Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam.


Dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID nhưng Việt Nam vẫn nằm trong tốp thu hút nhiều nguồn kiều hối. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2022, mặc dù lạm phát trên toàn cầu tăng, nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ nhưng lượng kiều hối chuyển về nước vẫn tiếp tục tăng mạnh, đưa Việt Nam trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất trên thế giới. Đáng chú ý, doanh số chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam qua ngân hàng vẫn duy trì ở mức tích cực nhờ các chính sách thu hút kiều hối tốt.

Nguồn lực khá dồi dào

Báo cáo về Di trú và Phát triển do World Bank và KNOMAD thực hiện nhận định trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế toàn cầu trong 2 năm vừa qua, đi kèm với lạm phát leo thang tại nhiều quốc gia, dòng kiều hối về Việt Nam vẫn khá ổn định so với các năm trước. Cụ thể, tổng lượng kiều hối về Việt Nam tăng trưởng gần 5% trong năm 2022và từ 3,6%-4,5% trong năm tiếp theo, sau khi ghi nhận mức tăng 5% trong năm 2021. Mức tăng này tương đương khoảng 1 tỷ USD và đạt gần 19 tỷ USD.

Với con số ấn tượng này, Việt Nam nằm trong tốp 3 quốc gia nhận tiền kiều hối nhiều nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thuộc tốp 10 quốc gia trên thế giới về nhận kiều hối.

Thành phố Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu về lượng kiều hối của cả nước. Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, lượng kiều hối đổ về thành phố năm nay dự báo đạt khoảng 6,8 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng của kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh năm nay tuy thấp hơn năm ngoái, nhưng vẫn là mức tốt.

Có thể thấy, đây là một nguồn thu ngoại tệ vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo cân đối cung-cầu ngoại tệ, góp phần quan trọng trong việc phát huy chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất trong bối cảnh áp lực tăng tỷ giá. Mặt khác, dòng kiều hối đổi về lớn là một tín hiệu tích cực về nguồn lực tài chính giúp Việt Nam có thể bù đắp, giảm thiểu sự ảnh hưởng của của suy thoái kinh tế đất nước.

Lãnh đạo các ngân hàng nhận định, lượng kiều hối về Việt Nam đã tăng mạnh trong những tháng cuối năm do yếu tố mùa vụ bởi cuối năm là thời điểm người Việt lao động ở nước ngoài, kiều bào gửi tiền về Việt Nam hỗ trợ người thân hoặc đầu tư, sản xuất kinh doanh.

Theo giới chuyên môn, những năm gần đây, lượng kiều hối chuyển về vào dịp Tết thường tăng khoảng 20%-25% so với các tháng trong năm.

Tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Hàng Hải (MSB) lượng kiều hối cuối năm tăng khoảng 30% so với các quý khác trong năm và ngân hàng luôn có các chương trình khuyến mại hấp dẫn để thu hút lượng tiền này.

Cụ thể, bà Nguyễn Hải Vân - Giám đốc Giải pháp phi tín dụng MSB, cho biết khi khách hàng nhận tiền kiều hối và thực hiện gửi tiết kiệm tại quầy sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi cao hơn so với khách hàng thông thường lên đến 0,5%. Nếu như khách hàng nhận tiền qua kênh truyền thống là Swift sẽ được miễn phí ghi có đồng thời khách hàng cũng sẽ được ưu đãi tỷ giá hơn so với khách hàng giao dịch bình thường nếu như khách hàng có nhu cầu bán lại ngoại tệ…

Trong khi đó, một số công ty hoạt động trong lĩnh vực kiều hối cho rằng số lượng kiều hối tăng lên những tháng cuối năm một phần đến từ sự phát triển các sản phẩm dịch vụ ngày càng đa dạng, cùng với đó là chi phí chuyển tiền cũng ở mức hợp lý hơn so với trước đây.

