Lãnh đạo Sở NN&PTNT, UBND huyện Tân Lạc kiểm tra tình hình sản xuất vụ đông xuân trên địa bàn huyện, động viên bà con tập trung sản xuất.
Vụ đông xuân này, theo kế hoạch, toàn huyện gieo trồng 7.662ha. Lượng giống gieo ước đạt 90 tấn, đảm bảo 100% diện tích cấy, trong đó, lúa lai khoảng 15 tấn, lúa thuần khoảng 75 tấn. Bên cạnh đó, nông dân toàn huyện trồng 400 ha mía, 230 ha ngô, 113 ha sắn, 50 ha lạc, 47 ha khoai lang, 273 ha rau đậu các loại.
Theo đồng chí Đinh Duy Khải, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, ngay từ đầu vụ, huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo về chủ động ứng phó với rét đậm, rét hại trên địa bàn; tập trung chỉ đạo sản xuất vụ đông xuân 2023 - 2024; tăng cường thực hiện các giải pháp phòng chống hạn hán, thiếu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô…, đồng thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn tuyên truyền nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc cho mạ, không để mạ chết rét. Ngay sau Tết, tranh thủ thời tiết nắng ấm, bà con đã ra đồng sản xuất, đảm bảo khung thời vụ và kế hoạch đề ra. Đến nay, toàn huyện đã hoàn thành xuống giống, không có diện tích mạ chết do rét.
Bên cạnh đó, huyện tiếp tục rà soát chuyển đổi những diện tích đất lúa không chủ động nước, đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, ưu tiên những loại cây trồng có hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Điển hình như việc thay thế các loại giống mía cũ để trồng theo phương pháp nuôi cấy mô ở xã Mỹ Hòa; chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả bằng các loại cây trồng có giá trị cao hơn như mướp đắng, bí xanh lấy hạt, ớt... ở các xã: Nhân Mỹ, Lỗ Sơn, Do Nhân…
Hiện nay, địa phương tập trung chỉ đạo bà con tranh thủ thời tiết thuận lợi tiến hành tỉa dặm, kết hợp bón thúc đợt 1, giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt.
Vụ xuân năm nay, gia đình bà Bạch Thị Nguyệt, xã Thanh Hối gieo thẳng hơn 3 sào lúa các loại. Gia đình đang triển khai tỉa dặm để đảm bảo mật độ theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Bà Nguyệt chia sẻ: Kinh nghiệm sản xuất lâu năm nên gia đình đã chủ động mua thêm giống để vãi, phục vụ quá trình tỉa dặm. Tranh thủ nắng ấm, nguồn nước đảm bảo, chúng tôi phấn đấu hoàn thành tỉa dặm và bón thúc đợt 1 cho lúa xuân. Xác định vụ xuân là vụ chính nên để đảm bảo thắng lợi về năng suất và sản lượng lúa, ngay từ đầu vụ, huyện đã chỉ đạo thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Đặc biệt ở những địa bàn khó khăn hơn về nước tưới, huyện chủ động phối hợp và xây dựng kế hoạch điều tiết nguồn hợp lý, giúp nông dân hoàn thành tỉa dặm, bón thúc theo khung lịch ngành chuyên môn đã khuyến cáo. Qua đó tạo đà cho lúa đẻ nhánh, sinh trưởng tốt. Trong điều kiện thời tiết có sương mù, độ ẩm cao như mấy ngày trước, địa phương đã khuyến cáo nông dân chủ động công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng dịch hại ngay từ đầu vụ, trong đó tập trung vào các đối tượng bệnh đạo ôn trên lá, ruồi đục nõn hại lúa… Đồng thời tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến các loại dịch hại để chủ động phát hiện và có giải pháp phòng trừ kịp thời, tránh phát sinh ra diện rộng, gây hại lúa xuân.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, để chuẩn bị cho vụ sản xuất đông xuân 2023 - 2024, huyện cung ứng trên 550 tấn phân các loại đảm bảo về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu của bà con. Đến thời điểm này, việc sản xuất vẫn đảm bảo theo đúng kế hoạch và khung thời vụ. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị nông sản địa phương, huyện tập trung tìm kiếm các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nhằm tạo sự cạnh tranh trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, tranh thủ nguồn lực đầu tư cải tạo, nâng cấp các công trình thủy lợi, đảm bảo nguồn nước tưới cho sản xuất.
Minh Vũ