Vượt qua hàng loạt khó khăn từ dịch Covid-19 cũng như biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng trưởng bán lẻ hàng hóa của nền kinh tế Việt Nam những năm qua vẫn luôn được duy trì vững chắc, là kết quả phát huy từ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động 13 năm trước.
Gian hàng của các doanh nghiệp trưng bày tại lễ hội.
Tối 29/10, tại Quảng trường Đông Kinh nghĩa Thục, Hoàn Kiếm (Hà Nội), Lễ hội "Tự hào hàng Việt Nam-Tinh hoa hàng Việt Nam” rực rỡ sắc màu đã chính thức khai mạc. Đây là hoạt động được Bộ Công thương tổ chức thường niên và cũng là hoạt động trọng tâm của Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam năm 2022, thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025.
Với thông điệp "Xây dựng hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam”, Lễ hội năm nay có nhiều điểm mới, thu hút gần 100 đơn vị đến từ các tập đoàn sản xuất, phân phối lớn và các hợp tác xã, hộ sản xuất nhỏ miền núi vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Phát biểu khai mạc Lễ hội, Thứ trưởng Công thương Đỗ Thắng Hải, Phó trưởng ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động người Việt nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cho biết: Chúng ta vừa trải qua đợt dịch Covid-19 và biến động của tình hình địa chính trị diễn ra trên quy mô toàn cầu. Hậu quả của các cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa của Việt Nam nói riêng, của cả thế giới nói chung.
Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt cũng như vai trò quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế Việt Nam. Trong nhiều chỉ số kinh tế, sự tăng trưởng bán lẻ hàng hóa là điểm sáng của nền kinh tế. Để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động trong giai đoạn mới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, phối hợp các thành viên trong Ban chỉ đạo và các địa phương trong xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Đồng thời, Bộ cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong ngành nhằm truyền cảm hứng đến xã hội về một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trương Thị Ngọc Ánh nhấn mạnh: Trong khó khăn, gian khó, những hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp đã động viên, khích lệ các doanh nghiệp vươn lên trong sản xuất. Trong đó, Bộ Công thương đã thực hiện tích cực vai trò định hướng thông tin để các doanh nghiệp tập trung phục vụ người tiêu dùng Việt Nam trong điều kiện xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, nhất là thông qua các chương trình "Tự hào hàng Việt Nam- Tinh hoa hàng Việt Nam”, Bộ Công thương đã thực hiện tốt vai trò phổ biến, quảng bá các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng.
Riêng chương trình năm nay không chỉ là hoạt động thiết thực để hưởng ứng và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, mà có ý nghĩa quan trọng hơn là tiếp tục khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân, khẳng định vai trò, năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam; đồng thời, tiếp tục khẳng định sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.
Cũng tại buổi lễ, các đại biểu và đại diện doanh nghiệp đã phát động phong trào "Xây dựng hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam”.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị từ năm 2009, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trong nước qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam; động viên các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức giải quyết những khó khăn, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.
Trong 13 năm qua, được sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Công thương với vai trò là một trong các cơ quan nòng cốt trong triển khai Cuộc vận động đã luôn vận động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ưu tiên dùng hàng Việt Nam; hỗ trợ, vận động doanh nghiệp tích cực đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao. Nhờ vậy, tỷ trọng hàng Việt Nam có thế mạnh tại hệ thống phân phối hiện đại trong nước đã đạt tỷ lệ 80% - 90% và hơn 60% tại các chợ truyền thống.