(HBĐT) - Vẫn là gà bản địa, cá sông Đà, cây ăn quả có múi, măng, mía tím... những nông sản đặc trưng, tiêu biểu của các địa phương trong tỉnh. Song, kể từ khi các doanh nghiệp, HTX, người dân bắt tay sản xuất theo các quy trình bảo đảm an toàn thực phẩm như VietGAP, hữu cơ thì giá trị nông sản của tỉnh ngày càng được nâng cao, người tiêu dùng tin tưởng, thị trường tiêu thụ mở rộng. Với "tấm vé thông hành” là các sản phẩm được chứng nhận hữu cơ, VietGAP, đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu, những người sản xuất trên đất Mường đang có thêm cơ hội, điều kiện thực hiện khát vọng đưa nông sản Hòa Bình vươn ra thị trường lớn trong nước và thế giới.


Nguyên liệu dùng trong chế biến sản phẩm được chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Trung Việt Nam tại Hoà Bình chọn lọc kỹ, sản phẩm được sản xuất theo quy trình khép kín, đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của các nước EU. 

Lấy thế mạnh để xây dựng thương hiệu sản phẩm

Về thăm vùng nhãn Sơn Thủy, xã Xuân Thủy (Kim Bôi), bà con đang tập trung chăm sóc cây trồng, tỉ mỉ kiểm tra từng gốc cây, cành lá với niềm tin vụ thu hoạch sau sẽ bội thu và nhanh chóng "cháy hàng". Nhớ lại ngày lô sản phẩm nhãn đầu tiên của xã được xuất khẩu sang thị trường EU, nông dân Xuân Thủy vẫn tự hào, phấn khởi khi sự hỗ trợ, phối hợp của các ngành, địa phương và sự nỗ lực trong sản xuất của những người trồng nhãn đã mang về thành quả lớn. Ông Bùi Văn Lực, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy cho biết: Cây nhãn "bén duyên” với đồng đất Sơn Thủy từ năm 1989. Từ diện tích trồng thử 1,2 ha, đến nay, toàn xã mở rộng diện tích lên gần 200 ha, riêng HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thủy có 34 ha. Nông dân chăm sóc theo quy trình VietGAP. Sau vụ thu hoạch, bà con lại cắt tỉa cành lá gọn gàng, bón phân hữu cơ, bảo đảm dinh dưỡng nuôi hoa, quả. Trong quá trình chăm sóc, các hộ ghi chép cẩn thận, đúng quy trình, thời gian để sản phẩm khi thu hoạch đảm bảo các yêu cầu về ATTP và cả yêu cầu của nước nhập khẩu. Từ năm 2016, nhãn Sơn Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Tiếp đó là hàng loạt chứng nhận được cấp về ATTP, VietGAP, OCOP đã giúp thương hiệu nhãn Sơn Thủy vươn xa hơn đến các thị trường trong và ngoài nước.

Cuối tháng 11/2022, trên 7 tấn bưởi đỏ Tân Lạc đầu tiên đã xuất sang thị trường Anh quốc. Đây là thành quả từ sự nỗ lực, bền bỉ của người nông dân, sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn và đồng hành của doanh nghiệp. Đồng thời, cũng là minh chứng rõ nét khẳng định chất lượng, vị thế và chỗ đứng của nông sản trong tỉnh ngày càng nâng lên. 

Đồng chí Bùi Văn Hiển, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Lạc chia sẻ: Để bưởi đỏ Tân Lạc trở thành sản phẩm hàng hóa đặc trưng riêng biệt, mang thương hiệu của huyện là một câu chuyện dài. Theo đó, dựa trên những lợi thế sẵn có về đất đai, khí hậu, nhân lực, mỗi đơn vị sản xuất, HTX trồng bưởi trên địa bàn coi trọng áp dụng các quy trình sản xuất, phương thức kinh doanh hiện đại, tiện lợi để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng thị trường tiêu thụ. Đến nay, huyện có 240 ha bưởi đỏ được chứng nhận VietGAP, hữu cơ. Đặc biệt, có 6 mã số vùng trồng theo tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường EU được cấp cho 140 ha bưởi đỏ trồng tập trung. Các vùng trồng được giám sát nghiêm ngặt về dịch bệnh và canh tác của người sản xuất. Sản phẩm cũng được cơ quan Kiểm dịch thực vật Việt Nam công nhận không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu. Vì vậy, huyện tin tưởng sẽ tiếp tục có những chuyến hàng đưa loại quả đặc sản của vùng Mường Bi tới thị trường nước ngoài.

