Hợp tác xã Nông nghiệp Hòa Bình, thôn Yên Lịch, xã Thanh Sơn (Lương Sơn) chú trọng phát triển đàn dê để nâng tầm thương hiệu là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), xã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao ứng dụng KH-KT vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình, dự án phát triển sản xuất được đầu tư như mô hình trồng cây ăn quả có múi, phát triển kinh tế trang trại, sản xuất rau an toàn. Toàn xã đã trồng được 221,4 ha cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn xã có 5 vườn kiểu mẫu, gồm vườn của các hộ: Bùi Văn Tuyển (thôn Cáp), Nguyễn Văn Vấn (thôn Hợp Thung), Trần Đức Hùng, Trịnh Văn Tiến, Đặng Thị Hảo (thôn Thanh Hà). Sản phẩm thịt dê núi Lương Sơn của HTX nông nghiệp Hòa Bình, thôn Yên Lịch được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Phát huy thế mạnh trong chăn nuôi, đầu năm 2022 xã xây dựng 1 mô hình chăn nuôi lợn sạch theo hướng hữu cơ tại hộ ông Quách Công Tấn, thôn Dẻ Cau, quy mô 60 con lợn rừng. Thông qua mô hình góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong chăn nuôi. Chăn nuôi theo hướng hữu cơ sẽ tạo ra sản phẩm thịt lợn sạch, an toàn, rõ nguồn gốc, vì sức khỏe người tiêu dùng; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương.
Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, các hoạt động dịch vụ, thương mại phát triển đa dạng như dịch vụ nghỉ dưỡng, ăn uống, bán hàng tạp hóa… Ngoài ra, trên địa bàn xã có trên 20 cơ sở sản xuất, kinh doanh tiểu thủ công nghiệp với các ngành nghề chính như: xây dựng, sản xuất gạch, ván ép, rượu... Sự đa dạng ngành nghề nông thôn góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp.
Song song với việc thực hiện các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền xã khuyến khích lao động địa phương đi làm tại các cơ sở, doanh nghiệp trong huyện. Toàn xã có trên 3.000 lao động làm việc tại khu công nghiệp Lương Sơn, 2.809 người làm việc tại doanh nghiệp ngoài huyện và các tỉnh khác.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã cho biết thêm: Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, đời sống của người dân xã Thanh Sơn ngày càng được cải thiện. Mục tiêu của xã đặt ra đến cuối năm thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/năm. Để đạt được mục tiêu trên, xã tiếp tục ưu tiên nhân rộng các mô hình có hiệu quả đã triển khai những năm trước để tạo ra các vùng sản xuất quy mô lớn, đầu tư áp dụng tiến bộ KH-KT vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm nhân lực. Hỗ trợ người dân phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại, sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tốt công tác di chuyển chuồng trại, tiêu độc khử trùng, phòng chống đói rét, dịch bệnh trên đàn vật nuôi; thực hiện mô hình rau an toàn tại thôn Gạo.
Thu Thủy