Tại cuộc họp chiều 8/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo giải pháp xử lý hàng loạt vướng mắc tại các dự án cao tốc và ODA vùng ĐBSCL.

Chiều 8/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các dự án đường cao tốc và triển khai vốn ODA vùng đồng bằng sông Cửu Long. Dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố trong vùng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo tình hình triển khai các dự án cao tốc, dự án ODA, những khó khăn, vướng mắc, nút thắt hiện nay, kiến nghị đề xuất một số cơ chế, chính sách phù hợp. Lãnh đạo các bộ, ngành cũng đã giải đáp, làm rõ và thống nhất một số giải pháp để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai các dự án. 

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tạo đột phá về hạ tầng giao thông khu vực đồng bằng sông Cửu Long vừa là yêu cầu khách quan của sự phát triển, vừa là mong muốn của nhiều thế hệ lãnh đạo, của người dân và doanh nghiệp qua nhiều thời kỳ. 


Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án cao tốc và triển khai các dự án ODA vùng ĐBSCL (Ảnh: TTXVN)

Tháng 5/2021, tại cuộc làm việc với Thủ tướng, lãnh đạo 13 địa phương đã khẳng định quyết tâm tạo đột phá về hạ tầng giao thông cho vùng dù lúc đó chưa hình dung được hết các công việc phải làm, đặc biệt là chưa bố trí được nguồn vốn cho các dự án. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, trong hơn 2 năm qua, nhiều dự án cao tốc trọng điểm đã được khởi công tại đồng bằng sông Cửu Long; nhiều dự án khởi công trước đây cũng được đẩy mạnh. Hiện nay, có 8 dự án cao tốc đang được triển khai, bảo đảm cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2021 - 2025 với tổng chiều dài hơn 460 km, tổng mức đầu tư gần 95.000 tỷ đồng.

Thủ tướng đánh giá, việc triển khai các dự án còn một số khó khăn liên quan đến giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu san lấp đắp nền đường, công tác quản lý dự án, năng lực của nhà thầu, nhà tư vấn, điều kiện thi công phức tạp. Thủ tướng nêu rõ, nút thắt lớn nhất của các dự án là bảo đảm nguồn vật liệu cát đắp; đề nghị vẫn khai thác tối đa những khu vực đang khai thác, đặc biệt 3 tỉnh An Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp cần cấp trực tiếp cho nhà đầu tư, nhà thầu theo các Nghị quyết của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, xử lý bảo đảm nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm, nghiên cứu nhanh việc sử dụng cát biển làm nguyên vật liệu đắp nền.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, nhất là Bộ Giao thông vận tải và các tỉnh, thành phố được giao làm cơ quan chủ quản dự án quyết liệt chỉ đạo, tiếp tục hoàn thiện các thủ tục đầu tư; tập trung giải phóng mặt bằng còn lại, làm tốt công tác tái định cư cho người dân; triển khai các dự án bảo đảm tiến độ, chất lượng, an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường. Đặc biệt, không được để thiếu vật liệu; không được đội giá bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát. Đối với một số dự án cụ thể, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ rõ ràng cho các bộ, ngành, địa phương về tiến độ giải phóng mặt bằng, thủ tục giao và khai thác mỏ vật liệu, cung cấp nguồn cát đi kèm thời hạn hoàn thành.

Với các dự án ODA, Thủ tướng cho biết còn nhiều dư địa để tiếp tục mở rộng, linh hoạt hơn trong việc vay vốn ODA bởi nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách Nhà nước được kiểm soát tốt theo Nghị quyết của Quốc hội giao. 

Thủ tướng đồng ý chủ trương vay ODA từ 6 đối tác phát triển lớn nhất (đã có cam kết) với mức vốn hơn 2,5 tỷ USD cho 16 dự án phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu của vùng ĐBSCL; đồng ý cấp phát 90% vốn cho các dự án này.

Theo VTV.VN

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục