Dù nền kinh tế đang có bước phục hồi nhưng hoạt động sản xuất - kinh doanh trong nhiều lĩnh vực vẫn còn gặp khó khăn. Một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm sản lượng, thậm chí rút lui khỏi thị trường…

Nếu những vấn đề này không sớm được giải quyết sẽ ảnh hưởng đến sức tăng trưởng của nền kinh tế từ nay đến cuối năm bên cạnh những hậu quả khác. 


Đóng gói sản phẩm sau gạo tại Công ty Cổ phần thực phẩm Bích Chi (thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh tư liệu: Nhựt An/TTXVN

Tổng cục Thống kê cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước có 131,9 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, bình quân một tháng có 18,8 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 113,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 19,8% so với cùng kỳ; bình quân một tháng có 16,2 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Những số liệu trên cho thấy bức tranh doanh nghiệp còn khó khăn, thể hiện sự trầm lắng về khởi nghiệp cũng như suy giảm khả năng tồn tại trên thương trường.

Thực tế cho thấy nguyên nhân tổng cầu yếu, thiếu đơn hàng, chi phí sản xuất gia tăng đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư, thương mại bị thu hẹp trên diện rộng. Thông tin từ các Hiệp hội doanh nghiệp cho biết, những khó khăn hiện nay đối với doanh nghiệp chủ yếu là sự sụt giảm đơn hàng, khó khăn tiếp cận nguồn vốn, mất cơ hội xuất khẩu… và ngày càng gây áp lực cho các đơn vị.

Cùng với đó là chi phí sản xuất tăng cao. Dẫn chứng thực tế hiện nay, đối với doanh nghiệp chế biến sản phẩm từ gạo đang gặp khó vì giá gạo tăng, trong khi cơ sở nhỏ không đủ nguồn chi phí, phải tiết kiệm tối đa các khoản; đầu thêm tư trang thiết bị, máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất.

Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi (thành phố Sa Đéc) - một công ty chuyên sản xuất bột, các sản phẩm từ gạo có quy mô lớn và nổi tiếng ở Đồng Tháp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi "cơn sóng” tăng giá gạo. Ông Phạm Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi cho hay, gần đây, giá gạo nguyên liệu tăng đột ngột, gây khó khăn cho công ty trong việc sản xuất, kinh doanh.

Không những thế, đối với doanh nghiệp việc chậm hoàn thuế VAT cũng là một thực tế, gây ảnh hưởng không nhỏ trong khi nguồn lực dần cạn kiệt do chống chọi với dịch COVID-19, suy giảm kinh tế toàn cầu . Bên cạnh đó, vẫn còn những rào cản, sự chống chéo, bất cập về quy định, quy trình quản lý của cơ quan chức năng. Điều này khiến doanh nghiệp càng bị động, là bất lợi chồng lên khó khăn dẫn đến hậu quả "sức khỏe” cạn kiệt.

Từ góc nhìn tổng quát, ông Mạc Quốc Anh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội xác nhận, rất nhiều doanh nghiệp gặp khó, đối diện thách thức từ nhiều chiều; trong đó, chủ yếu là thiếu đơn hàng, giảm sút sức mua trên thị trường; nhất là thiếu vốn.

Là một nền kinh tế có độ mở lớn, nhưng khả năng thích ứng, sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài, cũng như năng lực cạnh tranh quốc tế còn hạn chế, kinh tế Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bối cảnh kinh tế thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương, chúng ta đã chịu "tác động kép”, không chỉ từ các yếu tố tiêu cực bên ngoài, mà còn từ những hạn chế, bất cập nội tại kéo dài nhiều năm qua. Đó là tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài; các ngân hàng thương mại yếu kém, doanh nghiệp, dự án thua lỗ, chậm tiến độ dù đang được xử lý nhưng chưa thực sự dứt điểm và hiệu quả; các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn nhiều bất cập...

"Bởi thế, dù rất nỗ lực và đã có những tín hiệu khả quan hơn, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước, nhưng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 6 tháng đầu năm mới ước đạt 3,72%, thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Điều này đặt áp lực nặng nề lên việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm nay...", Thứ trưởng Phương trăn trở.

Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ngay cả khi năm nay đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5%, thì bình quân hai năm 2024-2025, tăng trưởng GDP phải đạt 7,76%/năm, mới có thể đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm là 6,5%, cận dưới mục tiêu 5 năm 6,5-7%, theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Còn nếu tăng trưởng năm 2023 chỉ là 6%, thì bình quân hai năm 2024-2025, phải tăng trưởng 8%/năm.

"Đây là những mức tăng trưởng rất cao, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn còn quá nhiều yếu tố bất định, còn kinh tế trong nước vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay. Rất khó để đạt được các con số này, nếu như không có thêm những cơ chế, chính sách đột phá...", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, tuy nhiên, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì cải cách bên trong là yếu tố quyết định. Mặc dù, Thủ tướng và Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo nhưng trên thực tế, những cải cách, thay đổi bên trong chưa đủ bù đắp khó khăn từ bên ngoài.

"Chúng ta đang sử dụng quá ít chính sách tài khóa để hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí đang tăng chi phí cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tỷ lệ giải ngân các gói hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế đạt thấp", ông Cung cho hay.

Còn theo ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban nghiên cứu tổng hợp của CIEM, nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn quan trọng, song cũng cần lưu tâm hơn đến tháo gỡ khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp; trong đó, cần cải thiện tiếp cận vốn và khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng suất lao động; mạnh dạn ban hành quy định về cơ chế thử nghiệm cho các mô hình kinh tế mới (fintech, kinh tế tuần hoàn).

Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho biết, ngành công thương thành phố tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp có sản phẩm được công nhận sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp tiềm năng của thành phố; đồng thời, ngành này sẽ bám sát kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn thành phố; kế hoạch phát triển ngành logistics... nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhóm ngành sản xuất trên địa bàn thành phố.

Thứ trưởng Phương cho biết, bên cạnh việc thực hiện các chính sách tiền tệ, tài khóa linh hoạt, chủ động, kịp thời và hiệu quả, cũng như các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công…, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu Chính phủ báo cáo Bộ Chính trị về việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất - kinh doanh và đầu tư.

"Đây là các vấn đề cấp thiết, cần khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

Theo TTXVN

Các tin khác


Triển vọng giống mía mô F134 ở xã Mỹ Hòa

(HBĐT) - Năm 2022, giống mía mô F134 được xã Mỹ Hòa (Tân Lạc) triển khai trồng thay cho giống mía tím bản địa bị thoái hóa qua nhiều năm canh tác đã cho hiệu quả rõ rệt. Mía sinh trưởng, phát triển tốt với nhiều ưu thế khi có khả năng nảy mầm cao, đều, mọc nhanh, khả năng đẻ nhánh, chịu hạn tốt, trữ lượng đường cao, được thị trường ưa chuộng. Đây là giống mía được thực hiện bằng phương pháp nuôi cấy mô do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Sở KH&CN cung cấp.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

(HBĐT) - Để đẩy nhanh tiến độ Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Đà Bắc đã triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, việc đầu tư các hạ tầng thiết yếu được xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhất.

Gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng: Tỷ lệ giải ngân rất thấp

Ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 quy định một số chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có gói tín dụng ưu đãi lãi suất 2% với nguồn kinh phí từ ngân sách 40.000 tỷ đồng được kỳ vọng là "phao cứu trợ" để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, nhưng đến nay tỷ lệ giải ngân của gói tín dụng này vẫn rất thấp.

Không dễ với bài toán kích cầu tín dụng

Kể từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành xuống mức thấp, gần như tương đương với thời kỳ trước dịch COVID-19. Lãi suất huy động và lãi suất cho vay theo đó cũng được các ngân hàng thương mại điều chỉnh giảm dần. Tuy nhiên, tình hình tăng trưởng tín dụng vẫn chưa có nhiều khả quan, dù thời điểm này nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp thông thường sẽ rất lớn để đáp ứng nhu cầu đầu tư sản xuất kinh doanh dịch vụ, sản phẩm cho mùa lễ tết cuối năm.

Đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu nông sản

Trong tháng 8/2023, các địa phương trên cả nước vẫn tích cực triển khai các hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản. Trong điều kiện nhiều mặt hàng nông sản trên thế giới đang có biến động lớn về nhu cầu và giá cả, sản xuất chính là bệ đỡ để bảo đảm nguồn cung phục vụ xuất khẩu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục