Nhân dân xã Lạc Sỹ, huyện Yên Thủy tham gia trồng cây tại lễ phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Giáp Thìn 2024.
Năm 2023, thực hiện kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán, toàn tỉnh đã trồng rừng tập trung được 8.166,06 ha/5.530 ha (đạt 147,67%); trồng cây phân tán 942.220 cây /906.200 cây (đạt 104%). Trong năm, trên địa bàn tỉnh đã sản xuất trên 22 triệu cây giống các loại phục vụ kế hoạch trồng rừng (đạt 138,35%). Công tác chăm sóc, khoanh nuôi và bảo vệ rừng tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định trên 51,5% (hiện đạt 51,69%). Bên cạnh đó, toàn tỉnh đã khai thác trên 8.480 ha rừng trồng tập trung với 682.038,48 m3 gỗ; khai thác cây phân tán được hơn 20.280 m3 gỗ; gần 375.198 ste củi; 3.484.900 cây tre, bương, luồng, giang, nứa; trên 9.450 tấn măng tươi; gần 1.168 tấn dược liệu; 4.525 kg mật ong rừng... Tổng thu nhập từ rừng của các tổ chức, hộ gia đình trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt trên 931.679 triệu đồng.
Cũng trong năm 2023, ngành nông nghiệp đã phối hợp thực hiện giám sát chặt chẽ các dự án chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất lâm nghiệp, đảm bảo đúng quy định. Trong tỉnh có 13 dự án được HĐND tỉnh phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với diện tích 209,39 ha ngoài quy hoạch ba loại rừng, hiện trạng gồm 141,95 ha rừng trồng, 67,44 ha không có rừng. Duy trì diện tích được cấp chứng chỉ rừng hiện có, tiếp tục thúc đẩy tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh.
Theo kế hoạch, năm 2024, toàn tỉnh thực hiện trồng rừng tập trung 5,7 nghìn ha, trồng cây phân tán 906 nghìn cây, chăm sóc bảo vệ 100% diện tích rừng trồng hiện có, nâng cao thu nhập cho người dân làm nghề rừng. Phấn đấu duy trì ổn định độ che phủ rừng của rừng trên 51,5%. Đồng chí Nguyễn Huy Nhuận, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Để thực hiện mục tiêu, kế hoạch đề ra, ngành xác định tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp và Chương trình mục tiêu Phát triển lâm nghiệp bền vững. Duy trì và mở rộng diện tích cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên của Chính phủ. Tiếp tục khuyến khích, hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng có chứng chỉ FSC, trồng cây gỗ bản địa và lâm sản ngoài gỗ. Tiếp tục hoàn thiện và thực thi hiệu quả chính sách về chi trả dịch vụ môi trường rừng trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, để đảm bảo các diện tích trồng rừng thay thế, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ động phối hợp với chính quyền địa phương trong suốt quá trình thực hiện trồng rừng và trồng rừng thay thế, từ khâu quy hoạch đến công tác trồng, chăm sóc và quản lý, bảo vệ. Việc đánh giá, nghiệm thu từng phần phải có sự tham gia của các cơ quan chuyên môn cấp huyện. Thường xuyên trao đổi các thông tin liên quan nhằm có sự phối hợp, vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng khi xảy ra trường hợp xâm phạm diện tích rừng, tranh chấp đất rừng… Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu đúng, ủng hộ chủ trương trồng rừng. Tổ chức đánh giá tổng thể diện tích đã trồng rừng thay thế, đối với diện tích có tỷ lệ cây sống thấp, phát triển không hiệu quả, không phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng cần khẩn trương trồng dặm loại cây thích hợp nhằm đảm bảo về mật độ theo thiết kế kỹ thuật, khả năng sinh trưởng đồng đều giữa các loại cây trên cùng diện tích.
Đối với diện tích sắp triển khai trồng rừng, ngành nông nghiệp định hướng các địa phương tiến hành khảo sát, chọn địa điểm, lập hồ sơ thiết kế đảm bảo theo quy định, trong đó chú trọng khảo sát, đánh giá kỹ hiện trạng, thực địa để xây dựng phương án trồng mới hay khoanh nuôi có trồng bổ sung; tránh tình trạng bố trí đất trồng chồng lấn với đất sản xuất lâu đời của người dân; ưu tiên lựa chọn giống cây bản địa, có khả năng sinh trưởng tốt, thích nghi với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; đồng thời phải đáp ứng được mục tiêu của rừng thay thế sau khi thành rừng.
Chú trọng khâu lựa chọn cây giống, đảm bảo về chất lượng, tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ, có giấy chứng nhận nguồn gốc lô cây con do cơ quan quản lý nhà nước cấp. Tổ chức các lớp tập huấn nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng trồng, chăm sóc rừng cho người lao động. Có giải pháp căn cơ, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ nhằm kịp thời ngăn chặn việc phá hoại, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển rừng trồng.