Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành xuống mức thấp, gần như tương đương với thời kỳ trước dịch COVID-19. Lãi suất huy động và lãi suất cho vay theo đó cũng được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm dần. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng tín dụng vẫn chưa có nhiều khả quan, dù thời điểm này nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp thông thường sẽ rất lớn để đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh dịch vụ, sản phẩm cho mùa lễ tết cuối năm.


Chuẩn bị tiền mặt cho khách hàng vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Nhu cầu tín dụng vẫn thấp

Theo ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch Hội Dệt may Thêu Đan TP Hồ Chí Minh, tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn vẫn chưa có nhiều cải thiện, do nhu cầu thị trường vẫn còn yếu ở hầu hết các thị trường nhập khẩu truyền thống của ngành dệt may. Trong khi đó, hàng tồn kho vẫn tăng cao (theo số liệu của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh chỉ số tồn kho ngành sản xuất trang phục tăng 28,1% trong 7 tháng năm 2023), dòng tiền quay vòng rất chậm.

Với diễn biến trên, ông Việt cho biết, doanh thu của doanh nghiệp dệt may ước giảm tới 20% trong 8 tháng năm nay. Dự báo tình hình khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành có thể sẽ kéo dài đến hết năm 2024.

Cũng theo ông Phạm Văn Việt, với tình hình thị trường còn nhiều khó khăn, không ít doanh nghiệp dệt may phải cắt giảm lao động hoặc giảm giờ làm, thậm chí có doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất. Đối với các doanh nghiệp còn cầm cự đến thời điểm này thì đang cố gắng duy trì sản xuất chứ rất ít doanh nghiệp mở rộng đầu tư sản xuất. Do đó, nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp dệt may ở thời điểm này không cao.

Mặt khác, hiện mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm dần, tuy nhiên điều kiện cho vay của các ngân hàng thương mại hầu như không thay đổi. Trong bối cảnh khó khăn của thị trường tiêu thụ, dòng tiền luân chuyển chậm nên rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng điều kiện tín dụng của các ngân hàng. Việc tiếp cận vốn theo đó vẫn là bài toán khó với các doanh nghiệp có nhu cầu vay ở thời điểm này.

Tình hình khó khăn ở các doanh nghiệp dệt may cũng diễn ra tương tự trong ngành lương thực – thực phẩm. Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực và đồ uống của Tp. Hồ Chí Minh trong 7 tháng năm 2023 ghi nhận giảm 5,8% so với cùng kỳ.

Dù mức giảm không lớn, tuy nhiên theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực – Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, đây là con số đáng lưu ý. Bởi lẽ, trong 5 năm gần đây, chưa bao giờ ngành lương thực thực phẩm thành phố rơi vào tình trạng suy giảm như vậy, kể cả trong 2 năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do suy thoái kinh tế toàn cầu dẫn đến các đơn hàng xuất khẩu giảm đáng kể, tiêu dùng nội địa cũng suy giảm, chưa kể trên thị trường ngành lương thực thực phẩm đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt.

Trong khi đó, chi phí sản xuất của các doanh nghiệp lại gia tăng đáng kể. Vì vậy, hầu hết các doanh nghiệp trong ngành ưu tiên tiết kiệm chi phí sản xuất, kiểm soát rủi ro dòng tiền, lấy điểm hòa vốn để duy trì sản xuất. Rất ít doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn mở rộng sản xuất trong bối cảnh thị trường khó khăn hiện nay. Chi phí lãi vay sẽ là áp lực lớn cho doanh nghiệp ở thời điểm này.

Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp dệt may và lương thực thực phẩm ở Tp. Hồ Chí Minh dẫn đến cầu tín dụng thấp là tình trạng chung của cộng đồng doanh nghiệp cả nước hiện nay. Điều này cũng phần nào lí giải nguyên nhân tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế vẫn "ì ạch” dù đã qua 8 tháng của năm 2023 cũng như nhiều ngân hàng thương mại đã đẩy mạnh các chương trình tín dụng ưu đãi nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn cho khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 7/2023, tín dụng toàn nền kinh tế chỉ tăng khoảng 4,3%, giảm nhẹ từ mốc 4,7% trong tháng 6.

Chính sách hỗ trợ cần linh hoạt, đa dạng hơn

Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, tăng trưởng tín dụng đang duy trì ở mức thấp hơn nhiều so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 2023 từ phía Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng thấp thứ hai trong thập kỷ qua.

Mirae Asset Việt Nam cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tăng trưởng tín dụng khó khăn là lãi suất cho vay cao dai dẳng. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần cắt giảm lãi suất điều hành trong 6 tháng đầu năm 2023 với tổng cộng 150 điểm cơ bản, song lãi suất cho vay tiếp tục neo ở mức cao, hạn chế nhu cầu vay. Ngoài ra, điều kiện kinh tế khó khăn kéo dài, dẫn đến nhu cầu tín dụng phục vụ mục đích mở rộng kinh doanh và các hoạt động đầu tư ở mức thấp.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cũng cho rằng, nguyên nhân chính khiến tín dụng vẫn tăng trưởng thấp so với cùng kỳ các năm trước đây chủ yếu là do nhu cầu vốn trong nền kinh tế thấp. Khó khăn của thị trường, khó khăn của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hợp tác xã đã ảnh hưởng nhất định đến quá trình tuần hoàn và luân chuyển vốn, đến nhu cầu mở rộng hoạt động kinh doanh… Những điều này tác động trực tiếp đến nhu cầu tín dụng và kết quả tăng trưởng tín dụng trong thời gian qua.

