Mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình bà Hà Thị Đông, xóm Noong Luông, xã Thành Sơn (Mai Châu) cho thu nhập, đầu ra ổn định.
Đồng chí Lò Thanh Khuyên, Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: "Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đưa các loại cây, con giống phù hợp điều kiện thực tế địa phương, trong đó, định hướng bà con phát triển chăn nuôi bò, lợn, trồng chanh leo và các loại cây chịu hạn. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, chính sách giảm nghèo, xã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông nhằm phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa thuận lợi, phát triển KT-XH địa phương”.
Để phát triển kinh tế bền vững, xã Thành Sơn vận động người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, chuyển dần diện tích các loại cây truyền thống sang cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện, toàn xã canh tác 640 ha ngô, 120 ha lạc, 25 ha rau màu các loại. Xã đưa vào trồng chanh leo, tiếp tục triển khai mô hình vỗ béo đàn bò tại xóm Noong Luông, Hợp Thành cho hiệu quả kinh tế rõ rệt, chất lượng tốt, đầu ra ổn định. Từ đầu năm đến nay, xã trồng mới thêm nhiều diện tích rừng, nâng độ che phủ lên 65%.
Cuối năm 2022, xã triển khai trồng thí điểm chanh leo tại xóm Thung Khe với diện tích gần 2 ha. Ông Hà Văn Minh, hộ trồng chanh leo xóm Thung Khe cho biết: "Chanh leo chịu được thời tiết khắc nghiệt, nhất là hiện tượng sương muối, ít sâu bệnh, thời gian thu hoạch từ 5 - 6 tháng, 1 năm có thể trồng được 2 vụ. Mô hình của gia đình được Công ty TNHH sản xuất và thương mại nông sản T9 (Thanh Hóa) bao tiêu với giá 6.000 - 12.000 đồng/kg, bước đầu đảm bảo đầu ra, thu nhập cao hơn so với trồng ngô, lạc. Cây phát triển tốt sẽ là hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân”.
Thăm mô hình nuôi bò vỗ béo của gia đình chị Hà Thị Đông, xóm Noong Luông, chị Đông cho biết: "Tôi xây dựng chuồng trại nuôi bò vỗ béo từ năm 2018, đến nay đàn bò phát triển lên 6 con, đầu ra ổn định. Để xây dựng mô hình, tôi đầu tư chuồng trại khép kín, sạch sẽ, học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi, phòng dịch, trồng thêm cỏ voi, tận dụng các loại cám, bã, phế phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho bò, chi phí chăn nuôi cũng giảm đi. Nhờ đó thu nhập của gia đình dần tăng lên”.
Thành Sơn cũng có tiềm năng về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng, khí hậu mát mẻ, cộng đồng sinh sống của các dân tộc Thái, Kinh, Mường… đậm đà bản sắc văn hóa, ẩm thực độc đáo, tạo nên cảnh quan đẹp, hấp dẫn du khách. Trên địa bàn xã có 2 homestay Spice Hills và Hằng Thủy được xây dựng quy mô, hoạt động thường xuyên. Trên địa bàn xã đang triển khai quy hoạch, xây dựng dự án khu du lịch hồ Sam Tạng, tổng diện tích 146 ha. Dự kiến khu du lịch có các dịch vụ nghỉ dưỡng ven hồ, chăm sóc sức khỏe, leo núi thể thao, khám phá những khu rừng nguyên sinh... tạo việc làm cho 200 - 300 lao động địa phương.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hỗ trợ phát triển KT-XH, từ đầu năm đến nay, xã huy động gần 2.000 ngày công phát dọn mương máng, đắp nhiều tuyến đường, thu gom rác thải, duy tu, sửa chữa các công trình nhằm phục vụ nhu cầu đi lại, sinh hoạt, giao thương hàng hóa, phát triển sản xuất cho bà con. Tuy nhiên, do đặc thù vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt, mùa đông thường xảy ra sương muối nên việc sản xuất, canh tác gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nước tưới chủ yếu lấy từ khe, suối nên khó chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Địa hình núi đá vôi, đất sản xuất manh mún, bạc màu, khó cải tạo, việc chuyển đổi, nâng cao năng suất nhiều loại cây trồng gặp khó. Xã mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư, hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng, vốn vay sản xuất giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo. Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 19,5 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 38,47%.
Hoàng Anh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 5/7/2023 về nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh và bền vững giai đoạn 2023-2030.