Xã Trung Thành (Đà Bắc) có 5 xóm, 514 hộ với 1.857 nhân khẩu. Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã chú trọng lãnh, chỉ đạo công tác giảm nghèo, quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước cải thiện đời sống người dân.
Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình chị Xa Thị Chung, xóm Búa, xã Trung Thành (Đà Bắc) cho thu nhập ổn định.
Đồng chí Hà Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Thành cho biết: "Đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xã tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, đưa các loại cây, con giống phù hợp điều kiện thực tế địa phương vào sản xuất, trong đó, định hướng bà con phát triển chăn nuôi bò, lợn, trồng mía và phát triển cây lâm nghiệp. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư, chính sách giảm nghèo, xã tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông nhằm phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa thuận lợi, phát triển KT-XH địa phương".
Để phát triển kinh tế bền vững, xã vận động người dân thay đổi tư duy, tập quán canh tác, áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh quảng bá, tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Hiện toàn xã canh tác 145 ha lúa, 102 ha ngô, 98 ha sắn, 48 ha cây gai xanh, 65 ha chè Shan tuyết. Từ năm 2023 đến nay, xã trồng mới 25 ha rừng, đạt tỷ lệ che phủ rừng 65%. Toàn xã phát triển được 410 con trâu, 862 con bò, 1.235 con lợn, 16.500 con gia cầm.
Thăm mô hình chăn nuôi của hộ chị Xa Thị Chung, xóm Búa, chị Chung chia sẻ: "Gia đình tôi có 3 nhân khẩu, xuất phát điểm là hộ nghèo, ban đầu phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn. Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do huyện, xã tổ chức, gia đình mạnh dạn đầu tư trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp. Hiện, gia đình chăn nuôi 20 con lợn, trồng 1 ha keo, 2.000 m2 chè, đem lại thu nhập ổn định, cuộc sống đã khấm khá hơn, có tích lũy, thoát nghèo bền vững”.
Cây gai xanh và chè Shan tuyết đang được nhân rộng tại xã, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ. Diện tích vùng trồng cây gai xanh tại các xóm: Bay, Búa, Trung Thượng tiếp tục được nhân rộng. Sau thời gian canh tác cho thấy loại cây này phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương; thời gian thu hoạch ngắn, sau 50 - 60 ngày có thể thu hoạch, cho thu nhập, tránh được thiệt hại do thiên tai, mưa bão so với các cây chu kỳ thu hoạch dài. Đồng thời, cây gai xanh được các công ty ngoài địa bàn, tư thương thu mua đều đặn, bao tiêu đầu ra cho sản phẩm. Hiện, toàn xã có trên 65 ha chè Shan tuyết, được đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao, năng suất từ 7 - 9 tấn/ha, sản lượng bình quân đạt hơn 300 tấn, trong đó, Công ty Phương Huyền đầu tư máy móc, hỗ trợ kỹ thuật để nâng cao chất lượng và bao tiêu sản phẩm. So với các cây trồng khác, cây chè cho hiệu quả kinh tế cao, công chăm sóc đỡ vất vả hơn. Cây chè cũng có vai trò chống xói mòn, rửa trôi đất, hạn chế việc sạt lở do mưa lũ. Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình trồng chè còn gặp khó khăn do nhận thức người dân hạn chế, khó đáp ứng được những tiêu chuẩn cao của sản phẩm.
Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, đường giao thông, hỗ trợ phát triển KT-XH, trong năm 2023, người dân xã Trung Thành đã hiến 25.630 m2 đất, góp nhiều ngày công, vật liệu, thiết bị nhằm mở rộng, xây dựng các công trình công cộng, thủy lợi, đường giao thông phục vụ việc sản xuất, đi lại, giao thương hàng hóa. Triển khai cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", xã tập trung các nguồn vốn, bê tông hóa đoạn đường xóm Búa - Sổ dài 2 km, xóm Bay - Trung Thượng dài 1,6 km, phát dọn nhiều tuyến đường…
Tuy nhiên, do đặc thù là xã vùng cao, khí hậu khắc nghiệt về mùa Đông, thường xuyên xảy ra thiên tai, mưa lũ nên việc sản xuất, canh tác cây trồng gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, nguồn nước tưới chủ yếu lấy từ khe, suối nên khó chủ động trong sản xuất nông nghiệp. Xã mong muốn các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, hỗ trợ vốn vay sản xuất, bao tiêu đầu ra cho nông sản địa phương, giúp bà con nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo, cải thiện đời sống. Thu nhập bình quân đầu người toàn xã hiện đạt 30,26 triệu đồng/năm, hộ nghèo chiếm 37,14%. Xã đạt 10/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
Hoàng Anh