(HBĐT) - UBND tỉnh ban hành Công văn số 1520/UBND-KTN, ngày 5/9/2023 về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công (ĐTC) (bao gồm cả vốn ODA) những tháng cuối năm 2023.
Dự án đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với quốc lộ 6 (TP Hòa Bình) được đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo giải ngân theo kế hoạch.
(1) Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các Ban quản lý dự án (BQLDA) chuyên ngành của tỉnh và các chủ đầu tư (CĐT): Nghiêm túc, quyết liệt triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh trong việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong các nghị quyết của Chính phủ; Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 23/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn ĐTC, 3 chương trình MTQG năm 2023, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; các công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch ĐTC vốn NSNN năm 2023 và về thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu; Chỉ thị số 02/CT-UBND, ngày 11/01/2023 của UBND tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN tỉnh Hòa Bình năm 2023.
Đẩy mạnh phân bổ, triển khai thực hiện và giải ngân vốn ĐTC, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, 3 Chương trình MTQG; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình, dự án ĐTC trọng điểm, liên vùng, dự án có tác động lan tỏa...
Quyết liệt, chủ động xử lý, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn một cách kịp thời, hiệu quả theo chức năng, nhiệm vụ được giao...
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn ĐTC; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các CĐT, BQLDA, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn ĐTC...
Tập trung tháo gỡ khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác nguyên vật liệu đất, đá, cát phục vụ các dự án; công bố giá các loại vật liệu xây dựng phổ biến trên địa bàn theo thẩm quyền và quy định của pháp luật...; xử lý nghiêm tình trạng tạo khan hiếm giả, liên kết giữa các chủ mỏ vật liệu để nâng giá, khai thác, cung cấp không đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc thi công các dự án…
(2) Các CĐT dự án ODA: Ngoài thực hiện những nội dung trên cần khẩn trương thực hiện các giải pháp trong phạm vi quản lý của mình và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân của các chương trình, dự án ODA do đơn vị mình làm CĐT.
Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT, các cơ quan liên quan để kịp thời trao đổi với nhà tài trợ trong trường hợp có vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các dự án có thay đổi, cần thiết phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay...
Kịp thời báo cáo UBND tỉnh các khó khăn, vướng mắc phát sinh, đặc biệt là các vướng mắc liên quan đến thể chế chính sách để báo cáo Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm đẩy nhanh tốc độ giải ngân các dự án.
Tập trung triển khai các chương trình, dự án để kịp thời có khối lượng cho giải ngân. Chủ động điều phối, giám sát chặt chẽ công tác thực hiện dự án của các bên liên quan theo các nguồn vốn, bảo đảm việc thực hiện thông suốt, chủ động phát hiện các vướng mắc để xử lý ngay hoặc báo cáo, đề xuất UBND tỉnh phối hợp với các bộ, ngành liên quan có biện pháp xử lý theo thẩm quyền.
Tăng cường năng lực tổ chức thực hiện dự án ODA, vay ưu đãi nước ngoài ở cấp CĐT và BQLDA, bảo đảm bố trí đội ngũ cán bộ quản lý dự án có năng lực, trình độ chuyên môn cao.
Giải ngân hết 100% kế hoạch nguồn vốn nước ngoài năm 2023 còn lại sau khi đề nghị điều chỉnh cắt giảm. Chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh về số liệu đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2023...
P.V (TH)