Việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/7/2023 sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ khác trong gia đình tăng theo. Cùng với đó là các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ... dự kiến cũng sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm.

Do vậy, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Nguyễn Thị Hương, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Để hiểu rõ hơn những dự báo thách thức, khó khăn tác động đến lạm phát trong 6 tháng cuối năm và giải pháp để kìm giữ lạm phát, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Chú thích ảnh

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Thưa bà, lạm phát trên thế giới có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao. Vậy, đâu là nguyên nhân giúp cho Việt Nam kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023?

Trong 6 tháng đầu năm 2023, giá hàng hóa trên thị trường quốc tế có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố kinh tế, chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và xung đột quân sự Nga - Ukraine, chính sách tiền tệ thắt chặt dẫn đến sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước và tăng trưởng chậm lại, lạm phát tuy có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao.

Lạm phát của khu vực đồng Euro tháng 5/2023 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát của Mỹ tăng 4,0%. Tại châu Á, lạm phát tháng 5/2023 của Trung Quốc tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; Thái Lan tăng 0,53%; Hàn Quốc tăng 3,3%; Indonesia tăng 4,0%; Philippines tăng 6,1%; Lào tăng 38,86%. So với các quốc gia, Việt Nam không thuộc nhóm nước có mức lạm phát cao khi lạm phát tháng 6/2023 tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.

Tôi cho rằng, Việt Nam kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 do một số nguyên nhân chủ yếu sau: giá xăng dầu, giá gas trong nước giảm theo giá thế giới, bình quân 6 tháng đầu năm 2023, giá xăng dầu giảm 18,27%, giá gas trong nước giảm 9,99%.

Đối với những hàng hóa và dịch vụ do Nhà nước định giá như: dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, giá điện sinh hoạt chiếm tỷ trọng 12,87% trong tổng chi tiêu dùng của dân cư đã được Chính phủ điều hành thận trọng trong 6 tháng đầu năm 2023.

Trong đó, mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất tăng học phí năm học 2022 - 2023 theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP về cơ chế thu, quản lý và chính sách miễn, giảm học phí. Tuy nhiên, ngày 20/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 165/NQ-CP về học phí đối với cơ sở giáo dục và đào tạo công lập năm học 2022 - 2023; yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022 để tiếp tục hỗ trợ cho người dân. Theo đó, một số địa phương đã điều chỉnh giảm mức học phí vào 6 tháng đầu năm 2023.

Cùng với đó, giá dịch vụ y tế vẫn được giữ ổn định. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có Quyết định 377/QĐ-EVN ngày 27/4/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 04/5/2023, tuy nhiên chưa tác động nhiều vào CPI 6 tháng đầu năm.

Đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm, nhóm hàng có tác động lớn tới CPI, chiếm tỷ trọng khoảng 1/4 trong tổng chi tiêu dùng của dân cư, thường xuyên được các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn giá, nhất là mặt hàng thịt lợn.

Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt, thận trọng với mục tiêu kiểm soát lạm phát, tỷ giá VNĐ ổn định so với USD, bảo đảm ổn định vĩ mô cùng với kinh nghiệm điều hành giá của Chính phủ là những yếu tố góp phần kiểm soát được lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023.

Thưa bà, kể từ ngày 1/7/2023, khi chính sách mới về tiền lương có hiệu lực, sẽ tác động như thế nào đến việc kìm giữ lạm phát trong năm 2023?

Tôi cho rằng, việc tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ ngày 1/7/2023 từ mức 1.490.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng sẽ kéo theo giá các hàng hóa và dịch vụ khác trong gia đình tăng theo. Bên cạnh đó, nhiều yếu tố tác động đến việc kìm giữ lạm phát, như: EVN có thế tiếp tục tăng giá điện khi nguyên liệu đầu vào như: xăng dầu, than đều đã ở mức cao.

Cùng với đó, các chương trình hỗ trợ phục hồi kinh tế, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công của Chính phủ, dịch vụ du lịch... dự kiến sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá trong những tháng còn lại của năm.

Tổng cục Thống kê có thể dự báo những thách thức, khó khăn sẽ tác động đến lạm phát trong 6 tháng cuối năm?

Qua diễn biến giá cả thị trường 6 tháng đầu năm 2023, cùng với dự kiến điều chỉnh giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý trong năm 2023, Tổng cục Thống kê dự báo một số yếu tố tác động đến CPI năm 2023 như sau: giá nguyên vật liệu đầu vào thế giới đang ở mức cao, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất nên sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp và từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên.