Bà Phạm Thị Thanh Nga (Hoàng Mai-Hà Nội) có con gái đang sinh sống ở Australia, năm 2022 làm ăn thuận lợi hơn nên con gái bà quyết định gửi 800.000 đô la Australia, tương đường gần 13 tỷ đồng về cho mẹ, với hy vọng số tiền này sẽ giúp ích được cho gia đình cũng như đầu tư ở quê hương.


Nhận được số tiền khá lớn con gái gửi về, bà Nga cho hay sẽ gửi tiết kiệm khoảng 1/2 vì hiện lãi suất đang ở mức cao, số còn lại bà sẽ đầu tư vào cửa hàng để kinh doanh… "Tiền con gái gửi về đúng dịt Tết khiến gia đình tôi rất vui mừng bởi có khoản vốn để đầu tư, cũng như gửi tiết kiệm để an tâm tuổi già,” bà Nga hồ hởi nói.

Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế

Đối với Việt Nam, kiều hối được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, nguồn kiều hối đạt mức kỷ lục trong năm 2022 có tác động rất tích cực đối với sự phát triển kinh tế, an sinh xã hội.

Bởi trước hết, kiều hối giúp Việt Nam ổn định và cân đối cán cân tài khoản vãng lai. Thứ hai, thông qua cân đối cán cân tài khoản vãng lai, cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam cũng ở trạng thái tích cực nhờ nguồn kiều hối này.

"Chính vì vậy, chúng ta có điều kiện để thực hiện các chính sách về ngoại hối, tỷ giá hối đoái và nhất là tăng dự trữ ngoại hối sẽ góp phần củng cố tiềm lực tài chính nói chung và tiềm lực tài chính đối ngoại nói riêng của Việt Nam trong năm 2022, làm cơ sở hoạch định chính sách ngoại hối cho các năm tiếp theo,” ông Ánh nhận định.

Các chuyên gia đánh giá tại Việt Nam, nếu so với nguồn thu từ xuất khẩu thì kiều hối là khá nhỏ, tuy nhiên nếu so với xuất khẩu ròng thì nguồn thu kiều hối lại lớn hơn rất nhiều lần, thậm chí nguồn thu kiều hối hiện đã tương đương và gần đây cao hơn so với nguồn vốn giải ngân FDI.

Cụ thể, tổng kiều hối từ năm 1993 (năm đầu tiên Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài) đến nay đạt hơn 200 tỷ USD so với khoảng 190 tỷ USD FDI được giải ngân từ năm 1986 đến nay. Trong giai đoạn hơn 10 năm (2011-2022), lượng kiều hối chuyển về Việt Nam có tỷ lệ tăng trung bình khoảng 7%/năm.

Có thể thấy, kết quả đóng góp vào nền kinh tế những năm qua phản ánh vai trò rất quan trọng của kiều hối cho nền kinh tế Việt Nam. Hiện nay, kiều hối chuyển về Việt Nam qua hai kênh chủ yếu là ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối.

Thời gian gần đây, việc mở rộng dịch vụ chuyển tiền 24/7 tại một số quốc gia cũng góp phần vào tăng trưởng kiều hối chi trả qua hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, chi phí cao hơn so với các dịch vụ chuyển tiền khác cũng tạo rào cản để dòng kiều hối về nước kém minh bạch và đầy đủ hơn.

Theo ghi nhận của các ngân hàng, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam ngày càng nhiều không chỉ giúp cho các ngân hàng gia tăng lợi nhuận từ hoạt động dịch vụ, mà còn phục vụ chính sách thu hút nguồn ngoại tệ cho Việt Nam, giúp ngành ngân hàng tăng dự trữ ngoại hối.

Theo TTXVN

Các tin khác


Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

3 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu tăng 36,39% so với cùng kỳ

Theo báo cáo của UBND tỉnh, kim ngạch xuất khẩu tháng 3 của tỉnh ước đạt 160,596 triệu USD, tăng 0,65% so với tháng trước; lũy kế 3 tháng đầu năm đạt 477,568 triệu USD, tăng 36,39% so với cùng kỳ, thực hiện 23,88% kế hoạch năm.

Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục