(HBĐT) - Cùng với cả nước, tỉnh Hòa Bình đi qua nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng với nhiều gian khó. Đặc biệt có khó khăn chưa có trong tiền lệ đó là tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 lên mọi mặt đời sống xã hội, để lại hệ lụy rất lớn mà theo nhận định thì sự phục hồi không chỉ tính trong một vài năm. Rồi sự trở ngại kéo dài do tác động của biến đổi khí hậu dẫn đến tình trạng khô hạn và các loại hình thiên tai khác. Thêm nữa là xung đột vũ trang ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới khiến cho biến động về địa chính trị, địa kinh tế, nhất là sự ảnh hưởng về vấn đề năng lượng, lương thực và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… Khó khăn nối tiếp khó khăn làm kéo giảm sự phát triển KT-XH là không thể tránh khỏi, nhất là đối với tỉnh miền núi nghèo, xuất phát điểm thấp như Hòa Bình.
Dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6 (TP Hòa Bình) đang được thi công. Đây được xem là dự án trọng điểm của tỉnh.
Dù vậy, trong nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, dưới sự đổi mới, linh hoạt, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; sự chủ động, kịp thời đề ra chủ trương, chính sách và chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các vấn đề hệ trọng, phát sinh đã tạo cơ sở để các cấp, các ngành trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ và đạt được những kết quả quan trọng.
Theo đó, cùng với công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được coi trọng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã sát sao lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển KT-XH trên cơ sở đánh giá toàn diện, dự báo đúng tình hình, chủ động đề ra các chủ trương, giải pháp phù hợp; kịp thời thể chế hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của T.Ư phù hợp với thực tế của tỉnh. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, nhất là 4 đột phá chiến lược theo tinh thần NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển KT- XH 5 năm, giai đoạn 2021 - 2026. Đồng thời, xử lý hiệu quả các vấn đề tồn đọng, phát sinh; đẩy mạnh thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, tìm giải pháp căn cơ hỗ trợ người dân, doanh nghiệp từng bước tháo gỡ khó khăn.
Những nỗ lực của tỉnh được ghi nhận sau nửa đầu nhiệm kỳ thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII là có 17 chỉ tiêu dự báo đến năm 2025 đạt và vượt. Giai đoạn 2021-2023, bình quân tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn tỉnh ước đạt 5,4%; năng suất lao động ước đạt 2,67%; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 18%; tổng thu NSNN ước đạt trên 17,1 nghìn tỷ đồng... Ước đến cuối năm 2023, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 70,16 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,79%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6%; có thêm 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh lên 79 xã, chiếm 61,2% tổng số xã…
Tuy vậy, Tỉnh ủy đánh giá, có 3 chỉ tiêu dự báo khó đạt là: tăng trưởng kinh tế, thu NSNN, GRDP bình quân đầu người (NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra 3 chỉ tiêu là: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021-2025 đạt 9%. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 100 triệu đồng; thu NSNN đạt 10.000 tỷ đồng). Có thể thấy, đây đều là những chỉ tiêu hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định để thực hiện mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế tỉnh Hòa Bình đạt mức trung bình của cả nước; đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực trung du và miền núi Bắc Bộ và đến năm 2050 trở thành tỉnh phát triển của cả nước”.
Nửa chặng đường đã đi qua, đồng nghĩa với việc nửa cuối chặng đường còn nhiều việc phải làm với trọng trách hết sức nặng nề. Nếu không có sự tăng tốc, cộng đồng trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân thì việc thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII khó có thể đạt được thắng lợi trọn vẹn.
Do vậy mới đây, tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm đến hết nhiệm kỳ về công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, QP-AN và đối ngoại. Riêng nhiệm vụ phát triển kinh tế, đồng chí chỉ đạo việc tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược. Hoàn thiện và tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Nghiên cứu xây dựng Đề án về phân cấp quản lý nhà nước. Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH; ưu tiên xây dựng các công trình giao thông quan trọng mang tính đột phá... cùng các nhiệm vụ trên từng lĩnh vực.
Người đứng đầu Tỉnh ủy mong muốn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ.
Bình Giang