Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tỷ trọng 20,4%, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Kiểm tra trái cây trước khi xuất khẩu tại Công ty Vina T&T Group. (Ảnh MINH HÀ)
Tuy nhiên, không phải mặt hàng nào cũng ghi nhận sự tăng trưởng cao tại thị trường Trung Quốc. Ngoài rau quả, sắn lát khô... đạt mức tăng ấn tượng thì thủy sản, cà-phê lại đang giảm sâu tại thị trường rộng lớn này, đòi hỏi phải có những giải pháp kịp thời để gia tăng kim ngạch trong thời gian tới.
Tăng, giảm đan xen
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, bốn tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt 804,646 triệu USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm 2022 và chiếm 58,67% thị phần. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ðặng Phúc Nguyên cho biết, xuất khẩu rau quả tăng tại thị trường Trung Quốc một phần là do trong tháng 4, nhiều cửa khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc tăng giờ hoạt động mỗi ngày để tiếp nhận xe hàng. Ðiều này cho thấy nhu cầu từ thị trường Trung Quốc đang rất lớn sau một thời gian dài suy giảm do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong ba tháng đầu năm, sầu riêng Việt Nam chưa vào chính vụ cho nên xuất khẩu còn cầm chừng. Tháng 4 và tháng 5, nguồn cung sầu riêng bắt đầu lớn, xuất khẩu mặt hàng này có sự gia tăng mạnh mẽ. Ngoài ra, Việt Nam đã chính thức xuất khẩu khoai lang chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tạo đà cho bước tăng trưởng của ngành hàng này. Cụ thể, tháng 4/2023, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã phê duyệt, cấp mã số cho 70 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch.
Ngoài rau quả, thì sắn lát khô là một trong những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng tại thị trường Trung Quốc trong bốn tháng qua với khối lượng xuất khẩu đạt 411,84 nghìn tấn, trị giá 108,75 triệu USD, tăng 17,9% về lượng và tăng 11,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 90,31% tổng lượng sắn lát khô xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, trong lĩnh vực thủy sản, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang giảm mạnh. Tính chung bốn tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 363,28 triệu USD, giảm 31,95% so với bốn tháng đầu năm 2022. Ðối với mặt hàng cà-phê, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà-phê của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bốn tháng đầu năm 2023 đạt 13,42 nghìn tấn, trị giá 40,38 triệu USD, giảm 7,4% về lượng và giảm 9,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, tháng 4/2023, giá xuất khẩu bình quân cà-phê của Việt Nam sang Trung Quốc đạt mức 2.940USD/tấn, giảm 1,5% so với tháng 3/2023 và giảm 11,3% so với tháng 4/2022. Tính chung bốn tháng đầu năm 2023, giá xuất khẩu bình quân cà-phê sang thị trường Trung Quốc đạt mức 3.006USD/tấn, giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cà-phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 23,96% trong quý I năm 2022 xuống còn 13,9% trong quý I năm 2023. Số liệu thống kê cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu cà-phê chế biến sang Trung Quốc đạt 24,23 triệu USD trong bốn tháng đầu năm nay, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam cũng vẫn chịu sức ép do nhu cầu tiêu thụ thấp. Thị phần hạt tiêu của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Trung Quốc giảm từ 39,36% trong quý I năm 2022 xuống 29,75% trong quý I năm 2023.
Sản phẩm tốt, trúng nhu cầu
Ðể gia tăng kim ngạch xuất khẩu tại thị trường Trung Quốc, các sản phẩm nông sản cần có chất lượng tốt và đáp ứng trúng nhu cầu của người tiêu dùng. Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương), đây là hai yêu cầu quan trọng để thúc đẩy xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc. Như với trái thanh long - một trong những mặt hàng xuất khẩu chính sang Trung Quốc thì ngoài yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức lưu ý đến nhu cầu từng giai đoạn của thị trường này.
Mặc dù Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu thanh long lớn nhất thế giới, nhưng từ năm 2015 đến nay, kim ngạch nhập khẩu của nước này có chiều hướng chững lại và giảm dần do sự phát triển diện tích sản xuất thanh long trong nước đáp ứng thêm một phần nhu cầu người tiêu dùng. Do đó, nếu muốn giữ vững và tiếp tục tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thanh long, thì người sản xuất và doanh nghiệp phải tạo ra được những lợi thế cạnh tranh lớn hơn về giá, độ ngọt, màu sắc cho sản phẩm. Với sản phẩm tiềm năng sầu riêng cũng vậy, hiện Trung Quốc đang mở rộng khai thác từ nhiều nguồn cung với các phương thức vận chuyển khác nhau cho nên Việt Nam muốn chiếm lĩnh thị trường cần phải nâng cao chất lượng, giảm giá thành và giữ uy tín sản phẩm.
Ðối với lĩnh vực thủy sản, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam, cho biết: Giai đoạn 2018-2022, thương mại thủy sản Việt Nam-Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh nhất trong các thị trường chính. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ. Các sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều nhất là tôm, cua, cá hồi, mực, cá minh thái, cá tuyết, cá tra. Trong đó, tôm và cá tra là một trong số những sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, thời gian qua do xuất khẩu hai mặt hàng này giảm, kéo theo kim ngạch xuất khẩu thủy sản chung sang Trung Quốc sụt giảm.
Theo VASEP, bên cạnh mặt hàng sụt giảm kim ngạch thì cá cơm khô xuất khẩu sang Trung Quốc đang có sức hút lớn với mức tăng 50% trong quý I năm 2023. Nhiều sản phẩm khác có giá trị xuất khẩu tăng mạnh như tôm khô, cá chỉ vàng đông lạnh, cá hố đông lạnh... Ðây cũng là gợi ý cho việc mở rộng mặt hàng xuất khẩu để bù đắp kim ngạch của các doanh nghiệp.
Ðể khai thác tốt thị trường Trung Quốc thời gian tới, Vụ trưởng Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công thương) Trần Quang Huy cho biết: Cần theo sát diễn biến thị trường Trung Quốc, nhất là trong giai đoạn hiện nay Trung Quốc đang đặt mục tiêu tăng trưởng chất lượng cao ở hầu hết các lĩnh vực. Ðiều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đã và sẽ tiếp tục đặt ra các yêu cầu cao hơn với tiêu chuẩn hàng hóa xuất, nhập khẩu. Ðây là xu thế tất yếu, không thể đảo ngược, đòi hỏi các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng hóa phải thay đổi và thích ứng. Theo đó, nghiên cứu và khẩn trương hoàn tất thủ tục đăng ký trước khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang thị trường Trung Quốc. Ðồng thời tiếp tục phối hợp với đối tác Trung Quốc đa dạng hóa tuyến xuất khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới, tránh tập trung vào một vài cửa khẩu biên giới nhất định; tận dụng tuyến vận tải biển, vận tải đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc, hạn chế thấp nhất nguy cơ gây ùn tắc tại các cửa khẩu trong mùa cao điểm.
TheoNhanDan