Với bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế hiện nay, định hướng tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2023 khoảng 14-15% nhiều khả năng khó khả thi. Để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi không chỉ có chính sách tiền tệ nới lỏng mà cần kết hợp các chính sách hỗ trợ khác, đặc biệt là chính sách tài khóa.

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, bản thân ngành ngân hàng, bằng những hành động cụ thể cùng với chính sách tiền tệ tín dụng đang triển khai đã rất nỗ lực trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh từng bước vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng khi thị trường, nền kinh tế khởi sắc với những tín hiệu tích cực.

Tuy nhiên, để chính sách tiền tệ tín dụng phát huy hiệu quả hơn nữa, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế, vẫn cần tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ, các giải pháp có liên quan về tài chính, thị trường tiêu thụ, hoạt động xuất nhập khẩu, môi trường đầu tư kinh doanh… Điều này sẽ tạo những hiệu ứng nhanh hơn, mạnh hơn và tác động tích cực đối với các trụ cột tăng trưởng của nền kinh tế như đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Theo đó, cầu tín dụng sẽ tăng khi các hoạt động này được cải thiện và tăng trưởng. Đặc biệt, lĩnh vực đầu tư và tiêu dùng sẽ là các lĩnh vực sẽ phục hồi tốt hơn nếu phát huy các giải pháp đồng bộ và hành động quyết tâm, phối hợp hiệu quả chính sách và thực hiện toàn diện.

Trong báo cáo Điểm lại tháng 8/2023, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng, nền kinh tế Việt Nam gặp khó khăn, do tổng cầu yếu đi và tăng trưởng giảm tốc xuống dưới mức tiềm năng đòi hỏi phải có những hỗ trợ chính sách chủ động.

Theo đó, WB khuyến nghị, chính sách tài khóa của Việt Nam cần đóng vai trò chủ đạo hơn trong thời gian tới, đảm bảo ngân sách đầu tư năm 2023 được triển khai tốt hơn rõ rệt, do dư địa tài khóa còn dồi dào. Bên cạnh việc thúc đẩy đầu tư công, các chính sách nhằm hỗ trợ người lao động và các hộ gia đình bị ảnh hưởng khi kinh tế chững lại thông qua nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đảm bảo an sinh xã hội cũng là cách để hỗ trợ cho tổng cầu.

Các chuyên gia của WB cho rằng, việc hỗ trợ bằng chính sách tài khóa nên được thực hiện song hành với việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, nhưng dư địa để nới lỏng thêm không còn nhiều. Vì nhu cầu tín dụng vẫn tiếp tục ở mức thấp mặc dù lãi suất đã giảm, việc cắt giảm lãi suất thêm nữa chưa chắc đã đem lại hiệu ứng mong muốn nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, cắt giảm lãi suất sẽ làm tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực cho tỷ giá. Trong trung hạn, chính sách tài khóa có thể giúp nâng cao tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Thro TTXVN

Các tin khác


Ngành Ngân hàng nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tiếp sức cho nền kinh tế

(HBĐT) - Tám tháng năm 2023, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn thì điều đáng ghi nhận là nỗ lực đồng hành của hệ thống ngân hàng (NH), tổ chức tín dụng (TCTD). Thông qua thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt và hiệu quả, ngành NH đã phát huy vai trò là kênh dẫn vốn chủ lực phục vụ sản xuất, kinh doanh (SXKD), góp phần tiếp sức cho nền kinh tế.

Huyện Tân Lạc đôn đốc tiến độ các dự án trọng điểm

(HBĐT) - Huyện Tân Lạc tập trung chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ các dự án quan trọng, có tác động lan tỏa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện dân sinh, đưa nhanh nghị quyết của Đảng vào cuộc sống.

Hướng đến sản xuất nông nghiệp chất lượng cao

(HBĐT) - Phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, bền vững được huyện Cao Phong triển khai thực hiện góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Đẩy nhanh tiến độ các chương trình mục tiêu quốc gia

(HBĐT) - Trước Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XV, thông qua Đoàn ĐBQH tỉnh, cử tri tỉnh Hoà Bình đã gửi Quốc hội, Chính phủ một số kiến nghị liên quan đến các vấn đề KT - XH trên địa bàn tỉnh. Vừa qua, Bộ KH&ĐT đã có văn bản trả lời các kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình.

Đóng góp trên 7.000 ngày công lao động xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân các cấp trong tỉnh đã vận động hội viên đóng góp được 7.047 ngày công lao động, hiến 3.105 m2 đất để xây dựng đường giao thông nông thôn; nạo vét, tu sửa và khơi thông dòng chảy gần 200 km kênh mương nội đồng; phát quang gần 300 km đường giao thông nông thôn.

Xuất siêu hơn 20 tỷ USD trong 8 tháng

Đà sụt giảm xuất nhập khẩu đang tiếp tục chậm lại. Tính chung 8 tháng, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu hơn 20 tỷ USD.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục