(HBĐT) - Cuối tháng 3 vừa qua, trên 17 tấn mía trắng đầu tiên của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Mỹ - một trong những thị trường khó tính trên thế giới. Đơn hàng này một lần nữa cho thấy kỳ vọng xuất khẩu sản phẩm mía Hòa Bình ngày càng rộng mở.
Chuyến container mía trắng đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường Mỹ là kết quả sau gần 6 tháng đàm phán giữa các bên về điều khoản hợp đồng và sự tiếp tục hỗ trợ của Sở NN&PTNT, Cục Bảo vệ thực vật để tháo gỡ vướng mắc về các yêu cầu kỹ thuật. Mía trắng do Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình) trực tiếp thu mua, sơ chế, đóng gói và được Công ty TNHH Phát triển thương mại và công nghệ sản xuất mới, Công ty Vina Agri Import tại Hoa Kỳ chịu trách nhiệm về hồ sơ giấy tờ, logistics. Đi cùng lô mía xuất khẩu còn có 10 máy ép nước mía. Điều này cho thấy dù sản phẩm mới bắt đầu đi từ nơi sản xuất nhưng đã định hình rõ về cách thức, phân khúc khách hàng tại nơi tiêu thụ.
Nhận thấy mía là loại cây trồng có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, lại phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, có thể mở rộng kinh doanh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh, từ năm 2021 đến nay, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân đã phát triển và mở rộng sang lĩnh vực xuất khẩu, thành quả bước đầu là xuất khẩu được lô mía trắng ép nước đầu tiên vào cuối năm 2021 với số lượng 10 tấn sang thị trường Đức. Năm 2022, công ty tiếp tục xuất khẩu mía với gần 100 tấn sang thị trường EU, Hàn Quốc. Trong quá trình thực hiện, công ty gặp không ít khó khăn do thiếu hụt nguồn nguyên liệu, nguồn cung cấp không ổn định, giá mía tăng cao. Tuy vậy, nhân viên và lãnh đạo công ty đã nỗ lực tìm giải pháp khắc phục khó khăn và đã ký được những hợp đồng xuất khẩu, gần đây nhất là đơn hàng sang thị trường Mỹ.
Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Từ năm 2019, cây mía Hòa Bình không chỉ có mặt ở nhiều vùng, miền trong cả nước mà dần tìm đường xuất khẩu. Bắt đầu chỉ từ 120 kg mía tím làm hàng mẫu sang thị trường Nhật Bản, sản lượng xuất khẩu đã tăng nhanh qua các năm, đến hết năm 2022 đạt 300 tấn. Từ thị trường đầu tiên là Nhật Bản đã mở rộng sang các thị trường khác như: Hàn Quốc, Anh, EU. Việc khách hàng quay trở lại và lượng đặt hàng tăng nhanh qua các năm là minh chứng rõ nét về chất lượng sản phẩm, về kiểm soát ATTP, kiểm dịch thực vật và kỹ thuật sơ chế, đóng gói, bảo quản. Sản phẩm mía đã có mặt và đứng vững tại những thị trường khó tính, nhất là trong bối cảnh mỗi thị trường yêu cầu một quy cách sơ chế, đóng gói, bao bì nhãn mác riêng.
Với những dự kiến và mong muốn không ngừng mở rộng thị trường sản xuất, sản phẩm phong phú, đa dạng hơn, thời gian qua, công ty tiếp tục tìm kiếm các giải pháp ổn định sản xuất, tập trung vào việc ký hợp đồng với các HTX trên địa bàn tỉnh để cung cấp giống và phân bón. Bao tiêu đầu ra giúp nông dân trồng mía không còn phải lo lắng về vấn đề được mùa - mất giá. Ông Nguyễn Lê Điệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân cho biết: Thời gian tới, nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa sản phẩm mía Hòa Bình tới nhiều thị trường xuất khẩu hơn nữa, công ty đang nghiên cứu nhằm từng bước đưa ra sản phẩm nước mía ép, nước mía đóng chai cấp đông xuất khẩu. Các thị trường hướng tới là Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản… Để làm được điều đó, chúng tôi mong rằng luôn nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các cấp chính quyền, nông dân ở những vùng nguyên liệu mía trong việc quan tâm hỗ trợ xây dựng khu nhà máy sơ chế, chế biến các sản phẩm mía phục vụ xuất khẩu. Công ty cũng hy vọng các sở, ngành chuyên môn tiếp tục hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật, quản lý phát triển vùng nguyên liệu mía ổn định, đảm bảo ATTP...
Dự kiến từ nay đến cuối năm, Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân sẽ xuất khẩu từ 300 - 500 tấn mía. Với thành công bước đầu, hy vọng sẽ tạo tiền đề để công ty tiếp tục mở rộng thị trường, đưa cây mía Hòa Bình đến với nhiều thị trường trên thế giới.
Thu Hằng