Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường tỉnh) kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn xã Toàn Sơn (Đà Bắc).
Trên cơ sở đề xuất khó khăn, vướng mắc của thương nhân kinh doanh xăng dầu, Sở Công Thương đã tổng hợp và có Văn bản số 2460/SCT-QLTM, ngày 8/11/2022 gửi Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đề xuất tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh. Qua đó, Vụ Thị trường trong nước đã liên hệ với thương nhân đầu mối đang cung cấp xăng dầu cho 2 thương nhân phân phối đóng trên địa bàn tỉnh (doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tuấn Khánh, DNTN Thành Long) và hỗ trợ nguồn cung xăng dầu để hệ thống cửa hàng bán lẻ xăng dầu của 2 thương nhân kinh doanh trở lại.
Ngày 15/11, Sở Công Thương phối hợp Cục Quản lý thị trường ký biên bản cam kết về đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với các thương nhân phân phối trên địa bàn tỉnh gồm: Chi nhánh Xăng dầu Hòa Bình, DNTN Thành Long, DNTN Tuấn Khánh, Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Phú Hưng. Theo đó, đã quán triệt tới các thương nhân phân phối các quy định của Nhà nước trong hoạt động kinh doanh xăng dầu, chủ động nguồn hàng, đảm bảo việc cung cấp đầy đủ nguồn cung xăng dầu, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu đối với các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và các cửa hàng/đại lý nhượng quyền bán lẻ xăng dầu đã ký hợp đồng; không vận chuyển, kinh doanh, buôn bán xăng dầu nhập lậu, giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; không thực hiện các hành vi đầu cơ, găm hàng nhằm thu lợi bất hợp pháp.
Đồng chí Phạm Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở đã thành lập các tổ công tác phối hợp Cục Quản lý thị trường, UBND các huyện, thành phố rà soát, nắm bắt tình hình kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh; liên hệ, chỉ đạo các thương nhân phân phối xăng dầu có giải pháp, phương án bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng bán lẻ để đáp ứng nhu cầu. Tham mưu UBND tỉnh ra văn bản gửi Bộ Công Thương đề nghị tháo gỡ khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu... Từ các giải pháp trên, tình hình cung ứng xăng dầu trên địa bàn tỉnh đã ổn định trở lại.
Cũng theo lãnh đạo Sở Công Thương, trong thời gian tới, Sở tiếp tục đồng hành, chia sẻ, lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để hỗ trợ, trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tăng cường phối hợp với các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thành phố bám sát chỉ đạo, điều hành của Bộ Công Thương về tình hình xăng dầu để tiếp tục chỉ đạo, động viên các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có phương án bảo đảm nguồn cung; duy trì việc cung ứng xăng dầu trong hệ thống phân phối của doanh nghiệp; chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối cho các đại lý và cửa hàng bán lẻ xăng dầu một cách hợp lý, đảm bảo phục vụ cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân, doanh nghiệp.
Tiếp tục phối hợp Cục Quản lý thị trường và các cơ quan có liên quan triển khai Kế hoạch số 69/KH-BCĐ, ngày 14/3/2022 của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh là: Chủ động, quyết liệt trong công tác điều hành cân đối cung - cầu thị trường xăng dầu, tập trung nắm bắt diễn biến giá cả, dự báo sát tình hình cung ứng, nhu cầu sử dụng sản phẩm xăng dầu; kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống kinh doanh xăng dầu trên địa bàn về nguồn cung, trong đó tập trung vào nhóm các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật; cương quyết áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định; kiến nghị thu hồi giấy phép và giám sát chặt chẽ các cửa hàng đã bị thu hồi giấy phép. Tăng cường công tác quản lý địa bàn, thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đơn vị kinh doanh xăng dầu, phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương kịp thời phát hiện, ngăn chặn, kiên quyết xử lý nghiêm hành vi găm hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng dầu; không hoặc ngừng bán hàng, cắt giảm thời gian bán hàng, giảm lượng hàng bán ra mà không có lý do chính đáng và các vi phạm quy định về giá bán lẻ xăng dầu.
Đinh Thắng