Những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh chuyển biến tích cực. Nhiều sản phẩm nông, lâm, thủy sản được chế biến và xuất khẩu. Đặc biệt, từ việc cấp 21 mã số vùng trồng cho tổng diện tích canh tác 168,7 ha và sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã mở ra cơ hội xuất khẩu nông sản của tỉnh sang những thị trường lớn như: Mỹ, Nhật Bản, EU... Tiếp nối thành quả của năm 2021, toàn tỉnh đã xuất khẩu chính ngạch nhiều sản phẩm sang thị trường Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước châu Âu, điển hình như xuất khẩu gừng, ớt, rau, củ, quả muối, mía tím, bưởi, cháo sen Bát Bảo, một số sản phẩm chè, măng, miến, phở khô... Đến hết năm 2022, theo số liệu của Sở NN&PTNT, tỉnh đã xuất khẩu đạt 1.029 tấn sản phẩm, gồm chuối, nhãn, bưởi, mía sang thị trường các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và châu Âu; xuất khẩu 975 tấn sản phẩm đã qua chế biến là măng, gừng... và 35 triệu lon sản phẩm chế biến từ các loại hạt sang thị trường các nước: Nhật Bản, Trung Quốc, Hà Lan, Hàn Quốc và thị trường một số nước EU.

Đồng chí Nguyễn Hữu Tài, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh cho biết: Những năm gần đây, với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương; thay đổi tư duy sản xuất của nông dân; sự tham gia kịp thời của các sàn thương mại điện tử trong việc đào tạo, tập huấn cho các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tiếp cận công nghệ thông tin, kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số... đã thúc đẩy xuất khẩu nông sản của tỉnh. Các sản phẩm ngày càng đa dạng, phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu. Hiện, toàn tỉnh có 123 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, hình thành trên 100 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần tạo liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất và doanh nghiệp để sản xuất hàng hóa gắn với thị trường, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. 

Tiếp tục nắm bắt cơ hội, nâng cao giá trị sản phẩm 


Năm 2022, sản phẩm bưởi đỏ Tân Lạc được xuất khẩu sang thị trường Anh quốc. 

Hiện, Việt Nam đã ký hàng loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, trong đó có Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) là một FTA thế hệ mới giữa Việt Nam và 28 nước thành viên EU. Những hiệp định này mở ra cơ hội lớn để nông sản Việt Nam xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Nắm bắt cơ hội này, để sản xuất nông nghiệp của tỉnh thực sự bền vững trong giai đoạn phát triển mới, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra phương châm phát triển kinh tế nhanh, bền vững; xanh, xanh hơn và xanh hơn nữa. Phát triển trên 4 trụ cột, trong đó nông nghiệp được xác định là nền tảng nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của tỉnh để cung cấp lương thực, thực phẩm cho các thị trường trong nước và vươn tới xuất khẩu. 

Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: Với các mặt hàng nông sản phong phú, đa dạng, chất lượng tốt, điều kiện đất đai, khí hậu thuận lợi... Hòa Bình hoàn toàn đủ khả năng để xây dựng vùng nguyên liệu trồng trọt phục vụ công nghiệp chế biến theo lộ trình bài bản. Vì vậy, để tận dụng được cơ hội, cùng với nhiều giải pháp đã, đang được các cấp, ngành, địa phương thực hiện, ngành Nông nghiệp đang nỗ lực trong việc kết nối giữa các địa phương và doanh nghiệp, HTX; cải thiện, nâng cao chất lượng nhóm nông sản chủ lực trong các công đoạn (sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm); khuyến khích các doanh nghiệp, HTX và hộ dân đầu tư vào sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản với quy mô công nghiệp; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung đối với các sản phẩm tiềm năng và lợi thế phục vụ công nghiệp chế biến, xuất khẩu...


Thu Hằng



Các tin khác


Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

500 đoàn viên, người lao động tham dự hội chợ việc làm huyện Đà Bắc

Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hoà Bình, UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội chợ việc làm. 500 đoàn viên thanh viên, người lao động đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham dự.

Giá vàng sáng 21/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 21/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Tập huấn triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”

Ngày 19/4, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”; hướng dẫn xây dựng dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục