Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chủ trì hội nghị.
Đến hết 31/12/2022, tổng nguồn vốn chính sách trên địa bàn tỉnh đạt gần 4.200 tỷ đồng, tăng trên 560 tỷ đồng so năm 2021. Doanh số cho vay đạt hơn 1.400 tỷ đồng. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 34 nghìn lượt khách hàng được vay vốn đầu tư phát triển SX-KD, phục vụ đời sống. Trong đó trên 6,2 nghìn lượt hộ nghèo, 4,2 nghìn lượt hộ cận nghèo, trên 1,6 nghìn lượt hộ mới thoát nghèo được vay vốn; tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho trên 8 nghìn lao động; xây mới, nâng cấp 9,2 nghìn công trình nước sạch và 8,9 nghìn công trình vệ sinh tại vùng nông thôn. Qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 12,29%; hộ cận nghèo còn 10,03%.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận, thống nhất giải pháp, nhiệm vụ năm 2023. Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2023, nguồn vốn dự kiến tăng 10% so với năm 2022;dư nợ tăng trưởng 10%; giữ vững chất lượng tín dụng; duy trì tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh dưới 0,1%.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh:Năm 2023, dự báo tình hình kinh tế tiếp tục gặp khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác tín dụng chính sách của tỉnh. Do vậy, các sở, ngành, tổ chức CT-XH, các địa phương tập trung thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích, tránh trục lợi chính sách.Đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi đến các đối tượng, nhất là các chính sách cho vay mới.Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động tín dụng CSXH, chú trọng chất lượng các cuộc kiểm tra.Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng trên địa bàn.
Viết Đào