(HBĐT) - Từ giữa tháng 10, tại các hợp tác xã (HTX), nhà vườn trên địa bàn huyện Cao Phong bắt đầu bước vào vụ thu hoạch cam. Tư thương từ nhiều nơi tìm đến đặt hàng. Dọc QL6 qua địa phận huyện, những sạp cam được bày bán bắt mắt.


Người dân thị trấn Cao Phong (Cao Phong) thu hoạch cam lòng vàng niên vụ 2022 - 2023.

Theo thống kê, hiện toàn huyện Cao Phong có trên 1.740 ha cây ăn quả có múi, sản lượng niên vụ 2022 - 2023 ước đạt 22.000 tấn. Trong đó, riêng diện tích cam khoảng 1.500 ha, sản lượng ước đạt 18.000 tấn; diện tích cam trồng theo tiêu chuẩn VietGAP có 536,77 ha. Thời điểm này, bà con trên địa bàn huyện tập trung thu hoạch một số giống cam chín sớm như cam lòng vàng, cam mát. Qua tìm hiểu, hiện giá cam lòng vàng bán tại vườn dao động từ 16.000 - 23.000 đồng/kg tùy từng loại; giá bán lẻ khoảng 30.000 đồng/kg.

Chị Phan Huế, tiểu thương buôn cam tại thị trấn Cao Phong chia sẻ: Thời tiết nắng hanh là yếu tố quan trọng giúp cam chín nhanh, nhu cầu tiêu thụ cam Cao Phong tại các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng tăng. Hiện, chúng tôi mua cam lòng vàng tại vườn với giá từ 20.000 - 23.000 đồng/kg cam đẹp. Trung bình mỗi ngày, tôi cắt từ 3 - 4 tạ cam lòng vàng để gửi đi Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Bình, Điện Biên. Để mở rộng thị trường tiêu thụ, tôi thường xuyên đăng bán cam trên các trang mạng xã hội facebook, zalo…

HTX Hà Phong, xã Bắc Phong là một trong những HTX tiên phong trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP. Niên vụ 2022 - 2023, HTX có 150 ha cam các loại cho thu hoạch, trong đó có 110 ha cam lòng vàng. Anh Dương Văn Cường, Phó Giám đốc HTX cho biết: Cuối tháng 10 đã có nhiều tư thương tới hỏi mua cam lòng vàng của HTX Hà Phong. Tuy nhiên, tư thương muốn cắt chọn những quả chín vàng trước nên HTX chưa đồng ý bán. HTX muốn để cam chín đều chất lượng đạt tiêu chuẩn và cắt xô cả cây sẽ giảm được chi phí thuê nhân công, thuận lợi hơn trong việc chăm sóc cam sau thu hoạch.

Với chất lượng thơm ngon, cam Cao Phong đã khẳng định được vị trí trên thị trường. Năm 2014, cam Cao Phong được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Năm 2016, Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Tuy nhiên, vài năm gần đây, trước những biến động của thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới giá bán cam Cao Phong. Bên cạnh đó, nhiều diện tích đã già cỗi, hết chu kỳ khai thác, ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng sản phẩm. Nhằm đảm bảo chất lượng, giữ vững uy tín thương hiệu "Cam Cao Phong”, huyện đang tích cực thực hiện tái canh cây cam với diện tích trồng mới giai đoạn 2022 - 2025 là 670 ha.

Song song với nâng cao chất lượng, huyện kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm Chỉ dẫn địa lý cam Cao Phong. Quan tâm tuyên truyền, phổ biến đến các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh sản phẩm cam quả sử dụng mẫu bao bì chung của huyện. Duy trì phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo chất lượng các loại cam lưu thông trên thị trường và khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm mang Chỉ dẫn địa lý. Tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong, không mang cam từ các địa phương khác về đội lốt cam Cao Phong bán với giá rẻ, làm ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm đặc trưng của huyện. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tham gia hội chợ để quảng bá, giới thiệu cam Cao Phong. Tăng cường tiêu thụ sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn và trên facebook, zalo…


Thu Thủy


Các tin khác


10 tháng, thu ngân sách Nhà nước ước đạt trên 3.874 tỷ đồng

(HBĐT) - Theo số liệu của Cục Thuế tỉnh, trong tháng 10, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh ước đạt 415 tỷ đồng; lũy kế 10 tháng năm 2022, số thu ngân sách Nhà nước ước đạt 3.874,4 tỷ đồng, đạt 108,2% dự toán Chính phủ giao, đạt 63,6% dự toán HĐND tỉnh, bằng 116,2% so với cùng kỳ năm 2021.

Xây dựng hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất hàng Việt

Vượt qua hàng loạt khó khăn từ dịch Covid-19 cũng như biến động của chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng trưởng bán lẻ hàng hóa của nền kinh tế Việt Nam những năm qua vẫn luôn được duy trì vững chắc, là kết quả phát huy từ Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động 13 năm trước.

Huyện Tân Lạc hỗ trợ nguồn sinh kế bền vững cho hộ nghèo

(HBĐT) - Đồng chí Lê Chí Huyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc cho biết: Sau giai đoạn 2016 - 2020, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hoá sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo bền vững (GNBV) tại các xã, xóm đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn huyện Tân Lạc tiếp tục duy trì hiệu quả. Cùng với những chính sách giảm nghèo khác, hoạt động hỗ trợ từ dự án đã từng bước cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập của người dân. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm còn 8,69%, bình quân thu nhập đầu người đạt 50 triệu đồng/năm.

Giải ngân trên 212 tỷ đồng vốn vay phục hồi và phát triển KT - XH

(HBĐT) - Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, đến 30/9/2022, toàn chi nhánh đã giải ngân trên 3.400 món vay với số tiền 212,3 tỷ đồng vốn vay phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ.

Vốn ưu đãi tạo lực đẩy cho vùng dân tộc thiểu số huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Những năm qua, vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã cải thiện đời sống của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Kim Bôi. Trong đó, có hàng nghìn hộ dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) đã vượt lên đói nghèo nhờ tín dụng ưu đãi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục