"Đội thanh niên tình nguyện thu gom rác trên địa bàn nông thôn" xóm Mừng, xã Hợp Phong (Cao Phong) hoạt động tích cực, góp phần bảo vệ môi trường, chung tay xây dựng nông thôn mới.
Thực tế trong quá trình triển khai thực hiện, có một số tiêu chí khó thực hiện như tiêu chí số 14 về y tế (Bộ tiêu chí NTM nâng cao); hay như chỉ tiêu 14.1 về tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên 95%, trong khi đó trước khi đạt chuẩn xã NTM, người dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn xã được hỗ trợ 100% kinh phí mua thẻ BHYT, sau khi đạt chuẩn NTM, xã thuộc khu vực I nên không được hỗ trợ BHYT, tỷ lệ người dân tham gia BHYT chỉ đạt 60-80%. Tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều (bao gồm cả hộ nghèo và hộ cận nghèo) trong Bộ tiêu chí xã NTM yêu cầu dưới 13%, Bộ tiêu chí nâng cao yêu cầu dưới 8%, trong khi tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện còn cao. Việc huy động các nguồn lực, đặc biệt huy động nguồn vốn đối ứng ngoài NSNN để thực hiện các dự án, công trình theo Nghị quyết số 182/2022/NQ-HĐND, ngày 20/10/2022 của HĐND tỉnh rất khó khăn.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, ngay từ đầu năm, UBND huyện Cao Phong đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn triển khai các văn bản của T.Ư, tỉnh, huyện, đồng thời phân công từng người, từng phần việc. Công tác kiểm tra, giám sát được thường xuyên, nhất là tập trung chỉ đạo các xã đạt chuẩn NTM theo kế hoạch, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của hệ thống chính trị các cấp và hưởng ứng tham gia tích cực của nhân dân trong huyện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đạt chỉ tiêu đề ra, nhiều công trình hạ tầng nông thôn được xây mới, nâng cấp; hình thành nhiều mô hình phát triển sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa có hiệu quả, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH của huyện; an ninh trật tự được giữ vững.
Đồng chí Hà Văn Di, Bí thư Huyện ủy Cao Phong cho biết: Huyện quyết tâm cao thực hiện các tiêu chí xây dựng huyện NTM. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, nhất là dự án các khu dân cư, công trình phục vụ mục tiêu xây dựng NTM..., góp phần mở rộng không gian đô thị, khơi dậy nguồn lực phát triển và hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM. Bên cạnh đó, với quyết tâm tạo đột phá trong xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH, huyện ưu tiên lồng ghép các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông. Trong đó, khởi công xây dựng một số công trình giao thông trọng điểm (đường QH13, đường Hợp Phong, đường Bắc Phong - Thung Nai); hoàn thành trên 30 km đường huyện và một số công trình giao thông nông thôn (GTNT); phối hợp triển khai hiệu quả các dự án về giao thông trên địa bàn; tích cực vận động người dân tham gia xây dựng đường GTNT gắn với thực hiện Đề án cứng hóa đường GTNT tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2021 - 2025... Đến nay, tỷ lệ cứng hóa đường ô tô đến trung tâm xã, cứng hóa hệ thống đường huyện, đường xã đạt 100%; đường xóm, khu dân cư đạt 80%...
Cùng với hệ thống GTNT, các kết cấu hạ tầng thủy lợi, trường học, mạng lưới điện, công nghệ thông tin... cũng được đầu tư nâng cấp đảm bảo nhu cầu sản xuất và đời sống. Cơ sở vật chất, trang thiết bị lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa ngày càng hoàn thiện. Hạ tầng đô thị phát triển đồng bộ, thị trấn Cao Phong đạt đô thị loại V…
Tính đến nay, huyện đã đạt 4/9 tiêu chí (gồm: giao thông; thủy lợi; điện; hệ thống chính trị - an ninh trật tự - hành chính công); 7/9 xã đạt chuẩn NTM; 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 khu dân cư NTM kiểu mẫu; bình quân đạt 18,4 tiêu chí/xã…
Với những cách làm phù hợp, sát thực tiễn, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và vào cuộc tích cực của người dân, huyện Cao Phong quyết tâm đạt chuẩn NTM theo đúng kế hoạch, góp phần thay đổi diện mạo, nâng cao đời sống của nhân dân.
Hồng Duyên