Các chuyên gia và doanh nghiệp kỳ vọng, sàn giao dịch việc làm quốc gia sẽ là nơi thông tin các bên được kiểm chứng, minh bạch.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương liên quan tăng cường kết nối cung - cầu lao động, nghiên cứu thành lập sàn giao dịch việc làm.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, hôm qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, trong đó có nội dung liên quan đến đề xuất xây dựng các sàn giao dịch việc làm. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, thời gian tới, thị trường cần có sàn giao dịch việc làm quốc gia để thực hiện công tác quản lý nhà nước với nguồn nhân lực trong cả doanh nghiệp công lập và tư nhân, kết nối thông tin việc làm tại những nơi mà doanh nghiệp chưa bao phủ.
Trong ngày 22/8, phóng viên VTVMoney đã ghi nhận ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và đơn vị cung cấp dịch vụ tuyển dụng lao động về sự cần thiết của sàn giao dịch việc làm quốc gia.
Từ đầu năm đến nay, Tổng Công ty May 10 đã triển khai thêm 3 dự án mới, để đáp ứng nhu cầu sản xuất, họ có nhu cầu tuyển dụng thêm 3.000 nhân sự. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn vì việc tuyển dụng nhân lực ngành dệt may cũng ngày càng cạnh tranh với lĩnh vực khác như da giày hay sản xuất linh kiện.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc, Tổng Công ty May 10, cho biết: "Hiện nay, Chính phủ đang xây dựng sàn trực tuyến với tầm cỡ quốc gia, tôi cho rằng đây là một trong những điều tốt vì ngành may là ngành khả năng cạnh tranh lao động rất là khó khăn. Sàn giao dịch giúp chúng tôi kết nối với người lao động dễ dàng hơn".
Việc triển khai sàn giao dịch việc làm trực tuyến toàn quốc không chỉ giúp doanh nghiệp kết nối với nhân lực tốt hơn, còn giúp người lao động, đặc biệt nhóm lao động phổ thông có khả năng tiếp cận cơ hội việc làm dễ dàng hơn.
Bà Ngô Thị Ngọc Lan, Giám đốc Miền Bắc, Navigos Search (Navigos Group), nhận định: "Nhóm lao động phổ thông chiếm đại đa số trong lực lượng lao động của chúng ta thì chưa có nhiều cách tiếp cận. Việc chúng ta phát triển được sàn giao dịch lao động trực tuyến sẽ giúp chúng ta có thể giải quyết hoặc nhắm tới được nhóm đối tượng lớn trong xã hội. Việc chúng ta có 1 sàn giao dịch như thế này sẽ giúp luân chuyển được lao động ở khu vực đang bị dư, đến khu vực đang bị thiếu việc làm".
Ngoài ra, sàn giao dịch việc làm quốc gia cũng được kì vọng không chỉ kết nối người lao động với cả các doanh nghiệp trong nước mà còn mở ra cơ hội tiếp cận doanh nghiệp nước đang đầu tư vào Việt Nam.
Sàn giao dịch việc làm trực tuyến kết nối giao dịch hàng nghìn việc làm
Thực tế, sàn giao dịch việc làm ở quy mô địa phương cũng đã xuất hiện. Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã triển khai dịch vụ giao dịch việc làm trực tuyến từ cuối năm 2021, kết nối 15 đầu mối giao dịch việc làm trên địa bàn và bước đầu thu được kết quả tương đối khả quan. Nếu có một sàn giao dịch được mở rộng ở quy mô cả nước, lợi ích sẽ còn được tăng lên gấp nhiều lần.
Từ đầu năm đến nay, trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội này đã thu hút trên 4.300 lượt doanh nghiệp tham gia tuyển dụng với gần 68 nghìn chỉ tiêu. Con số này tăng nhẹ so với cùng kỳ. Đạt được kết quả tích cực trên là nhờ họ đã tích cực chuyển đổi số, xây dựng mô hình sàn giao dịch việc làm trực tuyến.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, cho biết: "Riêng tại Hà Nội, chúng tôi có hệ thống 15 sàn giao dịch việc làm. Khi tổ chức các phiên giao dịch việc làm hàng ngày, kể cả sàn giao dịch việc làm tại Ba Vì cũng có khả năng phỏng vấn tại trung tâm ở Trung Kính hoặc từ Long Biên có thể phỏng vấn sang Gia Lâm, từ Mê Linh có thể phỏng vấn xuống tận Phú Xuyên. Riêng việc đó cũng đã hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp có nhiều hơn cơ hội để tuyển dụng người lao động. Chính những người lao động cũng có khả năng tìm kiếm những vị trí phù hợp , nhanh chóng quay trở lại thị trường lao động".
Hiện cả nước có 82 trung tâm dịch vụ việc làm công lập, khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm tư nhân để kết nối cung cầu thị trường lao động. Tuy nhiên, không phải đơn vị nào cũng xây dựng những sàn giao dịch việc làm trực tuyến như Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội kể trên. Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tuy cơ sở dịch vụ việc làm nhiều nhưng cơ sở dữ liệu việc làm còn tản mát, thiếu đồng bộ, chưa có cơ chế phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin giữa các trung tâm, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ việc làm. Công tác kiểm tra, giám sát tính minh bạch, chất lượng và hiệu quả trong hoạt động giao dịch việc làm còn nhiều hạn chế.
Để thay đổi thực tế trên, một sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia đang được các Bộ ban ngành tính đến. Đây là nơi kết nối thông tin dữ liệu của các trung tâm và doanh nghiệp dịch vụ việc làm trên khắp cả nước. Chẳng hạn như những doanh nghiệp tại các tỉnh thành phía Nam có thể tìm kiếm, tuyển dụng lao động phía Bắc có nhu cầu. Ngoài ra, các chuyên gia và doanh nghiệp cũng kỳ vọng, sàn giao dịch này sẽ là nơi thông tin các bên được kiểm chứng, minh bạch. Bên cạnh đó, năng lực của người lao động được phản ánh chính xác và nâng cao.
Đề xuất mô hình sàn giao dịch trực tuyến
Ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhỏ và Vừa Việt Nam: Chúng ta phải có nơi để có thể đánh giá năng suất, nếu thông qua sàn ghi nhận đánh giá năng suất người lao động, như sàn cổ phiếu, trái phiếu đánh giá được năng lực, khả năng hấp thụ, đánh giá được triển vọng của các mã cổ phiếu trái phiếu. Với DN, cổ phiếu, trái phiếu ta làm việc đấy rất là tốt. Còn với con người thước đo là cái gì. Đó là một câu chuyện không dễ giải quyết đánh giá năng suất.
Ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội: Thứ nhất, chúng ta cần một hệ thống cơ sở quản lý dữ liệu. Khi hoạt động của hệ thống sàn mang tính toàn quốc, giữa các tỉnh rồi đơn vị liên quan tham gia vào hệ thống cùng phải đồng nhất về mặt cơ sở dữ liệu, tạo ra một hệ thống cơ sở dữ liệu đảm bảo mặt chất lượng và các hoạt động để tạo ra sự chia sẻ, liên thông. Thứ hai, hệ thống đó cần phần mềm đủ điều kiện điều hành quản trị toàn bộ các hoạt động phỏng vấn tuyển dụng.
Cổng thông tin việc làm thu hút nhiều doanh nghiệp tại Ấn Độ
Tại Ấn Độ, ngay từ năm 2015, chính phủ nước này đã triển khai Dịch vụ Hướng nghiệp Quốc gia (NCS), nhằm thúc đẩy hoạt động tuyển dụng, đáp ứng nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp tạo thêm việc làm cho người lao động.
Một trong số các trụ cột chính của dự án này là cổng thông tin tập trung kỹ thuật số NCS - một nền tảng nhằm kết nối người lao động và nhà tuyển dụng thuộc nhiều ngành nghề, hỗ trợ và tư vấn nghề nghiệp, cung cấp thông tin về các khóa học phát triển kỹ năng cho người lao động. NCS không thu bất kỳ khoản phí nào của các bên liên quan đối với việc đăng ký trên cổng thông tin và các dịch vụ.
Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy, cổng thông tin NCS đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn, khi cán mốc 1 triệu doanh nghiệp đăng ký sử dụng dịch vụ trong giai đoạn 2022 - 2023. Số vị trí cần tuyển dụng được đăng ký trong giai đoạn này cũng đạt mức kỷ lục 3,57 triệu, tăng gần gấp 3 lần so với giai đoạn trước đó.
Mô hình cổng thông tin việc làm ở Singapore
Tại Singapore, người dân có nhu cầu việc làm có thể tìm được công việc đúng nhu cầu, sở trường và năng lực đào tạo của mình trên cổng thông tin việc làm. Đây là bước phát triển cao hơn của mô hình Ngân hàng việc làm quốc gia ra đời từ năm 2014.
Mô hình Ngân hàng việc làm quốc gia ra đời năm 2014, tạo nên cầu nối giữa người lao động và nhà tuyển dụng. Tuy nhiên chỉ 3 năm sau đó, năm 2017, ngân hàng việc làm đã được tích hợp vào hệ thống thông tin của Chương trình đào tạo kỹ năng quốc gia của Singapore.
Lý do của việc tích hợp này là các nhà quản lý Singapore thấy rằng việc làm là một bộ phận gắn liền với đào tạo, học tập kỹ năng của người dân. Do đó khi xuất hiện số liệu về nhu cầu tìm việc làm ở các ngành nghề cũng là số liệu cho thấy nhu cầu cần phải đào tạo về các kỹ năng ngành nghề mà người dân nước này còn thiếu. Việc tích hợp thêm nhiều thông tin sẽ tạo nên hệ thống ngày càng thông minh, giúp người tìm việc nhanh hơn, thuận tiện hơn, tìm được đúng việc làm phù hợp với mình.
Bên cạnh đó, cổng thông tin việc làm cũng còn là một bách khoa toàn thư về các lĩnh vực ngành nghề cung cấp nhiều nguồn kiến thức bổ ích như cách thức tìm kiếm việc làm hiệu quả, tư vấn chuyên gia về phát triển nghề nghiệp hay chia sẻ những kinh nghiệm thành công từ chính những người tìm việc khác. Cổng thông tin cũng cung cấp thông tin về các khóa học, hội nghị hội thảo, hội chợ việc làm…
Tính năng mới nhất được cung cấp trên cổng thông tin là CareerFinders, tạm dịch là tìm nghề. Đây là công cụ số giúp bạn lập kế hoạch nghề nghiệp, giúp tìm kiếm được các cơ hội việc làm - thậm chí còn tiến cử cả những công việc mà trí tuệ nhân tạo AI nhận thấy phù hợp bộ kỹ năng nghề nghiệp mà bạn đang có.
Trong thời gian tới, để đẩy nhanh quá trình xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến quốc gia, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động thương binh và xã hội sẽ cần phải phối hợp với các bộ, ngành để chuẩn hoá dữ liệu, kết nối các trung tâm, cơ sở giao dịch việc làm riêng lẻ hiện nay thành một đầu mối thống nhất và đồng bộ. Mục tiêu để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người lao động cả nước có thể tiếp cận đầy đủ và thuận lợi.
Theo VTV.VN
(HBĐT) - 8 tháng qua, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách, chương trình tín dụng; đồng thời, tích cực rà soát khách hàng đủ điều kiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
(HBĐT) - Chiều 21/8, UBND tỉnh tổ chức họp Ban Chỉ đạo đôn đốc thu, nộp ngân sách Nhà nước tỉnh nhằm đánh giá kết quả thu ngân sách Nhà nước 7 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ các tháng tiếp theo năm 2023. Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo đôn đốc thu, nộp ngân sách Nhà nước tỉnh chủ trì cuộc họp.
(HBĐT) - Trong 8 tháng, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh ước thực hiện 2.238 tỷ đồng, đạt 32,4% dự toán HĐND tỉnh, bằng 71% so với cùng kỳ năm 2022. Để phấn đấu hoàn thành dự toán HĐND tỉnh giao cả năm là 6.900 tỷ đồng, trong 4 tháng cuối năm phải thực hiện thu khoảng 4.662 tỷ đồng, bình quân khoảng 1.165,5 tỷ đồng/tháng, tăng gấp 4 lần so với thu bình quân 8 tháng (khoảng 279,8 tỷ đồng/tháng). Theo Cục Thuế tỉnh, đây là nhiệm vụ hết sức nặng nề và thực hiện trong bối cảnh nhiều áp lực.
(HBĐT) - Mỗi khi mưa lũ, việc đi lại, vận chuyển nông sản, hàng hóa của bà con xã Tân Minh (Đà Bắc) hết sức khó khăn do ngầm tràn Diều Luông, xóm Diều Luông và ngầm Trầm ở xóm Mít ngập hoàn toàn.
(HBĐT) - Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Tân Lạc có trên 5.700 hội viên, sinh hoạt tại 17 cơ sở Hội. Phát huy truyền thống, phẩm chất người lính Cụ Hồ, trở về với cuộc sống đời thường, hội viên CCB huyện luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, giúp đỡ, động viên nhau vươn lên phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhờ đó đã hình thành nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, góp phần phát triển KT-XH địa phương.