Năm 2022, chỉ số thành phần về chi phí thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ pháp luật đã tăng nhẹ. Ảnh: Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND TP Hoà Bình được đầu tư đáp ứng nhu cầu giao dịch của doanh nghiệp và người dân.
DDCI các huyện, thành phố được đánh giá theo 9 chỉ số thành phần (CSTP) gồm: Gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép; tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng; chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa; tính năng động; chi phí thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ pháp luật; chi phí không chính thức; hỗ trợ SX-KD; hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tiếp cận đất đai. Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Truyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh, khảo sát DDCI tại tỉnh Hoà Bình năm 2022 do Economica Việt Nam thực hiện trên cơ sở tổng hợp ý kiến của 1.534 phiếu điều tra, trong đó có 893 ý kiến của các cơ sở SX-KD cấp huyện, chủ yếu là hộ kinh doanh và 641 phiếu từ chủ DN, HTX khảo sát DDCI đối với các sở, ngành.
Ông Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho biết: Qua phân tích các phiếu khảo sát cho thấy, 82,89% DN/HTX cho rằng môi trường kinh doanh của tỉnh có cải thiện đáng ghi nhận; 60,86% ý kiến mong muốn các cải cách tích cực hơn nữa. Đây là bước tiến tích cực so với năm trước, cho thấy tín hiệu môi trường kinh doanh của tỉnh Hòa Bình có nhiều cải thiện.
Cụ thể, đối với chỉ số năng lực cạnh tranh cấp huyện, với thang điểm tối đa 100 điểm, có 1 địa phương thuộc nhóm tốt (từ 80 điểm trở lên) là huyện Yên Thủy với 85,54 điểm; 8 huyện, thành phố thuộc nhóm khá (điểm trung bình từ 70 - 80 điểm) và huyện Cao Phong thuộc nhóm trung bình khá (từ 60 - 70 điểm) với tổng điểm 69,19 điểm. Đối với các sở, ngành, qua kết quả đánh giá, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh đứng đầu bảng xếp hạng DDCI với tổng điểm 80,04 điểm; vị trí thứ 2 là BHXH tỉnh với 78,58 điểm; vị trí thứ 3 thuộc về Sở KH&ĐT với 77,94 điểm.
Phân tích các CSTP DDCI của tỉnh năm 2022 cho thấy, đối với các sở, ngành, CSTP về chi phí không chính thức đạt điểm số cao nhất với mức điểm trung bình là 8,1 điểm (năm 2021 là 7,94 điểm). Thực tế chi phí không chính thức được xem là lực cản trong nâng cao năng lực cạnh trạnh ở nhiều địa phương, trong đó có Hòa Bình với tỷ lệ 69,96% tồn tại chi phí không chính thức. Với việc tăng điểm số chi phí không chính thức lên 8,1% cho thấy, tỉnh đã có bước tiến đáng kể trong giảm chi phí không chính thức. Ngoài ra, có 6/9 CSTP giữ ổn định và tăng so với năm 2021 như: chỉ số chi phí thực hiện thủ tục hành chính và tuân thủ pháp luật; chỉ số về tính năng động và tiên phong; chất lượng dịch vụ công và bộ phận một cửa; tính minh bạch trong tiếp cận thông tin và đối xử công bằng; hiệu lực thực thi pháp luật, thiết chế và ANTT; tiếp cận đất đai.
Đối với DDCI sở, ngành đã có sự tăng lên của điểm số trung bình chung. So với năm 2021, điểm số trung bình trung của các sở, ngành đạt 77,80 điểm, tăng 2,26 điểm. Trong đó, 9/26 sở, ngành được đánh giá tăng điểm. Bảng DDCI cũng có sự phân biệt rõ ràng hơn ở 3 nhóm tốt, khá và trung bình khá. Khoảng cách chênh lệch điểm số có phần kéo giãn, từ vị trí thứ nhất và vị trí cuối trong bảng xếp hạng cách nhau 10,04 điểm.
Theo chị Lê Quỳnh Chi, nhóm khảo sát thuộc Econimica Việt Nam, từ bảng xếp hạng DDCI tỉnh cho thấy sự nỗ lực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh của các huyện, thành phố, các sở, ngành đã phần nào được cộng đồng DN trong tỉnh ghi nhận. Mặc dù vậy, điểm số tăng lên vẫn chưa đủ tạo cú huých cải cách hành chính mạnh mẽ. Đồng thời cũng phản ánh tốc độ cải cách không giống nhau giữa các huyện, thành phố, sở, ngành.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, nhiều CSTP không có sự chuyển biến đáng kể và thậm chí giảm điểm. Điều này cũng được thể hiện qua khảo sát cảm nhận về môi trường kinh doanh của các DN trên địa bàn. Cụ thể, 14,90% DN, HTX cho rằng quản lý điều hành tại tỉnh trong năm qua không có nhiều thay đổi và khoảng 2,22% DN, HTX vẫn đánh giá môi trường kinh doanh trong năm qua giảm và xấu đi chút ít. Đối với cấp huyện, thành phố, chỉ số gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép đều giảm điểm đáng kể so với năm 2021. Đây cũng là chỉ số duy nhất thuộc nhóm trung bình khá khi xem xét DDCI các huyện, thành phố.
Chị Lê Quỳnh Chi, Economica Việt Nam phân tích thêm: Có 4 huyện là Yên Thủy, Lương Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu có chỉ số gia nhập thị trường và hoạt động cấp phép ở mức khá, còn 6/10 huyện, thành phố đều ở mức trung bình khá. Đây là thách thức không nhỏ trong quản lý, điều hành, nhất là vấn đề liên quan đến niềm tin gia nhập thị trường. Cho thấy việc tạo điều kiện để các cơ sở SX-KD đi vào hoạt động tại các địa phương chưa được đánh giá cao. Trong đó, các chỉ tiêu thành phần về thời gian dành cho việc tìm hiểu thông tin về trình tự, thủ tục để đăng ký kinh doanh; số lần phải đi lại để thực hiện đăng ký kinh doanh đều giảm sâu.
Ngoài ra, chỉ tiêu về hỗ trợ SX-KD đạt 7,12 điểm, giảm 0,35 điểm so với năm trước đó và tiếp tục nằm trong 3 CSTP thấp nhất trong DDCI cấp huyện. Các cơ sở SX-KD đang kỳ vọng nhiều hơn vào các chương trình hỗ trợ của chính quyền. Trong đó, mức độ công khai, phổ biến rộng rãi các chương trình đến các cơ sở SX-KD tại hầu hết các địa phương còn thấp, dẫn đến các chương trình có phần chậm trễ, chưa tiếp cận được đúng đối tượng. Trong khi đó chất lượng các chương trình hỗ trợ chỉ đạt 6,95 điểm.
Đinh Hòa
(HBĐT) - Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (HĐQT NHCSXH) huyện Tân Lạc vừa tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023.