Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 8/2022 ước đạt 106 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 46 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Tuy nhiên trong 8 tháng năm 2022, hai khoản thu cán đích sớm là thu từ dầu thô và thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu.
Sau khoản thu từ dầu thô, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu cũng chuẩn bị "cán đích" sau 8 tháng năm nay. Ảnh: TTXVN
Theo đó, trong tháng 8/2022, nguồn thu nội địa ước đạt 78,4 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 43,4 nghìn tỷ đồng so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do một số khoản thu cho phép thu theo quý (như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng của hộ kinh doanh...) phát sinh quý II/2022, các doanh nghiệp đã kê khai, nộp trong tháng 7/2022, sang tháng 8/2022 phát sinh thấp.
Trong tháng 8/2022, nguồn thu từ dầu thô ước đạt 6,2 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 2,6 nghìn tỷ đồng so tháng trước. Sản lượng dầu trong tháng ước đạt 700 nghìn tấn, xấp xỉ mức thực hiện tháng 7/2022. Giá dầu thanh toán bình quân trong tháng đạt khoảng 117,8 USD/thùng, cao hơn 57,8 USD/thùng so giá tính dự toán, thấp hơn 9,8 USD/thùng so với tháng trước. Lũy kế 8 tháng năm 2022 đạt 51.100 tỷ đồng, vượt 81,2% dự toán năm và tăng mạnh mẽ 98,8% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 16,6 nghìn tỷ đồng, giảm khoảng 5,2 nghìn tỷ đồng so tháng trước, trên cơ sở tổng số thu thuế ước đạt 33 nghìn tỷ đồng, hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ khoảng gần 16,4 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế 8 tháng năm 2022 đạt 197.600 tỷ đồng, bằng 99,3% dự toán năm, chuẩn bị "cán đích" và tăng ấn tượng 21,5% so với cùng kỳ năm trước.
Số thu NSNN 8 tháng năm nay ước đạt 1.208,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85,6% dự toán năm và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm trước. Theo Bộ Tài chính, trong 8 tháng năm 2022, cân đối ngân sách Trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. NSNN thặng dư 251,7 nghìn tỷ đồng, cao nhất trong nhiều tháng trở lại đây.
Tổng chi cân đối NSNN tháng 8/2022 ước đạt 123,7 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi 8 tháng năm nay ước đạt 956,4 nghìn tỷ đồng, bằng 53,6% dự toán, tăng 4,2%, trong đó chi đầu tư phát triển ước đạt 212,2 nghìn tỷ đồng, bằng 40,3% dự toán Quốc hội quyết định, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Các nhiệm vụ chi ngân sách trong 8 tháng năm nay được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.
Ngân sách Trung ương đã chi 2,4 nghìn tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022, trong đó chủ yếu để bổ sung cho các địa phương (2,1 nghìn tỷ đồng) kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh theo quy định.
Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp khoảng 27,6 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm. Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2022 Thủ tướng Chính phủ đã giao 542,1 nghìn tỷ đồng, bên cạnh đó các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương…) tăng thêm khoảng 55,9 nghìn tỷ đồng so kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn được giao đạt 101,02% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể số kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 90,72%). Tính đến ngày 22/8/2022, vẫn còn 50,3 nghìn tỷ đồng (9,28%) kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa phân bổ chi tiết (trong đó: 10 bộ, cơ quan trung ương là 7,1 nghìn tỷ đồng; các địa phương là 43,2 nghìn tỷ đồng).
Tiến độ giải ngân 8 tháng đầu năm vẫn chậm so yêu cầu và cùng kỳ năm trước. Mặc dù số vốn giải ngân tăng 13,3%, nhưng tỷ lệ mới đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2021 đạt 40,6%), trong đó giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 14,02% kế hoạch.
Theo Báo Tin tức
(HBĐT) - Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) đã phối hợp với Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường, Phòng Kinh tế và Hạ tầng các huyện, thành phố triển khai hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BVQLNTD. Từ đầu năm đến nay đã tổ chức tư vấn và tuyên truyền pháp luật trực tiếp tại 9 phiên chợ, gồm chợ Thầy (TP Hòa Bình), chợ Nong Luông (Mai Châu), chợ Tân Pheo (Đà Bắc), chợ Ốc (Lạc Sơn), chợ Lũng Vân (Tân Lạc), chợ Dũng Phong (Cao Phong), chợ Bãi Chạo (Kim Bôi), chợ Quán Trắng (Lương Sơn) và chợ Chùa Hang (Yên Thủy). Chương trình hoạt động thường được tổ chức vào các buổi chợ phiên nhằm tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến nhiều nhóm đối tượng, tập trung nhóm tiểu thương, hộ kinh doanh và người dân địa phương.
Đại dịch COVID-19 kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của nhiều người dân lao động. Áp lực nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng theo đó cũng dần hiện rõ trong thời gian gần đây. Nhiều công ty mẹ đã phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận trong nửa đầu năm nay.
(HBĐT)-Ngày 29/8, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Phát triển kinh tế tập thể (KTTT) tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ Phát triển KTTT tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tình hình hoạt động của các tổ chức KTTT trên địa bàn huyện Tân Lạc.
(HBĐT) - Ngày 23/8, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 26/2022/QĐ-UBND Quy định mức thu, nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa (BV, PTĐTL)trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, UBND tỉnh quyết định:
(HBĐT) - Phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn (GTNT) gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được xã Phú Thành (Lạc Thuỷ) quan tâm đầu tư trong nhiều năm qua. Từ đó, góp phần từng bước mở rộng liên kết giao thông giữa các vùng, phục vụ nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn.
Thực hiện Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều ngân hàng thương mại đã nhanh chóng vào cuộc và tổ chức triển khai trong toàn hệ thống. Tuy nhiên, sau ba tháng triển khai, tốc độ giải ngân vẫn khá ì ạch, chưa được như kỳ vọng.