Bên cạnh đó, việc thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục sẽ tác động mạnh tới CPI.

Giá lương thực, thực phẩm, đồ uống, may mặc, thiết bị và đồ dùng gia đình thường tăng theo quy luật vào các tháng cuối năm và dịp Lễ, Tết. Ngoài ra, thiên tai và dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng đến giá lương thực, thực phẩm tại một số địa phương, điều này cũng sẽ tác động làm tăng CPI.

Tổng cục Thống kê đề xuất giải pháp gì để có thể đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát như Quốc hội đề ra cho năm nay?

Để kiểm soát lạm phát năm 2023 đạt mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê kiến nghị một số giải pháp sau: Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.

Đối với mặt hàng xăng dầu, cần phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra gián đoạn nguồn cung; đồng thời, cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.

Ngoài ra, Chính phủ cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, đặc biệt cần đảm bảo cung ứng đầy đủ, kịp thời vốn tín dụng cho nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.

Đặc biệt, các bộ, ngành cần tăng cường công tác thông tin, truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tạo sự đồng thuận trong dư luận đối với công tác điều hành giá của Chính phủ, ổn định tâm lý người tiêu dùng và ổn định kỳ vọng lạm phát.

Xin cám ơn Bà!

Theo báo Tin tức


Các tin khác


Đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo sức bật cho phát triển

Phát biểu tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư, hợp tác xã Xuân Giáp Thìn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Khánh khẳng định: "Với phương châm chính quyền đồng hành cùng DN, Hòa Bình luôn xác định thành công của DN cũng là thành công của tỉnh; khó khăn, vướng mắc của các DN là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp”. Phương châm đó được thực hiện xuyên suốt, hiệu quả, tạo nên dấu ấn trong quá trình phát triển của tỉnh và cộng đồng DN trong tỉnh.

Huyện Yên Thủy lan tỏa phong trào xây dựng vườn mẫu

Với sự hỗ trợ của huyện và sự vào cuộc của các phòng, ban, ngành, người dân…, thời gian qua, huyện Yên Thủy đã triển khai có hiệu quả Đề án hỗ trợ xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu và vườn mẫu thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới huyện Yên Thủy, giai đoạn 2021 - 2025. Huyện tích cực vận động, hỗ trợ người dân cải tạo vườn tạp, hình thành những mô hình vườn mẫu cho hiệu quả kinh tế cao.

Những người thực hiện hoài bão đưa nông sản “xuất ngoại”

Với lợi thế sẵn có về khí hậu, đất đai, nông sản phong phú, nhiều tiềm năng... ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, HTX đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, từng bước khẳng định vị thế một số nông sản đặc trưng địa phương trên thị trường quốc tế. Trong đó, tín hiệu tích cực trong xuất khẩu nông sản những năm gần đây có sự đóng góp không nhỏ của những người "nặng lòng” với nông nghiệp địa phương.

Đất thức Kim Bôi

Chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi trong tư duy, nhận thức, cách làm, trong diện mạo vùng đất Kim Bôi thời điểm cán bộ và nhân dân nỗ lực thi đua lập thành tích chào mừng ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày Quốc tế Lao động. Cấp ủy, chính quyền đổi mới và nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành, tập trung chỉ đạo những nhiệm vụ chính trị, trọng tâm đột phá. Kim Bôi đã định hình được hướng phát triển, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ các dự án đầu tư vào lĩnh vực đô thị, du lịch, dịch vụ, khai thác tiềm năng nguồn nước khoáng, cảnh quan thiên nhiên.

Cao Phong - miền quê trù phú, giàu bản sắc

Cao Phong nổi tiếng với đặc sản mía, cam, bản sắc văn hóa độc đáo, đa dạng của các dân tộc anh em. Miền quê trù phú, giàu bản sắc đang trên đà phát triển, khẳng định thế mạnh và hướng đi đúng đắn trong phát triển KT-XH.

Thành phố Hòa Bình bắt nhịp đà tăng trưởng

Thành phố Hòa Bình đã và đang có những đổi thay mạnh mẽ về hệ thống hạ tầng, phát triển đô thị, tạo ra sức sống, diện mạo mới và đảm đương tốt vị trí đầu tàu về KT-XH của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục