Không phải là vùng động lực của tỉnh nhưng huyện Lạc Sơn đã tận dụng những tiềm năng, lợi thế riêng có về lao động, đất đai, hệ thống giao thông kết nối để phục vụ phát triển KT - XH. Cùng với đó, huyện thu hút nhiều nguồn lực đầu tư vào địa bàn.
Đồng chí Bùi Văn Lịnh, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Lợi thế của huyện về giao thông là có quốc lộ 12B chạy qua nối với quốc lộ 6 và đường Hồ Chí Minh; diện tích đất đai rộng lớn để phát triển nông, lâm nghiệp, công nghiệp và dịch vụ; lực lượng lao động dồi dào với dân số 15,7 vạn người, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động chiếm trên 60%, hàng năm bổ sung gần 1.300 học sinh tốt nghiệp THPT. Bên cạnh đó là tiềm năng phát triển du lịch với nền văn hóa dân tộc Mường đậm đà bản sắc, nhiều di tích lịch sử, văn hóa, các đặc sản và ẩm thực đặc trưng. Hai điểm vùng cao phía Đông Bắc (các xã Miền Đồi, Quý Hòa), vùng cao phía Tây Nam (các xã Ngọc Sơn, Ngọc Lâu, Tự Do) có khí hậu ôn hòa, cảnh quan tự nhiên tươi đẹp, độ che phủ rừng trên 50%... thích hợp với loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Hiện nay, ngoài các điểm đến nổi tiếng như thác Mu - xã Tự Do, Đồi Thung - xã Quý Hòa, một số nhà đầu tư (NĐT), doanh nghiệp (DN) đã tin tưởng rót vốn đầu tư dự án du lịch sinh thái, khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp sau khi nghiên cứu, khảo sát tiềm năng vùng đất và đánh giá triển vọng đầu tư vào địa bàn.
Những năm gần đây, huyện Lạc Sơn chú trọng hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, chủ động nắm bắt cơ hội hút dòng vốn từ các NĐT, DN trong và ngoài nước. Chính sách ưu đãi trong thu hút đầu tư đảm bảo thực hiện kịp thời. Mặt khác, huyện chủ trương "trải thảm đỏ” mời gọi các NĐT, DN, cụ thể hóa bằng các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, đồng hành và sát cánh cùng NĐT, DN trong giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng với phương châm hỗ trợ tối đa và tạo mọi điều kiện cho NĐT, DN.
Năm 2023, huyện có thêm 4 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, lũy kế thu hút 37 dự án trên địa bàn, gồm 2 dự án đầu tư nước ngoài, 35 dự án đầu tư trong nước với tổng mức đầu tư theo đăng ký trên 12.000 tỷ đồng, tổng diện tích thực hiện trên 732 ha. Đến nay, có 20 dự án hoàn thành, đi vào hoạt động; 10 dự án đang triển khai các bước đầu tư như: tổ hợp nhà máy sản xuất gỗ BKG Việt Nam tại xã Tân Mỹ; nhà máy sản xuất viên gỗ nén và các sản phẩm khác từ gỗ, nhà máy sản xuất giày da Thiên Diệu tại xã Ân Nghĩa; nhà máy giày da Yaehway tại xã Thượng Cốc; nhà máy sản xuất gỗ Quang Vinh tại xã Nhân Nghĩa; khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng khoáng nóng cao cấp Đồi Thung, hồ Khả tại xã Quý Hòa... Ngoài ra, một số NĐT đang đề xuất nghiên cứu, khảo sát lập dự án với tổng diện tích gần 2.500 ha.
Đồng chí Bùi Văn Lịnh, Chủ tịch UBND huyện khẳng định: Các DN, NĐT đóng góp quan trọng cho tăng trưởng KT-XH của huyện. Nguồn vốn thu hút đầu tư từ bên ngoài tạo nên sự khởi sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống, làm thay đổi diện mạo đô thị, nông thôn. Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực nông thôn giảm, lao động địa phương có việc làm tại chỗ ngày càng tăng. Năm 2023, huyện đạt thu nhập bình quân đầu người 60 triệu đồng, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 4,32%. Thúc đẩy mục tiêu là thu hút đầu tư kết hợp với phát huy nội lực của địa phương, huyện cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để NĐT, DN phát triển, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án, đặc biệt đối với 3 dự án trọng điểm (Đồi Thung, hồ Khả, hồ Cánh Tạng). Ưu tiên nguồn vốn đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông trọng điểm, nhất là tuyến giao thông liên huyện, đường kết nối các vùng với trung tâm hành chính huyện. Hỗ trợ tích cực cho NĐT khi triển khai dự án có liên quan đến giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, thỏa thuận với tổ chức, cá nhân về vấn đề đất đai. Phối hợp các sở, ngành kêu gọi, giới thiệu DN có tiềm lực mạnh về tài chính, kinh nghiệm vào đầu tư trên địa bàn.
Bùi Minh