(HBĐT) - Thời tiết nắng nóng sẽ làm cho gia súc, gia cầm giảm ăn uống, giảm sức đề kháng nên dễ mắc bệnh, sốc nhiệt và có thể chết, gây thiệt hại về kinh tế. Do đó, cơ quan chuyên môn khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn vật nuôi.


Hộ chăn nuôi gà ở xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) chăm sóc và điều chỉnh lượng thức ăn cho đàn vật nuôi trong những ngày nắng nóng.

Hiện nay, tổng đàn gia súc trong tỉnh ước trên 668 nghìn con, đàn gia cầm hơn 8,8 triệu con. Từ đầu năm đến nay, chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Thời gian gần đây xảy ra nhiều đợt nắng nóng kéo dài, ảnh hưởng không nhỏ đến chăn nuôi. Tuy nhiên, nhờ chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ cho đàn vật nuôi nên chưa ghi nhận thiệt hại do nắng nóng gây ra.

Những ngày này nắng nóng gay gắt trở lại, gia đình ông Bùi Văn Nhọ, hộ chăn nuôi lợn quy mô lớn ở xã Quyết Thắng (Lạc Sơn) đã bật hệ thống phun sương tưới mát cho đàn vật nuôi. Ông Nhọ cho biết: Nắng nóng làm vật nuôi giảm sức ăn, mệt mỏi, nhất là với lợn nái. Do đó, bên cạnh việc thường xuyên tắm cho lợn, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, gia đình đã đầu tư hệ thống tưới phun sương để làm mát cho lợn và điều chỉnh phần ăn, hạn chế cho lợn ăn vào buổi trưa.

Gia đình chị Bùi Thị Ban, xóm Gia Phú, xã Gia Mô (Tân Lạc) phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp, gồm nuôi trâu vỗ béo, lợn thịt và gà. Những ngày nắng nóng, gia đình chị chú trọng thực hiện các biện pháp để bảo vệ đàn vật nuôi. Chị Ban cho biết: Hàng ngày, tôi tắm cho lợn và dọn vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, cho ăn nhiều vào buổi sáng sớm và chiều tối, giảm cho ăn vào buổi trưa. Đồng thời dùng lá cây phủ lên mái pro xi măng để chống nóng cho vật nuôi. Đối với khu nuôi trâu, gia đình bỏ hết bạt dứa để chuồng thông thoáng, lộng gió. Còn đàn gà nuôi thì tận dụng bóng cây, quây lưới thả gà để đảm bảo thông thoáng.

Những giải pháp được gia đình chị Ban, ông Nhọ thực hiện cũng là khuyến cáo của ngành chức năng. Theo đồng chí Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng phòng Chăn nuôi và Thú y (CN&TY), Chi cục CN&TY tỉnh cho biết: Thời tiết nắng nóng gay gắt, song chuyển mưa to là điều kiện để bùng phát một số dịch bệnh, nhất là bệnh tụ huyết trùng trên trâu, bò. Thực tế, mùa nắng nóng năm 2022, trên địa bàn xã Tân Pheo và Tiền Phong (Đà Bắc) đã xảy ra dịch bệnh tụ huyết trùng với 28 con trâu, bò bị ốm, chết. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến chăn nuôi. Dự báo nền nhiệt trung bình năm 2023 ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 - 1 độ C. Có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất trong ngày từ 35 - 38 độ C, có nơi trên 38 độ C, mỗi đợt nắng nóng diễn ra khoảng 5 - 7 ngày.

Đồng chí Trưởng phòng CN&TY tỉnh nhấn mạnh: Đây là điều kiện thời tiết bất lợi làm giảm sức đề kháng, vật nuôi có thể bị chết do cảm nắng, cảm nóng, gây thiệt hại về kinh tế cho sản xuất chăn nuôi. Do đó, người chăn nuôi cần thường xuyên cập nhật tình hình thời tiết, áp dụng các biện pháp phòng, chống nắng nóng, dịch bệnh hay xảy ra vào mùa hè cho từng loại vật nuôi. Chuồng nuôi phải đảm bảo cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát, thích hợp với vật nuôi. Người chăn nuôi có thể phủ lá cọ, rơm, cây dây leo lên mái chuồng để chống nắng nóng trực tiếp; phun nước lên mái, phun sương trong chuồng và bố trí đủ quạt điện để quạt mát, tránh làm tăng độ ẩm trong chuồng nuôi.

Bên cạnh đó, trong những ngày nắng nóng cần tăng cường thức ăn giàu đạm, giảm tinh bột, chất béo trong khẩu phần. Nên cho vật nuôi ăn vào lúc sáng sớm, chiều mát và buổi tối. Cung cấp đủ nước sạch, mát có bổ sung chất điện giải và bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C cho gia súc, gia cầm uống để tăng cường sức đề kháng. Đối với trâu, bò, lợn, mùa nắng nóng nên tắm chải 2-3 lần/ngày để giảm nhiệt độ cơ thể và phòng, chống các bệnh ngoài da. Những ngày nắng nóng, thời điểm nhiệt độ thường cao nhất từ 12 - 16 giờ trong ngày. Trong khoảng thời gian này, người chăn nuôi không nên chăn thả, để trâu, bò nghỉ, nhốt tại chuồng hoặc tại các khu vực có bóng mát, cây xanh. Tăng cường vệ sinh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi, định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc để chống ve, mòng, ruồi, muỗi, bọ mạt... là những tác nhân truyền và gây bệnh trong mùa hè.

Viết Đào

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục