, tổng số vốn đăng ký 12.672 tỷ đồng. Năm 2021 có 461 DN thành lập mới, tổng số vốn đăng ký 15.294 tỷ đồng; so với năm trước, số lượng DN cấp mới tăng 26,7%, số vốn đăng ký tăng 20,8%. Lũy kế đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 3.860 DN với tổng số vốn đăng ký 55.139 tỷ đồng.
Từ sự hỗ trợ về thủ tục pháp lý, Công ty CP Antona (khu công nghiệp Lương Sơn) đã đi vào sản xuất ổn định.
Phát triển DN đạt được kết quả tích cực, tuy vậy vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có của tỉnh. Cộng đồng DN trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh (SX-KD), nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Số DN lớn hay vừa còn ít mà đa phần là DN nhỏ và siêu nhỏ, hạn chế về vốn, công nghệ; thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, kiến thức quản trị, khả năng cập nhật thông tin thị trường hạn chế; chi phí sản xuất cao, năng lực cạnh tranh thấp. Tỉnh chưa có nhiều DN đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; chưa xuất hiện nhiều DN, HTX có sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá, có thương hiệu lớn.
Đặc biệt, qua phân tích các Chỉ số nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 cho thấy, DN trong tỉnh cho biết địa phương có tình trạng thiếu quỹ đất sạch; khó tiếp cận các quy hoạch, tài liệu pháp lý; thông tin hữu ích trên website của tỉnh còn thấp; vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, chất lượng công vụ chưa được DN đánh giá cao… Ngoài ra, về nội dung cạnh tranh bình đẳng được đánh giá: Chính sách phát triển DN của tỉnh chưa mang tính bao trùm, còn thiên lệch giữa DN lớn và nhỏ. Các DN lớn được quan tâm hơn trong giải quyết thủ tục hành chính, miễn giảm thuế, tiếp cận các nguồn lực, ưu tiên thu hút đầu tư. Các doanh nghiệp nhỏ chưa được quan tâm trong việc tiếp cận đất đai, tài nguyên khoáng sản; chưa bố trí nguồn lực để thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) theo Luật Hỗ trợ DNNVV...
Dưới góc nhìn của chuyên gia đối với thực tế hoạt động của DN tỉnh, ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện khoa học quản trị DN và kinh tế số Việt Nam cho rằng: Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình chủ yếu là DNNVV mà hiện tại tỉnh chưa có khu và cụm công nghiệp chuyên biệt cho những DN này. Chính vì vậy, qua thực tế khảo sát, hầu hết các DN đều nói tới khó khăn về tiếp cận đất đai, bởi họ hạn hữu về vốn, nhân lực và các điều kiện gia nhập thị trường. Do vậy, tỉnh cần có giải pháp tổng thể, trong đó có lẽ cần vị trí dành riêng cho DNNVV. Còn đối với các DN, nhà đầu tư ở các tỉnh, thành phố đến với Hòa Bình thì tỉnh cần phải có một đầu mối thông tin duy nhất. Việc này nên giao cho Hiệp hội DN tỉnh và có chính sách để Hiệp hội là đầu mối tiếp cận, xúc tiến, tổ chức các chương trình với vai trò bảo trợ cho hoạt động kết nối với các DN ngoài tỉnh vào địa bàn, đó có thể là chương trình cafe doanh nhân hay chương trình bác sỹ DN tỉnh…
Từ đánh giá thực trạng phát triển và hoạt động SX-KD cũng như sự cầu thị lắng nghe tiếng nói của DN, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND, ngày 30/5/2022 về hỗ trợ DNNVV năm 2022 trên địa bàn tỉnh. Thực hiện kế hoạch nhằm thúc đẩy và phát huy tối đa các lợi ích của chương trình hỗ trợ DNNVV, giúp các DN nâng cao năng lực, khả năng thích ứng với tình hình thực tiễn, từ đó tạo đà phát triển bền vững. Đồng thời giúp các DN củng cố, tối ưu hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực và hiệu quả hoạt động; thúc đẩy quá trình ứng dụng CNTT và chuyển đổi số tại các DNNVV thông qua các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, tư vấn và huấn luyện ứng dụng các nền tảng số…
Theo kế hoạch, tỉnh sẽ hỗ trợ công nghệ với nội dung: Tư vấn chiến lược, tư vấn triển khai để DN tự động hoá quy trình SX-KD, quản trị, công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh; hỗ trợ áp dụng công nghệ, ứng dụng các giải pháp trên nền tảng số. Hỗ trợ đào tạo phát triển nguồn nhân lực, gồm: Đào tạo trực tiếp về khởi sự kinh doanh; đào tạo trực tiếp về quản trị DN. Hỗ trợ đào tạo trực tiếp tại DNNVV trong lĩnh vực sản xuất, chế biến.
Dự kiến, tổng kinh phí hỗ trợ trong năm 2022 là 2 tỷ đồng. Đối tượng hỗ trợ là các DNNVV trên địa bàn tỉnh được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật về DN, đáp ứng các tiêu chí xác định DNNVV theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DNNVV.
Bình Giang