Ổn định cuộc sống hộ dân tái định cư dự án hồ chứa nước Cánh Tạng
Thứ sáu, 28/10/2022 | 8:51:19 Sáng
(HBĐT) - Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng là một trong những dự án trọng điểm của tỉnh. Thực hiện dự án, có 596 hộ tại các xã: Yên Phú, Văn Nghĩa, Bình Hẻm (Lạc Sơn) bị ảnh hưởng phải thực hiện tái định cư (TĐC).
Người dân khu tái định cư xóm Kén, xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) mong muốn dự án sớm triển khai đầu tư đường giao thông nội khu, tạo thuận lợi cho bà con đi lại.
Đảm bảo mức sống bằng hoặc cao hơn so với nơi ở cũ
Cùng đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, chúng tôi có mặt tại khu TĐC xóm Kén, xã Văn Nghĩa khi các hộ đang gấp rút hoàn thiện nhà để chuyển về nơi ở mới. Khác với hình dung ban đầu, khu TĐC xóm Kén trông khá khang trang với những ngôi nhà xây san sát, bề thế. Theo báo cáo, khu TĐC xóm Kén có hơn 120 lô, trung bình mỗi lô có diện tích 400 m2, hiện có hơn 100 hộ dân đã nhận đất và đang hoàn thiện nhà ở. Anh Bùi Văn Chi, một trong những hộ dân đã thực hiện TĐC cho biết: Sau khi Nhà nước thu hồi đất, gia đình tôi được đền bù hơn 1 tỷ đồng tiền đất đai, hoa màu. Nhận đất tại khu TĐC, gia đình yên tâm ở nơi mới vì có tiền để xây dựng nhà khang trang hơn, điện, nước sinh hoạt được đầu tư đầy đủ.
Cũng là một trong những hộ dân đang hoàn thiện nhà tại khu TĐC xóm Kén, ông Bùi Văn Chiến cho biết: Gia đình tôi nhận được gần 3 tỷ đồng tiền đền bù. Với khoản tiền này, gia đình xây ngôi nhà mới 3 tầng rộng rãi để ở, ngoài ra giành dụm một chút làm vốn phát triển kinh tế.
Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, tính đến thời điểm này, 7 khu TĐC dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, gồm các xóm: Rộc, Nhụn, Kén, Khi, Cuốc, Sào 1, Sào 2 đã cơ bản hoàn thành, đón hộ dân đến ở. Hạng mục phụ trợ như điện cơ bản hoàn thành hệ thống điện nội khu. Các đơn vị đang thi công hoàn thiện hệ thống cấp nước, hiện đã có phương án cấp nước tạm thời để đảm bảo nhu cầu sử dụng nước cho Nhân dân xây dựng.
Tuy nhiên, theo đồng chí Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Yên Phú, khu TĐC nằm khá xa trung tâm xã, trong khi tuyến đường giao thông vẫn chưa được đầu tư, việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn, nhất là vào những ngày mưa lũ. Vì vậy, chính quyền và Nhân dân xã Yên Phú mong muốn dự án sớm bố trí vốn triển khai tiếp các hạng mục của khu TĐC như hệ thống đường giao thông, công trình nước sạch, nhà trẻ... để người dân yên tâm ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Bài toán sinh kế
Để thực hiện dự án hồ chứa nước Cánh Tạng, tỉnh đã thu hồi GPMB hơn 897 ha đất, nhiều xóm mất hoàn toàn đất trồng lúa, đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng. Trong khi hầu hết các hộ dân chủ yếu sống bằng sản xuất nông, lâm nghiệp. Việc tạo sinh kế sau khi bị thu hồi đất là bài toán khó. Ông Bùi Văn Chiến chia sẻ: Hầu hết các hộ đến đây không còn đất sản xuất, cũng không có vườn tược nên chúng tôi chưa biết sẽ làm cách nào để sống. Thanh niên có thể đi làm thuê cho các nhà máy hoặc tìm việc ở thành phố, còn những người trung tuổi chưa biết tìm nghề gì.
Chia sẻ của ông Chiến cũng là tâm tư của nhiều hộ dân và cấp uỷ Đảng, chính quyền nơi đây. Đồng chí Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Yên Phú cho biết: Đối với xã Yên Phú, bà con khu TĐC xóm Đá Mới mất một phần đất sản xuất nông nghiệp. Các hộ thuộc khu TĐC xóm Nhùn mất toàn bộ đất ruộng, chỉ còn lại đất trồng rừng. Do đó, khi thực hiện dự án, vấn đề sinh kế cho người dân là trăn trở của cấp uỷ Đảng, chính quyền. Trước mắt, xã phối hợp với huyện mở các lớp dạy nghề cho bà con. Từ năm 2020 đến nay, xã phối hợp mở hơn 10 lớp dạy nghề, chủ yếu là nghề nuôi cá lồng với định hướng sau này có thể tận dụng diện tích mặt nước hồ Cánh Tạng để nuôi cá lồng.
Trao đổi về vấn đề này, đồng chí Bùi Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết: Bài toán sinh kế cho hơn 500 hộ dân bị ảnh hưởng thu hồi đất và phải thực hiện TĐC là vấn đề huyện đặt ra ngay từ trước khi thực hiện dự án. Với chủ trương đảm bảo cho người dân TĐC có mức sống bằng hoặc cao hơn so với nơi ở cũ, cấp uỷ Đảng, chính quyền quyết tâm tạo điều kiện tốt nhất để giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống cho người dân. Huyện đã phối hợp các sở, ngành chủ động tổ chức các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn để giúp con em các hộ tìm việc làm sau TĐC. Định hướng của huyện là sau khi hồ chứa nước hoàn thành sẽ có một diện tích mặt nước lớn, có thể phát triển nghề nuôi cá lồng và phát triển kinh tế rừng. Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư để thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vào địa bàn, từ đó tạo việc làm cho lao động nông thôn.
"Rút kinh nghiệm, bài học thực tiễn ở nhiều địa phương, đối với các hộ dân sau khi nhận tiền đền bù, chúng tôi trực tiếp xuống tuyên truyền, vận động bà con sử dụng một phần tiền để làm nhà ổn định cuộc sống, phần còn lại bà con nên gửi vào ngân hàng để sau này có vốn đầu tư làm ăn" - đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Sơn cho biết thêm.
(HBĐT) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Mai Châu lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định xây dựng huyện Mai Châu thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, là điểm đến du lịch hấp dẫn, thân thiện và an toàn. Nhằm hiện thực hoá nghị quyết, UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo xây dựng quy hoạch, phát triển hạ tầng KT-XH cơ bản đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị. Trọng tâm là tranh thủ, huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng, phát triển hạ tầng giao thông kết nối đến các khu, điểm du lịch.
(HBĐT) - Xã Hòa Sơn (Lương Sơn) là một trong những xã đầu tiên của tỉnh về đích nông thôn mới. Hiện nay, xã cũng đã hoàn thành các tiêu chí về nông thôn mới nâng cao. Trong những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền tích cực vận động người dân xây dựng mô hình vườn mẫu hiệu quả kinh tế cao. Đây không chỉ là phải pháp nhằm nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân mà còn góp phần nâng tầm chất lượng nông thôn mới tại xã Hòa Sơn.
Trong bối cảnh đồng USD đang tăng giá mạnh trên thị trường thế giới, tạo nhiều áp lực đến tỷ giá trong nước, không chỉ cơ quan điều hành mà bản thân các doanh nghiệp cũng phải xoay xở tìm cách hóa giải sức ép này. Trong vòng một tháng qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng lãi suất điều hành lần thứ hai, trước đó là chủ động nới biên độ tỷ giá giao ngay, nhằm tạo sự linh hoạt hơn cho thị trường.
(HBĐT) - Để khuyến khích người dân trên địa bàn lấy hóa đơn điện tử (HĐĐT) khi mua hàng hóa, dịch vụ, góp phần tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp, bảo vệ quyền lợi cho người mua; khuyến khích người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế, đồng thời tăng cường quản lý nguồn thu, tránh thất thu thuế cho ngân sách Nhà nước, Cục Thuế tỉnh thực hiện chương trình "Hóa đơn may mắn” theo nguyên tắc lựa chọn ngẫu nhiên HĐĐT trên hệ thống HĐĐT tập trung của ngành Thuế.
(HBĐT) - Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã tích cực phối hợp với các tổ chức, đơn vị thực hiện các hoạt động nhằm góp phần tăng cường quyền tiếp cận sử dụng đất và tài nguyên rừng cho hội viên nông dân (HVND) vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
(HBĐT) - Hiện tại, huyện Cao Phong có 9 sản phẩm OCOP. Trong đó, 5 sản phẩm còn hiệu lực là: Cam quà tặng cao cấp 3T farm của HTX 3T nông sản Cao Phong (đạt 4 sao), trà chanh đào mật ong của HTX Hà Phong (3 sao), rượu cam của HTX Hà Phong (3 sao), hạt dổi Thạch Yên của hộ ông Bùi Văn Tiến, xóm Ngái, xã Thạch Yên (3 sao), mây tre đan Tây Phong của tổ hợp tác mây tre đan xã Tây Phong (3 sao). 4 sản phẩm đã hết hiệu lực là sản phẩm cam quả, mứt cam, nước cốt cam, nước cam tươi lên men của HTX Hà Phong, HTX đang làm hồ sơ để đề nghị công nhận lại. Bám sát định hướng chung, toàn huyện tiếp tục tập trung các chương trình phát triển sản xuất gắn với thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), trong đó, chú trọng nâng cao giá trị thương phẩm cho các sản phẩm OCOP.