(HBĐT) - Phú Cường là xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Tân Lạc, với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 90%. Những năm qua, đời sống của người dân xã vùng thượng này đã được cải thiện. Tuy nhiên, bà con vẫn cần hỗ trợ sinh kế để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.


Những năm qua, người dân xã Phú Cường (Tân Lạc) chuyển đổi một số diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng khoai lang để nâng cao thu nhập.

Đến nay, bộ mặt nông thôn xã Phú Cường đã có sự đổi thay tích cực. Trong đó, hạ tầng thiết yếu như: điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư ngày một hoàn thiện hơn. Với xuất phát điểm là xã thuần nông, thu nhập chính của người dân xã Phú Cường chủ yếu dựa vào chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài ra, các xóm nằm dọc quốc lộ 6 đã đẩy mạnh phát triển kinh doanh, dịch vụ. Du lịch cộng đồng cũng đang được địa phương chú trọng phát triển với tiềm năng hứa hẹn.

Đồng chí Cao Viết Đồng, Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường cho biết: Những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong xã đã tập trung thực hiện các giải pháp để nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nổi bật như chuyển đổi diện tích đất lúa thiếu nước, kém hiệu quả sang trồng các loại cây ngắn ngày, phù hợp. Nhiều năm trở lại đây, người dân Phú Cường đã đưa cây khoai lang vào trồng, diện tích hàng trăm hecta. Như năm 2021, diện tích trồng khoai lang toàn xã gần 400 ha. Ngoài ra, cây ngô cũng là cây trồng thế mạnh của xã, diện tích năm 2021 khoảng 870 ha, 9 tháng năm 2022 trên 300 ha. Tận dụng tiềm năng, thế mạnh về nguồn thức ăn có sẵn, Phú Cường cũng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Bên cạnh đó, với sự tiếp sức từ các chương trình, dự án đã giúp người dân trong xã đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới. Hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 25,47%, hộ cận nghèo trên 25%; thu nhập bình quân đầu người đạt 42 triệu đồng/năm; xã đạt 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, đời sống của người dân Phú Cường còn nhiều khó khăn; nhiệm vụ giảm nghèo vẫn là bài toán khó. Đồng chí Cao Viết Đồng, Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ: Xã có địa bàn rộng, dân cư sinh sống rải rác thành nhiều chòm, xóm cách xa nhau, giao thông còn trắc trở. Các loại hình kinh tế thiếu tính bền vững, sản xuất mang tính nhỏ lẻ, phụ thuộc vào thiên nhiên là chủ yếu; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm và chưa đồng đều, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Do đó, thu nhập của người dân chưa ổn định, nguy cơ tái nghèo còn cao.

Với vị trí có quốc lộ 6 chạy qua, được thiên nhiên ưu đãi về cảnh sắc, bản sắc văn hóa truyền thống của người Mường vẫn được lưu giữ, xã Phú Cường có tiềm năng lớn về phát triển du lịch cộng đồng. Thực tế, từ cuối năm 2019, điểm du lịch cộng đồng Bưởi Cại trên địa bàn xã đã được khai trương đón khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đến nay, loại hình du lịch này vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế để đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Trong thời gian tới, cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân xã Phú Cường mong muốn tiếp tục được Nhà nước quan tâm, đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là về đường giao thông, điện; hỗ trợ người dân các mô hình sản xuất, tạo sinh kế; bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống để thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.


Viết Đào


Các tin khác


Giải ngân trên 212 tỷ đồng vốn vay phục hồi và phát triển KT - XH

(HBĐT) - Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đến 30/9/2022, toàn chi nhánh đã giải ngân trên 3.400 món vay với số tiền 212,3 tỷ đồng vốn vay phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Vốn ưu đãi tạo lực đẩy cho vùng dân tộc thiểu số huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Những năm qua, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã cải thiện đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Kim Bôi. Trong đó, có hàng nghìn hộ dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã vượt lên đói nghèo nhờ tín dụng ưu đãi.

Việt Nam kêu gọi thúc đẩy tăng cường hợp tác và xây dựng lòng tin tại APPF

 Chiều 28/10, Hội nghị Diễn đàn Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF) lần thứ 30 tại thủ đô Bangkok, Thái Lan đã chính thức bế mạc. Hội nghị đã ra Thông cáo chung nhấn mạnh yêu cầu thúc đẩy hợp tác ngoại giao nghị viện, đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh và kinh tế số vì sự phục hồi bền vững, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trong khu vực.

Xảy ra hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ là điều rất đáng tiếc và bất thường

Theo Bộ trưởng Công thương, để xảy ra hiện tượng thiếu hàng cục bộ trong hệ thống thương nhân phân phối và bán lẻ xăng dầu ở TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía nam là điều rất đáng tiếc và bất thường, nhất là khi tại thời điểm đầu tháng 10, cả nước còn tới 3 triệu m3 xăng dầu dự trữ.

Thu hồi giấy phép hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Siberian Health Quốc tế

(HBĐT) - Sở Công Thương vừa ban hành Quyết định số 193/QĐ-SCT về việc thu hồi giấy xác nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương

Ổn định cuộc sống hộ dân tái định cư dự án hồ chứa nước Cánh Tạng

(HBĐT) - Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Thực hiện dự án, có 596 hộ tại các xã: Yên Phú, Văn Nghĩa, Bình Hẻm (Lạc Sơn) bị ảnh hưởng phải thực hiện tái định cư (TĐC). 

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục