(HBĐT) - Sau khi đắp đập ngăn sông Đà xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình đã tạo nên hồ Hòa Bình rộng lớn với dung tích khoảng 9,45 tỷ m3, diện tích mặt hồ khoảng 8.900 ha. Hồ tuy không xây dựng cho mục đích thủy sản, nhưng với điều kiện về mặt nước rộng, dòng chảy phù hợp nên thuận lợi cho phát triển nuôi cá lồng bè.


Một số hộ ở tổ Vôi, phường Thái Bình (thành phố Hòa Bình) nuôi cá lồng kết hợp khai thác du lịch trên vùng lòng hồ Hòa Bình.

Hồ Hòa Bình có khu hệ sinh vật thủy sản rất đa dạng, phong phú. Theo kết quả điều tra, hồ có 123 loài thuộc 79 giống, 19 họ. Trong đó có nhiều loài quý hiếm, giá trị kinh tế cao và có ý nghĩa về nghiên cứu khoa học. Hồ Hòa Bình được coi là kho tàng quý giá về nguồn lợi sinh vật và nguồn lợi thủy sản. Hồ có nhiều eo ngách, dạng hình sông, diện tích các eo ngách lớn nên thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa. Theo kết quả đánh giá sức tải môi trường, hàng năm, sản lượng nuôi trồng thủy sản của hồ Hòa Bình có thể đạt 20 - 25 nghìn  tấn với số lượng lồng nuôi tối đa khoảng 10.000 lồng. 

Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Với lợi thế đó, nhiều năm nay, người dân vùng lòng hồ ngoài đánh bắt thủy sản đã chú trọng nuôi cá lồng. Đây là nguồn thu nhập chính cho các hộ dân sống trên vùng hồ. Nuôi cá lồng bè trên hồ Hòa Bình trong giai đoạn 2015 - 2022 phát triển rất nhanh. Số lồng nuôi cá năm 2015 là 2.317 lồng, đến năm 2022 phát triển lên 4.900 lồng, tăng trên 2.580 lồng, tỷ lệ   tăng 111,48%, bình quân tăng 13,93%/năm. Nuôi cá lồng hồ Hòa Bình được chú trọng, do vậy sản lượng nuôi trồng tăng mạnh. Sản lượng cá thu hoạch năm 2015 là 1.398 tấn, đến năm 2022 đạt 5.482 tấn, tăng 4.084 tấn, tỷ lệ tăng 292,13%, bình quân tăng 36,5%/năm, gồm các loài cá: chiên, lăng chấm, diêu hồng, trắm đen, bỗng, tầm, trắm cỏ, rô phi...

Từ nuôi trồng thủy sản đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.600 lao động. Tham gia nuôi cá lồng không chỉ có các hộ dân ven hồ mà đã có nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh. Hiện trên hồ Hòa Bình có gần 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại đầu tư nuôi cá lồng, trong đó có các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư. Thương hiệu cá, tôm sông Đà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu "Cá Sông Đà - Hòa Bình", "Tôm Sông Đà - Hòa Bình". Đến năm 2022 đã cấp 15 giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Cá Sông Đà - Hòa Bình”. Tỉnh đã xây dựng được 3 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm: thành phố Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Tân Lạc - Mai Châu. Qua đó góp phần nâng cao giá trị cá sông Đà và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Một số cơ sở nuôi cá tại lòng hồ Hòa Bình xây dựng được thương hiệu và chuỗi cửa hàng tiêu thụ sản phẩm tại Hà Nội như: Cá sạch sông Đà; cá sạch Cường Thịnh, cá sạch Đà Giang ECO. Một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống lồng, bè nuôi tiên tiến, nuôi theo hình thức thâm canh như: Công ty TNHH  Hải Đăng, phường Thái Bình (thành phố Hòa Bình) có 200 lồng nuôi với thể tích 21.600 m3, Công ty TNHH Cường Thịnh tại phường Thái Bình có 240 lồng với thể tích 25.920 m3, Công ty TNHH Hưng Nguyên tại xã Vầy Nưa (Đà Bắc) có 180 lồng với thể tích 19.440 m3.

Cũng theo đồng chí Hoàng Văn Son, hiện tại, trên hồ Hòa Bình đã hình thành mô hình hộ dân vừa nuôi cá lồng cung cấp cho thị trường, vừa gắn với phát triển du lịch sinh thái, giải trí. Các hộ đã chủ động kết hợp vừa nuôi cá, vừa đầu tư thuyền du lịch để phục vụ du khách như: dịch vụ đưa đón khách trên thuyền vào các điểm tham quan trong quần thể hồ Hòa Bình, phục vụ nhu cầu ẩm thực ngay trên thuyền, đưa khách tham quan khu nuôi cá, chế biến các món ăn từ sản phẩm cá lồng... Nhờ những cách làm này, du khách được trải nghiệm những dịch vụ mới mẻ, tham quan và sử dụng dịch vụ, sản phẩm đặc sản của địa phương. Mô hình nuôi cá lồng trên vùng lòng hồ gắn với du lịch đã mở ra hướng đi mới trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng sản lượng, tiêu thụ, giá trị sản xuất thủy sản. Qua đó cũng là lời mời gọi du khách đến với Hòa Bình, góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

 Việt Lâm

Các tin khác


Kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ hội cá tôm sông Đà

(HBĐT) - Sáng 25/10, đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác đã kiểm tra công tác chuẩn bị Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hoà Bình lần thứ nhất, Hội chợ nông nghiệp và triển lãm sản phẩm OCOP khu vực trung du, miền núi phía Bắc năm 2023. 

Huyện Kim Bôi: Phát triển kinh tế rừng

(HBĐT) - Những năm gần đây, người dân huyện Kim Bôi tập trung phát triển kinh tế theo hướng trồng rừng sản xuất. Phát triển kinh tế rừng đem lại những lợi ích thiết thực về KT-XH, bảo vệ rừng đầu nguồn, bảo vệ môi trường, tăng độ che phủ rừng và tạo việc làm tại chỗ, đảm bảo nguồn thu nhập ổn định, góp phần xóa đói - giảm nghèo cho người dân địa phương.

Mở ra cơ hội hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp tại Vương quốc Anh

(HBĐT) -Từ ngày mùng 8 - 14/10, tỉnh Hòa Bình đã tham gia Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Vương quốc Anh. Đây là hoạt động thường niên do Bộ Ngoại giao tổ chức nhằm đồng hành, hỗ trợ các địa phương tăng cường kết nối hợp tác với các đối tác nước ngoài. Đoàn công tác tỉnh Hòa Bình do đồng chí  Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dẫn đầu đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch (XTĐT,TM&DL) để giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh và môi trường đầu tư của tỉnh Hòa Bình đến với các nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp (DN) tại Vương quốc Anh. 

Hội Nông dân xã Phú Thành: Hiệu quả từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi

(HBĐT) - Những năm qua, Hội Nông dân (HND) xã Phú Thành (Lạc Thủy) đã triển khai thực hiện hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ phát triển KT-XH của địa phương.

10 tháng, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 71% dự toán

(HBĐT) - Trong tháng 10, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện Lạc Thủy ước thực hiện 2.389 triệu đồng, lũy kế 10 tháng đạt 110.928 triệu đồng, đạt 71,57% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 27,49% nghị quyết HĐND huyện giao. Tổng thu ngân sách huyện ước thực hiện tháng 10 đạt 43.181 triệu đồng, lũy kế 10 tháng đạt 596.850 triệu đồng, đạt 111,13% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 80% nghị quyết HĐND huyện giao. Tổng chi ngân sách huyện ước thực hiện tháng 10 đạt 42.714 triệu đồng, lũy kế 10 tháng đạt 591.461 triệu đồng, đạt 110,13% dự toán UBND tỉnh giao, đạt 79,27% nghị quyết HĐND huyện giao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục