(HBĐT) - Hai năm trước, cây gai xanh lần đầu tiên được trồng thử nghiệm ở huyện Đà Bắc với gần 20 hộ tham gia trồng, diện tích khoảng 8 ha. Đến nay, mô hình trồng gai xanh đem lại hiệu quả kinh tế khá, là hướng đi triển vọng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở huyện vùng cao này.
Sau hơn 2 năm đưa vào trồng, hiện cây gai xanh phát triển tốt tại xã Trung Thành (Đà Bắc).
Cây gai xanh được triển khai trồng trên địa bàn huyện Đà Bắc từ năm 2021, đến nay đã phát triển tại các xã: Trung Thành, Mường Chiềng, Đồng Chum, Yên Hòa, Cao Sơn, Đoàn Kết và Tú Lý, tổng diện tích trên 100 ha. Các hộ trồng gai xanh ký hợp đồng trực tiếp với HTX Dịch vụ nông nghiệp Hoà Bình (TP Hòa Bình), Công ty TNHH Gai xanh Hòa Bình (đơn vị đối tác của Công ty CP An Phước) để liên kết, tổ chức sản xuất, tiêu thụ, hỗ trợ kỹ thuật và giám sát chất lượng sản phẩm. Sau 2 năm, cây gai xanh đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực, cao hơn so với trồng ngô, sắn.
Trung Thành là xã đầu tiên của huyện Đà Bắc đưa cây gai xanh vào trồng thử nghiệm. Đồng chí Lường Thị Thơ, quyền Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện nay, cây gai xanh phát triển rất tốt, phù hợp với đồng đất. Toàn xã hiện có hơn 50 ha trồng gai xanh, tập trung ở các xóm: Trung Tằm, Bay và Búa. So với các cây trồng truyền thống thì cây gai xanh có nhiều ưu điểm, như chỉ trồng một lần, cây gai xanh cho thu hoạch liên tục trong 10 năm, hiệu quả kinh tế đem lại cao gấp nhiều lần so với trồng ngô. Ngoài ra, trồng gai xanh góp phần bảo vệ môi trường vì hạn chế sử dụng thuốc trừ cỏ.
Chúng tôi đến thăm vùng trồng gai xanh của xóm Trung Tằm với diện tích cả chục ha. Thời điểm này, khi thời tiết ấm dần, cây gai xanh phát triển tốt. Theo chia sẻ của người dân, sau 2 năm được trồng tại đất Trung Thành, cây gai xanh trở thành niềm hy vọng không chỉ giúp bà con xóa đói, giảm nghèo mà còn có thể làm giàu.
Gia đình chị Xa Thị Quý là một trong những hộ mới chuyển sang trồng cây gai xanh ở xóm Trung Tằm. Trước đây, gia đình chị Quý chỉ trồng ngô, hiệu quả kinh tế không cao. Nhận thấy một số hộ trong xóm trồng cây gai xanh có thu nhập khá ổn định, gia đình chị đã chuyển hơn 1.000 m2 đất trồng ngô sang trồng cây gai xanh. Chị Quý chia sẻ: "Trồng cây gai xanh đỡ vất vả hơn, đầu ra đã có doanh nghiệp tiêu thụ. Chúng tôi hy vọng mô hình này sẽ phát triển bền vững để người dân có thu nhập ổn định, không còn phải đi làm ăn xa nữa”.
Đồng chí Bùi Khắc Vinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đà Bắc cho biết: Phát triển cây gai xanh là giải pháp phù hợp cho người dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Loài cây này phù hợp với thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng của huyện. Bước đầu, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ cây gai xanh ở huyện Đà Bắc đúng hướng. Tuy nhiên, đây là cây trồng mới nên người dân còn tâm lý e ngại để mở rộng diện tích trồng. Chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển cho cây gai xanh, phần lớn nguồn lực do người dân và đối tác của công ty tự đầu tư nên việc đầu tư phân bón, máy móc phục vụ sản xuất còn hạn chế. Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền rộng rãi để người dân nắm được về lợi ích, hiệu quả kinh tế phát triển cây gai xanh. Phối hợp với công ty, HTX tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ người dân trong phát triển, mở rộng mô hình cây gai xanh.
Để phát triển cây gai xanh bền vững ở đất Đà Bắc, chính quyền và người dân nơi đây mong muốn nhận được sự hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất. Đẩy mạnh chuyển giao và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng. Có cơ chế, chính sách phát triển thị trường, tổ chức tốt hệ thống dịch vụ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân. Tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện hợp tác, đầu tư phát triển trồng cây gai xanh.
Viết Đào
Trong những năm qua, Ðảng, Nhà nước rất quan tâm và tích cực thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Qua đó, ban hành nhiều chính sách định hướng phát triển kinh tế theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng và hiệu quả đầu tư, chú trọng thu hút các dự án chất lượng cao. Tuy nhiên trên thực tế, ở Việt Nam, xu hướng phát triển kinh tế xanh mới chỉ đang ở xuất phát điểm.
(HBĐT) - Với tổng diện tích tự nhiên trên 58,7 nghìn ha, huyện Lạc Sơn có 24 đơn vị hành chính, trên 15 vạn dân, gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến hết năm 2022 là 19,32%, có 10 xã đã về đích nông thôn mới.
Tuy không thuộc vùng động lực của tỉnh nhưng huyện Lạc Sơn có những tiềm năng, lợi thế riêng để phát triển, như về giao thông có tuyến đường 12B đấu nối với quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh đi qua. Tiềm năng đất đai của huyện dồi dào, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%, hàng năm có gần 1.300 học sinh tốt nghiệp THPT tham gia vào lực lượng lao động.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, kết quả tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước quý I năm 2023 ước tính đạt 3,32% so cùng kỳ khẳng định chính sách quản lý và điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã từng bước phát huy hiệu quả.
(HBĐT) - Sáng 29/3, đoàn công tác Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) do ông Lee Sang Back, Tổng Giám đốc khu vực tư nhân tổ chức KOICA Hàn Quốc đã làm việc với UBND tỉnh về dự án Hợp tác công tư liên quan đến lĩnh vực giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng cộng thêm (REDD+). Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành.
(HBĐT) - Sau nhiều kỳ vọng sự ấm lên của thị trường tiêu thụ lợn, đến nay, giá lợn hơi vẫn chưa có dấu hiệu tăng, thậm chí tiếp tục đà giảm. Thời điểm này, sau mỗi lứa lợn bán ra, thứ mà người nông dân thu lại là những hẫng hụt, trăn trở...
(HBĐT) - Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt, nhằm giúp cơ quan chức năng và người tiêu dùng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xác định quy trình sản xuất của nông sản. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để nông sản được xuất khẩu theo đường chính ngạch. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành NN&PTNT và các địa phương trong tỉnh đã chủ động, tích cực hướng dẫn người dân xây dựng MSVT.