(HBĐT) - Tháng 3/2022, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường liên kết vùng (ĐLKV) Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu) với tổng mức đầu tư 4.120 tỷ đồng. Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đầu tư đoạn tuyến từ Kim Bôi kết nối với trục cao tốc quy hoạch Hòa Lạc - Hòa Bình tại TP Hòa Bình với tổng chiều dài 32 km, tiêu chuẩn đường cấp III - đồng bằng với diện tích chiều rộng nền đường 12m. Hiện, UBND huyện Kim Bôi đang gấp rút chỉ đạo triển khai giải phóng mặt bằng (GPMB) để thực hiện dự án.
Cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi thực hiện kiểm đếm diện tích đất phải thu hồi nhằm thực hiện dự án.
Theo báo cáo của UBND huyện Kim Bôi, tuyến ĐLKV Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La, đoạn qua huyện Kim Bôi sẽ đi qua địa bàn các xã: Đú Sáng, Bình Sơn, Vĩnh Tiến, Đông Bắc, Hợp Tiến và Vĩnh Đồng. Quy mô diện tích khoảng 84,34 ha, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp với diện tích khoảng 62,15 ha; đất ở và đất ở + cây lâu năm khoảng 12,64 ha; đất do UBND các xã và các tổ chức khác quản lý khoảng 9,55 ha. Có 2.955 thửa đất bị ảnh hưởng, trong đó có 218 thửa đất ở và đất vườn nằm trong cùng thửa, tương đương với 218 hộ gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng.
Đồng chí Bạch Công Ban, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi cho biết: Triển khai công tác GPMB, UBND huyện đã tổ chức họp dân tại 16/16 xã có tuyến đường đi qua để thống nhất chủ trương cũng như phổ biến phương án đền bù GPMB đối với đất nông nghiệp và đất ở. Trong đó, đất nông nghiệp hiện đã kiểm đếm xong đất và tài sản trên đất của gần 600 hộ thuộc các xã: Vĩnh Tiến, Vĩnh Đồng, Bình Sơn và giao UBND các xã xác định nguồn gốc sử dụng đất; chuẩn bị các hồ sơ để thuê đơn vị tư vấn xác định giá cụ thể làm căn cứ bồi thường. Đối với đất ở, đã rà soát chi tiết và đang kiểm đếm đối với 218 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có 105 hộ có nhà ở, đất ở bị ảnh hưởng phải di dời. Cụ thể, 38 hộ có thể tái định cư tại chỗ, 5 hộ tự bố trí tái định cư, 64 hộ phải thực hiện tái định cư tập trung do diện tích đất còn lại không đủ để kiện xây dựng nhà ở.
Dự án ĐLKV Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La là dự án trọng điểm góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương. Công tác GPMB có ý nghĩa quan trọng để dự án triển khai theo đúng tiến độ, UBND huyện Kim Bôi đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến người dân về các chính sách bồi thường, hỗ trợ áp dụng đối với dự án khi Nhà nước thu hồi đất. Đặc biệt là những lợi ích kinh tế thấy được khi dự án được triển khai thành công. Ban chỉ đạo GPMB huyện tổ chức giao ban nắm bắt thông tin hàng tuần để tháo gỡ những khó khăn.
Hiện nay, công tác GPMB còn nhiều vướng mắc do có nhiều người dân có ý kiến trái chiều về giá bồi thường, hỗ trợ về đất. Lý giải về vấn đề này, theo lãnh đạo UBND huyện Kim Bôi: Thời gian qua, thị trường bất động sản có nhiều biến động, một số cá nhân đã mua gom đất nông nghiệp với đơn giá cao hơn Nhà nước quy định nên khi thu hồi và áp giá theo quy định, người dân đã so sánh và chưa chấp hành đơn giá do Nhà nước quy định. Đặc biệt, Nghị quyết số 18 -NQ/TW ngày 16/6/2022 tại Hội nghị lần thứ 5, BCH T.Ư Đảng là cơ sở để xây dựng Luật Đất đai năm 2023 tiến tới sẽ bỏ khung giá đất, nhưng hiện nay chưa có hiệu lực, dẫn đến người dân so sánh và muốn chờ đến khi có hiệu lực thi hành mới thực hiện thu hồi, như vậy sẽ ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.
Ngoài những vướng mắc về khu giá đất nói chung, giá đất nông nghiệp tại các vị trí giáp ranh cho phù hợp với thực tế để có sự tương đồng cũng là những trở ngại ảnh hưởng đến công tác đền bù GPMB. "Cụ thể như giá đất bồi thường về đất và hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với đất trồng 2 vụ lúa tại xã Đú Sáng là 140.000 đồng/m2, trong khi tại xã Bình Sơn giáp ranh là 220.000 đồng/m2; xã Vĩnh Tiến giáp ranh xã Bình Sơn có giá là 260.000 đồng/m2. Giá bồi thường về đất và hỗ trợ chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm đối với đất trồng 1 vụ lúa tại xã Đú Sáng là 120.000 đồng/m2, trong khi tại xã Bình Sơn là 180.000 đồng/m2; xã Vĩnh Tiến là 220.000 đồng/m2. Thực tế này dẫn đến nhiều hộ dân có sự so sánh và chưa đồng tình với đơn giá bồi thường", đồng chí Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Kim Bôi cho biết thêm.
Từ thực tế đó, để thuận lợi cho công tác GPMB, đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, UBND huyện Kim Bôi đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng điều chỉnh lại giá đất ở cho phù hợp với giá thị trường và điều chỉnh giá đất nông nghiệp tại các vị trí giáp ranh cho phù hợp với thực tế để có sự tương đồng. Đồng thời có cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân bị thu hồi đất trong thời gian chưa áp dụng việc bỏ khung giá đất để tránh thiệt thòi cho các hộ; đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân theo dự án tổng thể đo đạc địa chính.
Đinh Hòa
(HBĐT) - Tại tỉnh ta, mía là một trong những cây trồng được chú trọng đầu tư phát triển. Không chỉ là mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân, mía còn được biết đến là cây nông sản nổi tiếng của tỉnh. Những năm qua, cùng với cam, bưởi, cây mía đã giúp nhiều hộ nông dân xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu, tạo thu nhập ổn định. Để nâng tầm giá trị của loại nông sản này, ngành NN&PTNT tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị, cơ quan chuyên môn triển khai nhiều giải pháp; trước mắt hình thành vùng nguyên liệu mía tươi bền vững cung cấp, đáp ứng đủ sản lượng phục vụ cho hoạt động chế biến, xuất khẩu của các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.
(HBĐT) - Phát triển các khu, cụm công nghiệp (K,CCN) để thu hút đầu tư sẽ góp phần tích cực giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh và phát triển KT-XH của tỉnh. Chính vì vậy, vấn đề này được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo với chủ trương phát triển các K,CCN phải đặt trong tổng thể định hướng phát triển KT – XH của tỉnh, có tầm nhìn dài hạn, lấy hiệu quả phát triển KT – XH và môi trường là mục tiêu cao nhất. Việc quy hoạch các K,CCN dựa trên lợi thế so sánh của tỉnh, của vùng, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, xã hội và kết cấu hạ tầng thuận lợi. Tỉnh đang nỗ lực thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra là: Phấn đấu đến năm 2025, diện tích đất các K,CCN chiếm khoảng 1% diện tích đất tự nhiên của tỉnh.
(HBĐT) - Cuối ngày 7/10 vừa qua, do nhận được những tin đồn tiêu cực, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng (NH) TMCP Sài Gòn - SCB có đông người tới. Một số khách hàng đến rút tiền, số khác đến thăm dò thông tin do tâm lý lo ngại về sự an toàn khoản tiền gửi của mình... Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, tâm lý người dân, nhất là những người đang gửi tiết kiệm tại các NH, tổ chức tín dụng (TCTD) không bị ảnh hưởng bởi vụ việc trên.
(HBĐT)-Ngày 14/10, tại TP Hoà Bình, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Quốc hội và Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo với chủ đề "Bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với một số luật có liên quan”. Đồng chí Hoàng Thanh Tùng, Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có một số đại biểu Quốc hội, chuyên gia trong nước và nước ngoài, đại diện các bộ, ngành, nhà quản lý, hiệp hội và công ty liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, xây dựng… Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo một số sở, ngành dự hội thảo.
Thời gian qua, nhiều dự án thủy điện nhỏ và vừa đã được xây dựng trên hệ thống thượng nguồn sông ở các tỉnh miền núi phía bắc. Tuy nhiên trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, rừng bị tàn phá, lũ lụt, sạt lở có xu hướng xảy ra nhiều hơn..., vấn đề lợi-hại của thủy điện vừa và nhỏ từ công tác quy hoạch đến xây dựng cần được đặt ra một cách nghiêm túc, tránh những ảnh hưởng trước mắt và lâu dài tác động lớn đến đời sống của người dân.
Đạo đức kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp là khái niệm được nhiều người nhắc tới, nhất là vào dịp thường niên kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.