Cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tâm Cương, tiểu khu Mu, thị trấn Đà Bắc (Đà Bắc) cung cấp nông sản chất lượng, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Đầu tháng 8, HND tỉnh phối hợp HND huyện Đà Bắc và Trung tâm Hỗ trợ nông dân tỉnh tổ chức khai trương cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tâm Cương, địa chỉ tại tiểu khu Mu, thị trấn Đà Bắc. Đây là cửa hàng cung cấp thực phẩm sạch đầu tiên trên địa bàn huyện Đà Bắc và là cửa hàng thứ 10 trên địa bàn tỉnh do HND tỉnh phối hợp HND các huyện, thành phố xây dựng, đưa vào hoạt động.
Bà Hà Thị Tâm, chủ cửa hàng nông sản thực phẩm an toàn Tâm Cương cho biết: Thời gian qua, trên địa bàn huyện chưa có điểm bán hàng, giới thiệu và quảng bá các loại nông sản, thực phẩm sạch do nông dân địa phương sản xuất. Với mong muốn để người tiêu dùng được tiếp cận các loại nông sản an toàn của nông dân trong huyện, trong và ngoài tỉnh sản xuất, cửa hàng ra đời với sự hỗ trợ của các cấp HND tỉnh và huyện. Hiện cửa hàng kinh doanh 21 mặt hàng, trong đó có 15 mặt hàng là sản phẩm OCOP của các địa phương trong, ngoài tỉnh.
Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đốivới HND các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, HND huyện Đà Bắc đã chủ động phối hợp các phòng, ban của huyện, UBND các xã, thị trấn, đồng thời chỉ đạo HND cơ sở triển khai đồng bộ các giải pháp, biện pháp, tập trung hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Để HVND có kiến thức, kinh nghiệm canh tác, sản xuất nông nghiệp theo quy trình an toàn, hữu cơ, các cấp HND huyện đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất, chăn nuôi, kết nối thị trường, lập phương án sản xuất, kinh doanh (SXKD), hướng dẫn sử dụng phân bón trên cây trồng, thức ăn trong chăn nuôi. Chú trọng tuyên truyền về lợi ích của việc sản xuất, sử dụng các sản phẩm hàng hóa nông - lâm - thủy sản có chất lượng cao, an toàn với sức khỏe cộng đồng. Giai đoạn 2018 - 2023, có 305 cuộc tập huấn KHKT được tổ chức cho trên 24.300 lượt HVND tham gia...
Cùng với đó, các cấp Hội tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn HVND phát triển các mô hình kinh tế tập thể nhằm giúp hội viên trong sản xuất, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Việc quản lý tốt nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân hỗ trợ HVND phát triển, mở rộng sản xuất cũng được các cấp Hội quan tâm. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đạt trên 3.180 triệu đồng. Trong 5 năm có 14 mô hình kinh tế của 146 lượt hộ nông dân được hỗ trợ vay vốn. Ngoài ra, nhờ quản lý chặt chẽ nguồn vốn vay ủy thác với các ngân hàng, hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích đã giúp việc SXKD có hiệu quả, nhiều mô hình nông nghiệp phát huy hiệu quả, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương.
Đồng chí Quách Thị Khiếu, Chủ tịch HND huyện Đà Bắc cho biết: Cùng với hỗ trợ HVND về vốn, giống, KHKT trong sản xuất nông sản sạch, thực phẩm an toàn, các cấp Hội trực tiếp và phối hợp các ngành chức năng giúp nông dân xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản. Điển hình trong nhiệm kỳ qua, Hội phối hợp Bưu điện huyện và Viettel Post tổ chức cho HVND tạo tài khoản tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử. Kết quả đưa được 2 sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Đến hết năm 2022, toàn huyện thành lập được 93 tổ hợp tác, 43 hợp tác xã hoạt động dịch vụ vật tư nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản; có 3 sản phẩm OCOP thuộc nhóm sản phẩm nông nghiệp trong 6 sản phẩm OCOP của huyện. Những kết quả này là tiền đề quan trọng để các cấp HND huyện cũng như HVND tiếp tục nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, nhất là những nông sản thế mạnh của địa phương.
Thu Hằng