(HBĐT) - Năm Quý Mão đã cận kề. Giữ lời hẹn với lãnh đạo xã và khát vọng của người cầm bút, tôi lại hăm hở trở về xã Mông Hóa, quê hương của hai cụ Tổng Kiêm và Đốc Bang - người đứng đầu cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xưa kia.
Đầu năm 2019, UBND tỉnh đã có quyết định xếp hạng "Khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910” huyện Kỳ Sơn (nay là TP Hòa Bình), tỉnh Hòa Bình là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Công ty CP tre gỗ Hải Hiền, khu công nghiệp Bình Phú, xã Mông Hóa (TP Hòa Bình) giải quyết việc làm ổn định cho hàng trăm lao động địa phương, đóng góp tích cực vào giá trị xuất khẩu của tỉnh. Ảnh: P.V
Cuối năm 2021, UBND thành phố Hòa Bình đã có quyết định phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở hạ tầng để lập hồ sơ khoa học công nhận xếp hạng Di tích cấp quốc gia khu căn cứ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang năm 1909-1910 xã Mông Hóa, TP Hòa Bình. Theo tiến độ trong đề án thì đến tháng 11/2024 phải xong hồ sơ, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để Nhà nước công nhận là Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Với kinh phí gần 50 tỷ đồng và nhiều hạng mục công trình nên cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành ở địa phương và thân nhân hai cụ.
Theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTV QH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng với sáp nhập huyện Kỳ Sơn với thành phố Hòa Bình là sáp nhập xã Dân Hòa vào xã Mông Hóa cũ thành xã Mông Hóa ngày nay. Xã trở thành quê hương chung của hai cụ Tổng Kiêm - Đốc Bang. Mông Hóa có diện tích tự nhiên 4.386 ha, dân số 8.076 người, quy hoạch một khu công nghiệp rộng 225 ha và một cụm công nghiệp 68 ha. Hiện có trên 60 dự án đã và đang hoạt động với 45 dự án có hiệu quả rõ rệt.
Mông Hóa là địa phương có nhiều tuyến giao thông đi qua, người xe tấp nập; các nhà xưởng hoạt động hối hả ngày đêm. Để đẩy mạnh phát triển nhanh và bền vững cho khu công nghiệp này, vừa qua nơi đây đã có mặt nhà đầu tư kết cấu hạ tầng là Tập đoàn Phú Mỹ. Theo đó, UBND tỉnh có quyết định đổi tên khu công nghiệp Mông Hóa thành khu công nghiệp Bình Phú. Nhớ lại cuối những năm 90 của thế kỷ trước, khi xây dựng khu công nghiệp Lương Sơn ngày nay, hiện là khu công nghiệp duy nhất trong tỉnh có tỷ lệ lấp đầy 100% diện tích. Do còn bỡ ngỡ, thiếu kinh nghiệm, thiếu nhà đầu tư hạ tầng nên đã chậm đưa khu công nghiệp vào hoạt động đến nửa thập niên. Chắc rằng thời gian tới, cơ sở hạ tầng của khu công nghiệp Bình Phú sẽ có bước phát triển mới, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh (nhất là các dự án công nghệ cao, sản phẩm có sức cạnh tranh lớn, không gây ô nhiễm môi trường) tìm đến, sớm lấp đầy mặt bằng khu.
Trong xu thế hội nhập, đổi mới (đặc biệt là về kinh tế) ngày nay, các địa phương miền núi có nhiều bất lợi, nhất là xa các sân bay, cảng biển, thành phố lớn, lại bị chia cắt bởi đồi núi, sông suối. Tỉnh Hòa Bình nằm trong thế bất lợi đó, song tỉnh lại có ưu thế là gần Thủ đô Hà Nội, do vậy việc kết nối giao thông các vùng trong tỉnh là rất cấp thiết. Năm 2022, Hội đồng nhân dân tỉnh đã có Nghị quyết số 440/NQ-HĐND "về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu)”. Xã Mông Hóa là điểm khởi đầu để thực hiện dự án này. Với 32 km đường kết nối vùng huyện Kỳ Sơn cũ với trung tâm huyện Kim Bôi và 7 km đường sẽ kết nối với tuyến cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (Sơn La).
Ông Nguyễn Văn Phú, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Để thi công tuyến đường, xã phải di dời và tái định cư cho 81 hộ dân. Nhận thức được tầm quan trọng của dự án, nhân dân trong xã rất vui mừng, ủng hộ chủ trương này. Từ sự kết nối giao thông qua dự án, dần sẽ mở ra mối giao thương, dịch chuyển lao động các huyện trong tỉnh và các tỉnh, thành phố lân cận như: Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Sơn La… được tốt hơn. Tất yếu việc tái định cư nhiều hộ dân sẽ kéo theo việc di dời các công trình dân sinh khác như nhà văn hóa thôn bản, khu nghĩa trang…
Mông Hóa ngày càng trở thành nơi "đất lành chim đậu”. Nơi đây đã có 4 dự án nghỉ dưỡng đi vào hoạt động, đó là HaSu, Sakuna, OnSen, INT. Những ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần thu hút rất đông du khách đến thăm quan, nghỉ dưỡng. Chợ Bãi Nai kẻ mua, người bán ngày càng đông đúc, tấp nập. Đúng là "Đường 6 vắt ngang khu công nghiệp/ Đầm Lấm bây giờ lối dọc ngang/ Nhà nghỉ cuối tuần người đến ở/ Chẳng còn hiu quạnh một Luống Hang/ Cày bừa mấy năm nằm một chỗ/ Nhà thêm gian nữa - ngủ sau ca…” (Dưới chân núi Viên Nam - thơ Đinh Đăng Lượng). Một sự chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ, du lịch; "li nông nhưng không li hương” đang diễn ra trên quê hương hai cụ Tổng Kiêm - Đốc Bang.
Những hộ dân quê vùng bãi sông Hồng huyện Thường Tín, TP Hà Nội lên định cư nhiều năm đã di thực giống đào bích lên đất xóm Luống Hang (nay là Nước Hang) hối hả chăm chút những gốc đào đẹp nhất để giao cho khách hàng chơi Tết Quý Mão. Trên lưng chừng núi Viên Nam, hòn đá Chồng Mâm cao 3 m, đường kính 2 m, thuộc xóm Đồng Giang, cách 3 km về phía Đông Bắc trên đỉnh núi là nơi tế cờ của nghĩa quân Tổng Kiêm - Đốc Bang xưa, ẩn hiện giữa gió mưa, mây trắng bao đời. Như mời gọi bàn tay cháu con ngày nay tôn tạo, để khu căn cứ chống thực dân Pháp của hai cụ sớm trở thành khu du lịch thu hút khách thập phương tới thăm quan, thưởng lãm.
Ngày ấy, từ trên núi Viên Nam, du khách sẽ phóng tầm mắt ngắm lại vóc dáng của xã Mông Hóa, nơi mà hậu duệ hai cụ Tổng Kiêm - Đốc Bang đang tiếp bước Mụ Dạ Dần xưa trong Đẻ đất - Đẻ nước sắp xếp, xây dựng quê hương nhằm góp phần làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Bút ký của Đinh Đăng Lượng
Đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt hoạt động thanh toán trực tuyến (online) thông suốt dịp Tết Nguyên đán là vấn đề được ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm.
(HBĐT) - Xuân chạm ngõ, lan toả khắp đất trời, không gian và lòng người. Từ thành phố đến những bản làng xa xôi ngập tràn không khí xuân về. Xuân này, điểm lại những gì đã làm được sau 1 năm cố gắng để phấn đấu cho cuộc sống thêm tốt đẹp, bình an, hạnh phúc.
(HBĐT) - Là một trong bốn khâu đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, công tác quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò quan trọng trong định hướng không gian phát triển của tỉnh hướng về Vùng Thủ đô, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
(HBĐT) - Ngổ Luông là xã vùng cao của huyện Tân Lạc, cách trung tâm huyện 30 km. Cùng với chú trọng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, xã có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, góp phần phát triển KT-XH địa phương.
(HBĐT) - Đầu tháng 1 này, lô hàng nông sản đầu tiên của tỉnh trong năm 2023 đã được xuất khẩu, cũng là lô hàng cam Cao Phong đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Vương quốc Anh. Sự kiện đánh dấu sau hơn 40 năm (kể từ năm 1980), quả cam Cao Phong lại được vươn ra thị trường thế giới.
(HBĐT) - Theo chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến cuối năm 2022, tổng nguồn vốn hoạt động của các chi nhánh ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn đạt 38.804 tỷ đồng, tăng 5.265 tỷ đồng, tương đương 15,7% so với cuối năm 2021; trong đó, vốn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 29.318 tỷ đồng, tăng 3.270 tỷ đồng, tương đương 12,6% so với cuối năm 2021. Tiền gửi tiết kiệm từ dân cư chiếm tỷ trọng 73% trong nguồn vốn huy động.