Những năm gần đây, chuyển đổi số mang lại những thay đổi to lớn về thị phần, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ, cũng như tạo ra xu hướng mới trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Chuyển đổi số đã mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh, giúp kết nối gần hơn với khách hàng và cấu trúc lại doanh nghiệp.




Công nhân Công ty TNHH Vander Leun (Hải Phòng) kiểm tra thiết bị điện. (Ảnh ĐỨC ANH)

Song, để chuyển đổi số trong doanh nghiệp đạt hiệu quả, thành công, đòi hỏi cần có cách tư duy mới cùng những năng lực mới trong tổ chức, vận hành theo hướng kết hợp người và máy móc dựa trên nền tảng các công nghệ số và dữ liệu số.

Chuyển đổi tư duy, nhận thức

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Chính phủ đã đề ra mục tiêu phát triển Chính phủ số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển hạ tầng số, thu hẹp khoảng cách số. Trong đó, chuyển đổi số là phương tiện chủ đạo, chủ trương đúng đắn, tiên phong và cách mạng.

Thực tế triển khai tại một số doanh nghiệp, địa phương cho thấy, quá trình chuyển đổi số chỉ được xem như công việc ngoài chuyên môn, ngoài mục tiêu chính trị, kinh tế đang thực hiện. Việc nhận thức, lựa chọn công nghệ, hệ sinh thái, con người và năng lực tài chính có lúc, có nơi chưa đồng bộ, chưa được quan tâm đúng mức. Tư duy này đang là rào cản, thách thức khiến quá trình chuyển đổi khó thực hiện thành công.

Nhớ lại câu chuyện manh nha ý định áp dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp cách đây 5-7 năm, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị giáo dục Hồng Đức Vũ Thị Ngọc Anh chia sẻ, khi bắt đầu áp dụng chuyển đổi số, nhiều nhân viên, thậm chí cán bộ quản lý của công ty chưa theo kịp công nghệ mới cho nên phản đối gay gắt vì cho rằng phức tạp, họ ngại khi phải làm lại từ đầu. Do chưa thấy rõ lợi ích của việc áp dụng chuyển đổi số trong doanh nghiệp, một số cá nhân không chịu làm hoặc làm đối phó, vừa áp dụng vừa chỉnh sửa, khiến công việc càng làm càng rối,…

Một số đơn vị do thiếu kinh nghiệm cho nên áp dụng cùng lúc nhiều phần mềm, công nghệ, khiến dữ liệu và hệ thống thiếu liên kết, không đồng bộ trong truy xuất, dẫn tới nhiều sai sót, cả hệ thống liên tục trục trặc và khá rời rạc. Những thách thức nêu trên đã từng khiến tiến trình chuyển đổi số tại công ty rơi vào tình cảnh "bế tắc” do không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào cho đúng. Vì vậy, chuyển đổi số đang là một bài toán lớn đặt ra cho toàn bộ doanh nghiệp.

Để giải quyết được bài toán ấy, trước tiên người đứng đầu doanh nghiệp cần phải có tư duy số, hành động số. Tiếp sau đó mới tính đến việc số hóa, đổi mới từ hệ thống thường sang hệ thống kỹ thuật số; chuyển đổi từ những kết quả số hóa để xây dựng hệ thống báo cáo quản trị có tính liên kết với cơ sở dữ liệu; cuối cùng là chuyển đổi toàn diện. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam chuyển đổi số không thành công hoặc nhầm lẫn giữa số hóa dữ liệu với chuyển đổi số, do vướng về vấn đề tài chính và thiếu am hiểu về công nghệ của người đứng đầu doanh nghiệp.

Nhân lực - yếu tố quyết định

Theo một khảo sát mới đây của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), có 23,8% số doanh nghiệp được khảo sát biết về chuyển đổi số nhưng thiếu nguồn lực tài chính và nhân lực để thực hiện; 90% số doanh nghiệp được khảo sát đang cho thấy việc chuyển đổi số chưa thành công.

Chỉ có 11% số doanh nghiệp thành công trong quá trình chuyển đổi số, 89% số doanh nghiệp còn lại đang "lạc lối” trong quá trình chuyển đổi số với bốn lý do chính như: Nhận thức sai lầm, không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh, thiếu nguồn lực cần thiết và thiếu hệ sinh thái số thuận lợi. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đều cho rằng, chuyển đổi số là "sân chơi” của những ông lớn.

Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa đánh giá, cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thì việc ứng dụng các sáng kiến số và giải pháp công nghệ số sẽ giúp các doanh nghiệp có thêm giá trị kinh tế-xã hội theo hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam đang được đánh giá còn nhiều rào cản do nền tảng chất lượng doanh nghiệp chưa đồng đều, trình độ quản lý tương đối thấp, công nghệ số cung cấp chưa đầy đủ,... Do đó, chuyển đổi số đòi hỏi sự quyết liệt, đổi mới cả tư duy lẫn hành động, từ cơ quan quản lý cũng như từ phía doanh nghiệp, tổ chức và chính quyền các địa phương. Chuyển đổi số không chỉ đầu tư về mặt công nghệ, mà còn chuyển đổi cả cách quản lý, phương thức tiếp cận, nguồn nhân lực.

Theo báo cáo thường niên chuyển đổi số doanh nghiệp năm 2022, có đến 48,8% số doanh nghiệp từng chuyển đổi số nhưng hiện không còn sử dụng do giải pháp chưa phù hợp hoặc không còn phù hợp trong bối cảnh hiện tại của doanh nghiệp. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng theo các chuyên gia, trước hết là do nhận thức, tư duy chưa đúng của lãnh đạo doanh nghiệp về chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp vừa sử dụng các giải pháp công nghệ số được một thời gian ngắn, nhưng do thấy không hiệu quả hoặc phải dành nhiều chi phí cho đầu tư công nghệ ban đầu cho nên đã dừng triển khai tiếp.

Theo tính toán, thực tế chi phí công nghệ trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 20% tổng chi phí cho chuyển đổi số. Việc mua phần mềm ứng dụng vào hoạt động kinh doanh không khó, vấn đề là phải khai thác được giá trị của nó; tư duy và am hiểu về chuyển đổi số mới là yếu tố quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Muốn vậy, chủ doanh nghiệp phải nắm vững những vấn đề nội tại của mình, cách thức triển khai cần dựa trên năng lực và thực trạng của từng doanh nghiệp; trên cơ sở đó, tìm kiếm, ứng dụng công nghệ phù hợp, cho đúng, cho đủ với doanh nghiệp.

Chỉ khi đặt ra đề bài và có quy trình thực hiện rõ ràng mới có cơ sở để làm việc với đối tác về chuyển đổi số, khi đó họ cũng nắm và hiểu rõ các vấn đề của doanh nghiệp, để đưa ra phương án triển khai một cách phù hợp và hiệu quả.

TheoNhanDan



Các tin khác


Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng

Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt kết luận của Thường trực Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong những tháng cuối năm 2023.

Thúc đẩy sản xuất vụ đông và kết nối tiêu thụ nông sản 

(HBĐT) - Ngày 18/8, Sở NN&PTNT tổ chức hội nghị thúc đẩy sản xuất vụ đông và kết nối tiêu thụ nông sản năm 2023; Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị định số 98/2018/NĐ-CP, ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Dự và chỉ đạo hội nghị có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. 

Nguồn lực phát triển Tây Nguyên

Tây Nguyên, vùng đất đại ngàn phía tây Tổ quốc, là nơi hội đủ những điều kiện để phát triển nhưng hiện tại lại gặp nhiều "điểm nghẽn" cần được giải quyết. Muốn vậy, Tây Nguyên cần được khơi thông, phát huy các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá để ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng tầm là một địa bàn chiến lược quan trọng của đất nước.

Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 

(HBĐT) - Hiệp hội Doanh nghiệp (HHDN) tỉnh vừa tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023.      

UBND tỉnh đôn đốc tiến độ các Chương trình mục tiêu quốc gia tại huyện Kim Bôi

(HBĐT) - Sáng 17/8, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra, đôn đốc tiến độ triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) tại huyện Kim Bôi.

Huyện Đà Bắc có 5 sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Giai đoạn 2018 - 2022, huyện Đà Bắc có 7 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Tuy nhiên, trong năm 2023, huyện có 2 sản phẩm OCOP ngừng hoạt động là chè Shan tuyết Trung Thành, do hợp tác xã giải thể và hạt Sachi rang sấy, do chủ thể dừng sản xuất sản phẩm. Như vậy, đến nay, huyện còn 5 sản phẩm OCOP, gồm: Du lịch cộng đồng Đá Bia (xã Tiền Phong); rượu ngô Cao Sơn, miến dong Cao Sơn (xã Cao Sơn); rượu thóc Vịnh Xuân (xã Toàn Sơn); thịt lợn bản địa Tân Minh (xã Tân Minh).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục