(HBĐT) - Trải qua nhiều thăng trầm, các làng nghề, làng nghề truyền thống (LNTT) lâu đời của tỉnh như làng nghề dệt thổ cẩm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu; rượu Mai Hạ, xã Mai Hạ (Mai Châu); làng nghề chế tác đá cảnh thôn Sỏi, xã Phú Thành (Lạc Thủy); chế tác gỗ lũa, xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn)… được bảo tồn và phát triển. Mỗi khi Tết đến, xuân về, không khí lao động của bà con trong làng nghề nhộn nhịp, khẩn trương.
100% sản phẩm thổ cẩm của làng nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu, xã Chiềng Châu (Mai Châu) được dệt thủ công.
Đến làng nghề dệt thổ cẩm xóm Chiềng Châu, chúng tôi được chứng kiến các cô gái Thái miệt mài bên khung cửi. Qua đôi tay khéo léo, từng sợi chỉ được đan xen rực rỡ, tạo nên những tấm thổ cẩm mang giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Thái. Người con gái Thái từ thuở lên 10 đã học các bà, các mẹ dệt thổ cẩm, họ chính là hạt nhân tạo nên sức sống mãnh liệt của nghề dệt truyền thống. Theo thời gian, nghề dệt truyền thống của người Thái được bà con xóm Chiềng Châu giữ gìn, phát triển và trở thành nghề chính của phụ nữ. Chị Vì Thị Oanh, Phó Giám đốc HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu dành tình yêu, niềm đam mê cháy bỏng đối với nghề dệt. Chị không sợ thất bại, không sợ khó khăn, bôn ba khắp mọi miền đất nước để tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình.
Chị Oanh chia sẻ: Từ đầu tháng 11 năm trước, các sản phẩm thổ cẩm của HTX dệt thổ cẩm và dịch vụ Chiềng Châu gần như hết hàng. Để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, chúng tôi phải huy động chị em làm thêm giờ. Cùng với đó, HTX liên kết với các hộ trong làng nghề nhằm đáp ứng lượng hàng phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Đặc biệt năm nay ngành du lịch phục hồi, dự báo lượng khách trong nước và quốc tế đến với bản Lác Mai Châu sẽ tăng, nhu cầu mua các sản phẩm từ thổ cẩm truyền thống sẽ tăng theo.
Cùng với nghề dệt truyền thống, Mai Châu còn nổi tiếng với làng nghề nấu rượu Mai Hạ. Thời điểm cuối năm, không khí lao động tại xóm Chiềng Hạ - nơi khởi nguồn của rượu Mai Hạ tất bật, hối hả. Mọi người cẩn thận mở nắp từng chiếc chum ủ rượu để đóng chai, dán tem nhãn, từng chai rượu được đóng trong hộp sang trọng để gửi đi Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh phục vụ Tết Nguyên đán.
Các cơ sở sản xuất trong làng nghề chế tác gỗ lũa, xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) sáng tạo nhiều sản phẩm mới phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Theo chia sẻ của bà con trong xóm, họ không biết nghề nấu rượu có từ bao giờ, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau bảo tồn nghề nấu rượu truyền thống của cha ông. Bản sắc dân tộc là yếu tố then chốt làm nên thương hiệu rượu Mai Hạ. Men để nấu rượu là các loại lá cây do người dân tự hái, gồm hơn chục loại lá khác nhau như: riềng dại, gừng, ổi, hồng bì, bưởi... được rửa sạch, phơi khô, giã nhỏ thành bột rồi trộn với bột gạo và bột sắn làm men. Tỷ lệ các loại lá phải đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn thì hương vị, độ đậm của rượu mới thơm ngon. Cùng với sự độc đáo của men, bà con nơi đây sử dụng sắn để nấu rượu chứ không dùng gạo. Sắn được phơi khô, đập nhỏ ngâm vào nước, sau đó vò và đãi sạch rồi trộn đều với trấu gạo, đem đồ chín. Khi sắn đã đồ chín, hong đều ra các nia, mẹt để nguội ủ với men, sau đó cho vào chum sành ủ khoảng 1 tháng thì mang ra chưng cất.
Ông Ngần Văn Hùng, Bí thư chi bộ xóm Chiềng Hạ phấn khởi: Hầu hết tất cả các hộ trong xóm Chiềng Hạ đều giữ gìn nghề truyền thống. Rượu Mai Hạ là món quà biếu không thể thiếu của người dân trong xã dành cho khách quý. Năm 2019, sản phẩm rượu Láu Siêu của hộ kinh doanh Vì Thị Tồn trong xóm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, đã góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm của làng nghề nấu rượu xóm Chiềng Hạ. Năm 2022, từ tháng 9, bà con trong làng nghề đã tất bật chuẩn bị nguyên liệu để nấu rượu phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão. Chỉ riêng hộ kinh doanh Vì Thị Tồn dự kiến cung cấp ra thị trường dịp Tết khoảng 6.000 - 7.000 lít rượu (gấp 1,5 lần so với năm trước).
Rời Mai Châu, chúng tôi tới làng nghề chế tác gỗ lũa, xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn). Có lẽ sau mấy năm ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến các mặt hàng gỗ lũa của làng nghề khó tiêu thụ; năm nay, niềm vui, sự hối hả trở lại trên những khuôn mặt của các nghệ nhân chế tác gỗ lũa. Năm 2022, 53 cơ sở sản xuất trong làng nghề xóm Đoàn Kết đã nhận được nhiều đơn hàng từ khắp mọi miền đất nước. Đặc biệt, từ tháng 8, các cơ sở tất bật sáng tạo tác phẩm để phục vụ đơn đặt hàng dịp Tết. Anh Đoàn Xuân Thành, Trưởng làng nghề cho biết: Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ hàng Tết của người dân tập trung vào hàng mỹ nghệ, gỗ lũa để trồng lan hồ điệp. Đối với các sản phẩm gỗ lũa sử dụng để trồng lan chơi Tết có giá từ 2 triệu đồng trở lên; các sản phẩm thủ công mỹ nghệ giá từ vài triệu tới vài trăm triệu đồng. Thị trường tiêu thụ của làng nghề chủ yếu ở trong nước. Làng nghề giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động thường xuyên. Một số cơ sở có thu nhập từ 600 -700 triệu đồng/năm từ nghề chế tác gỗ lũa như hộ các ông: Trần Xuân Thế, Trần Xuân Tú, Bạch Công Đức…
Hiện, toàn tỉnh có 11 làng nghề, LNTT được UBND tỉnh công nhận. Trong đó có 2 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản xuất chế biến (2 làng nghề nấu rượu); 7 LNTT thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, dệt may (1 LNTT mây tre đan và 6 LNTT dệt thổ cẩm); 2 làng nghề nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ (1 làng nghề chế tác đá cảnh, 1 làng nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh). Sự phát triển của làng nghề, LNTT gắn với sự phát triển của một số điểm du lịch như bản Lác - Mai Châu, Động Tiên - Lạc Thủy, hồ Hòa Bình… Du lịch tạo điều kiện thuận lợi để làng nghề quảng bá sản phẩm, tiếp cận với khách hàng. Nhờ vậy, các cơ sở sản xuất trong làng nghề, LNTT phát triển cả về số lượng, đa dạng về nghề; giá trị sản xuất và xuất khẩu không ngừng tăng qua các năm ở nhiều lĩnh vực như: dệt thổ cẩm, chế tác đá cảnh, gỗ lũa… Từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ mang tính truyền thống sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa với nhiều loại sản phẩm mới có chất lượng cao. Hiện, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề, LNTT, gồm: 4 HTX, 6 tổ hợp tác và 746 hộ. Làng nghề, LNTT giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động, trong đó có trên 700 lao động thường xuyên; doanh thu đạt 30,896 tỷ đồng; thu nhập từ 2 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Một mùa xuân nữa lại về, các làng nghề, LNTT lan tỏa hơi xuân đến với mọi nhà. Tấm thổ cẩm, con thú bông, chiếc giỏ đựng đồ từ mây tre đan hay những chai rượu sẽ là những món quà ý nghĩa tô điểm cho bức tranh xuân thêm đặc sắc.
Thủy Thu
Là một trong những ngành bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch COVID-19, ngành bán lẻ đang từng bước phục hồi và tăng trưởng trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam.
Đảm bảo an ninh, an toàn trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt hoạt động thanh toán trực tuyến (online) thông suốt dịp Tết Nguyên đán là vấn đề được ngành ngân hàng đặc biệt quan tâm.
(HBĐT) - Xuân chạm ngõ, lan toả khắp đất trời, không gian và lòng người. Từ thành phố đến những bản làng xa xôi ngập tràn không khí xuân về. Xuân này, điểm lại những gì đã làm được sau 1 năm cố gắng để phấn đấu cho cuộc sống thêm tốt đẹp, bình an, hạnh phúc.
(HBĐT) - Là một trong bốn khâu đột phá chiến lược thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, công tác quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 có vai trò quan trọng trong định hướng không gian phát triển của tỉnh hướng về Vùng Thủ đô, trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, thực hiện mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
(HBĐT) - Ngổ Luông là xã vùng cao của huyện Tân Lạc, cách trung tâm huyện 30 km. Cùng với chú trọng phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, không khí trong lành, nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, xã có tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, góp phần phát triển KT-XH địa phương.