Người dân xã Sào Báy (Kim Bôi) chăm sóc khoai tây vụ đông trên cánh đồng dồn điền, đổi thửa.
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế của địa phương, huyện quy hoạch phát triển sản xuất theo vùng, tập trung sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng thương hiệu sản phẩm, chuỗi cung ứng tiêu thụ sản phẩm an toàn. Triển khai thực hiện các mô hình và dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị như: Chuỗi ớt chỉ địa diện tích 9ha tại các xã: Bình Sơn, Đú Sáng, Xuân Thủy; ngô sinh khối 23ha tại xã Tú Sơn; cây gai xanh 40ha tại xã Tú Sơn, Xuân Thủy... Chị Bùi Thị Lan, xóm Sáng Trong, xã Đú Sáng cho biết: Đầu năm 2023, gia đình tôi chuyển đổi 1.000m2 đất ruộng một vụ kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm cây ớt chỉ địa. Sau hơn 2 tháng trồng và chăm sóc thu được trên 2 tấn quả, giá bán từ 8.000 - 10.000 đồng/kg. So với các loại cây trồng khác, cây ớt đầu tư ít, chăm sóc đơn giản hơn, ngoài thu hoạch quả công ty còn thu mua lá.
Bên cạnh đó, huyện chú trọng xây dựng thương hiệu cho nông sản địa phương. Toàn huyện có 233ha cây ăn quả có múi, thanh long, rau, dược liệu các loại đạt tiêu chuẩn VietGAP; duy trì 3 mã vùng trồng nhãn và bưởi; 1 mã cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, hỗ trợ cấp mới mã vùng trồng nội địa cho 2,6ha bưởi da xanh Nam Thượng. Có 2 HTX xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu được cấp chứng nhận an toàn thực phẩm là HTX nông nghiệp và thương mại Mường Động với 147 ha cây ăn quả có múi, HTX dịch vụ nông nghiệp Sơn Thuỷ với 34 ha nhãn.
Trong quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, dồn điền, đổi thửa là chủ trương đúng đắn nhằm đổi mới nếp nghĩ, cách làm, hình thành các vùng sản xuất tập trung, cánh đồng mẫu lớn. Đến nay, toàn huyện đã dồn điền, đổi thửa được trên 1.615ha đất nông nghiệp, tập trung chủ yếu ở các xã: Nam Thượng, Hợp Tiến, Hùng Sơn, Kim Bôi...; bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung như: vùng trồng cây ăn quả có múi tổng diện tích gần 1.500 ha, vùng trồng nhãn tổng diện tích gần 370 ha…
Trong chăn nuôi, huyện phát triển gia súc, gia cầm theo hướng tập trung, quy mô trang trại, ứng dụng các biện pháp an toàn sinh học và bảo đảm vệ sinh môi trường. Trong đó phải kể đến việc thực hiện thành công đề án phát triển trâu, bò. Đồng chí Nguyễn Thị Hòa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Kim Bôi cho biết: Toàn huyện có 1.400 con bò được vỗ béo. Sau 2 - 3 tháng vỗ béo, trâu, bò tăng được 35 - 56kg/con; 916 con bê, nghé được sinh ra từ phối giống. Qua thực hiện đề án góp phần đáng kể trong việc xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống người dân.
Đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết: Nếu năm 2015, toàn huyện chưa có sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đến nay đã có gần 200 ha cây ăn quả có múi được công nhận đạt tiêu chuẩn an toàn và VietGAP; 3,5 ha rau đạt tiêu chuẩn an toàn và PGS; 34 ha nhãn đạt tiêu chuẩn an toàn; 11 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao; 3 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu tập thể… Đây là thành quả đáng ghi nhận, cần được phát huy trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thời gian tới, huyện tiếp tục rà soát, chuyển đổi diện tích đất lúa, đất đồi kém hiệu quả sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi, cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Thực hiện liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để hỗ trợ giống, phân bón, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho người dân. Đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ; vận động doanh nghiệp, cá nhân chuyển nhượng, tích tụ đất đai để hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn...
Bùi Thoa
(Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)