(HBĐT) - Tiến sỹ, nhà kinh tế học Lê Xuân Nghĩa từng nói "Dòng sông là cội nguồn tạo ra một thành phố”. Thực vậy, có lẽ ít miền quê nào trên đất nước Việt Nam không mang "trong lòng" một dòng sông.


Xây dựng tuyến phố đi bộ, chợ đêm Đà Giang dọc 2 bên ven sông Đà là điểm nhấn đô thị về đêm,
 tạo nét riêng cho thành phố Hòa Bình. Ảnh: T.L

Đối với mỗi người dân của TP Hoà Bình, sông Đà khi hung dữ vượt thác ghềnh, khi hiền hòa ôm ấp phố phường chính là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng. Không chỉ là một vùng ký ức tuyệt đẹp trong tuổi thơ mỗi người, là chứng tích của những thăng trầm lịch sử, sông Đà còn như dòng sông mẹ nuôi dưỡng bao thế hệ trên vùng đất này. Cách đây hơn 30 năm, công trình thuỷ điện Hoà Bình chính thức đi vào hoạt động, sông Đà đã trở thành một dòng sông ánh sáng, đưa điện đi khắp mọi miền Tổ quốc. Ngày nay, Hòa Bình đã và đang triển khai nhiều chương trình, đề án nhằm tiếp tục "đánh thức" dòng sông, trong đó có Đề án phát triển kinh tế đêm tại lưu vực sông Đà, TP Hoà Bình. 

Từ tiềm năng cảnh quan và bề dày văn hóa, lịch sử 

Ở khu vực thượng nguồn, lòng hồ sông Đà được ví như một "Hạ Long trên cạn" với những dãy núi đá vôi kỳ vĩ nổi trên mặt nước xanh thẳm. Nương mình theo vách núi là những bản làng người Mường, Dao, Thái bình yên. Thiên nhiên hùng vĩ, kết hợp với nét văn hoá độc đáo của cư dân bản địa đã tạo nên những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách. So với lòng hồ, khu vực hạ lưu sông Đà được khai thác muộn hơn nhưng không vì thế mà thiếu đi điểm nhấn thú vị.  Trong đó, không khó để nhận ra một trong những điểm "check in" yêu thích của nhiều bạn trẻ khi đến với TP Hoà Bình, đó là tuyến đê chạy dọc hai bên bờ sông Đà. Nơi đây là "thủ phủ" của những quán cà phê nổi tiếng có không gian thoáng đãng, view đẹp và đồ uống phong phú. 

Bạn Đinh Thị Thu Cúc, người con của mảnh đất Hoà Bình đã có gần chục năm sinh sống tại TP Đà Nẵng nhưng vẫn giữ cho mình thói quen trở về quê ăn Tết sau một năm làm việc vất vả. Cúc chia sẻ: Được đoàn tụ với gia đình, hưởng không khí se lạnh của mùa đông phương Bắc và dành những phút thư thả nhâm nhi tách cà phê ngắm dòng sông Đà, hàn huyên với bạn bè từ thuở thiếu thời chính là động lực để tôi háo hức trở về sau những tháng ngày làm việc nơi đất khách quê người. 

Nếu ban ngày là "phố cà phê" thì ban đêm, đê Đà Giang lại trở thành "phố ẩm thực" nhộn nhịp. Khoác trên mình vẻ đẹp lung linh của ánh điện phản chiếu từ công trình thuỷ điện Hoà Bình và trên 2 chiếc cầu bắc ngang dòng sông, phố ẩm thực đê Đà Giang là nơi hội tụ của rất nhiều bạn trẻ. Họ tìm đến đây sau một ngày làm việc vất vả, cùng nhau thưởng thức những món ăn hấp dẫn và phút giây thư giãn bên bạn bè. Chị Lê Hồng Vân, một người bạn đến từ Hà Nội cho biết: Hà Nội không thiếu những phố ẩm thực, nhưng phố ẩm thực ở đê Đà Giang thực sự đặc biệt. Thứ nhất, phố nằm ngay sát dòng sông Đà nổi tiếng, nên ngồi bất cứ khu vực nào đều cảm nhận được gió sông Đà. Thứ hai, đồ ăn rất phong phú, có cả hải sản tươi sống nhưng thích nhất là có rất nhiều món đặc sản truyền thống như cá sông Đà, gà đồi Lạc Sơn, rau đồ thẩm cẩm... đều rất ngon, "chuẩn" hương vị thực phẩm sạch. Thứ ba là người Hoà Bình hồn hậu, chất phác nên tôi rất ấn tượng. 

Tuy nhiên, để "đánh thức" dòng sông mẹ không chỉ có thế. Chia sẻ về điều này, đồng chí  Đỗ Thị Loan, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng TP Hoà Bình cho biết: Lợi thế lớn nhất chính là có công trình thuỷ điện sông Đà ngay trong lòng thành phố. Vào mùa xả lũ, công trình mang vẻ đẹp hùng vĩ đã thu hút du khách thăm quan từ mọi miền Tổ quốc. Cách đó không xa, có di tích lịch sử Nhà tù Hoà Bình, di tích thắng cảnh động Tiên Phi. Hơn nữa, là đô thị nhưng thành phố vẫn giữ được nhiều nét văn hoá đặc sắc của đồng bào dân tộc sinh sống trên vùng đất này. Văn hoá Chiêng gần như chưa mai một, các lễ hội Mường Trại, đình Ngòi... vẫn được duy trì hàng năm với nét văn hoá độc đáo. Đây chính là "nguồn lực" góp phần đáng kể khơi thông "dòng chảy" kinh tế vùng hạ lưu sông Đà thêm mạnh mẽ. 

"Thắp sáng" kinh tế đêm 

Kinh tế đêm đang là xu hướng tất yếu và sẽ là một trong những động lực thúc đẩy phát triển KT-XH. Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm của Việt Nam, với mục tiêu khai thác tiềm năng kinh tế ban đêm nhằm tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế mới, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân, đa dạng các hoạt động kinh tế... 


Đê Đà Giang, TP Hoà Bình đang được cải tạo, nâng cấp trở thành phố đi bộ ban đêm nhằm thu hút khách thăm quan du lịch. 

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, tháng 9/2022, UBND tỉnh Hoà Bình đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế đêm tại TP Hoà Bình, địa điểm là khu vực đê Đà Giang thuộc 2 phường Phương Lâm, Đồng Tiến. Ngay khi đề án được triển khai, người dân TP Hoà Bình rất phấn khởi, bởi với Đề án kinh tế đêm, dòng sông Đà ngàn đời hiền hoà ấp ôm thành phố tiếp tục được đánh thức bằng những giá trị bền vững khác. Đó là "thay áo mới", tô điểm cho dòng sông, biến đôi bờ lau lách xưa kia thành những cánh đồng hoa rực rỡ. Chính vì vậy, chỉ trong thời gian ngắn, toàn bộ mặt bằng triển khai thực hiện đề án được bàn giao cho đơn vị thi công gấp rút thực hiện. "Chúng tôi hy vọng, đón những cơn mưa xuân đầu tiên của năm mới, cũng là lúc những hạt hoa sẽ đầm trồi nảy lộc, rất nhanh thôi, khu vực này sẽ là một cánh đồng hoa bát ngát", đồng chí Nguyễn Tiến Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Tiến chia sẻ. 

Theo các chuyên gia về du lịch, ngoài lợi thế "dòng sông mẹ" và nền văn hoá đặc sắc, Hoà Bình cũng được chủ trương đầu tư dự án cao tốc Hoà Lạc - Hoà Bình, Hoà Bình - Mộc Châu, tạo nên tuyến trục cao tốc kết nối vùng Tây Bắc với vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, kết nối khu du lịch quốc gia Mộc Châu với khu du lịch quốc gia hồ Hoà Bình, đây sẽ là cơ hội để TP Hoà Bình phát triển mạnh mẽ, toàn diện. Và kinh tế ban đêm cũng chính là điểm nhấn không chỉ giúp thành phố đẩy nhanh phát triển kinh tế mà còn thúc đẩy xây dựng đô thị, là tiền đề để TP Hoà Bình thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2025. 


Phương Linh 

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục